Shop TIN 6/6: Lại 60 phút mở: Người ta làm từ thiện vì ai?
1.
LẠI "60 PHÚT MỞ"
Tôi dành thời gian đúng 60 phút để xem hết clip chương trình: Người ta làm từ thiện vì ai?
Và tự hỏi: Người ta làm cái này là vì điều gì?
Tạ Bích Loan cố gắng dẫn dụ những khách mời vào câu hỏi làm từ thiện vì ai? Và cố gắng để ai đó trong những vị khách mời nói ra cho được chủ đề, vì ai? Vì mình? Vì để chơi trội? Vì để chém gió? Vì để nổi tiếng... mà bỏ qua tấm lòng của người làm từ thiện, bỏ qua hiệu quả của những chuyến hàng từ thiện... Có vẻ như chương trình chỉ muốn xoáy, vặn, chì chiết, bắt bẻ những sơ suất về thái độ, về cách thức, về chất lượng hàng từ thiện, có vẻ khoái trá bàn luận về những chuyến hàng từ thiện bị địa phương từ chối. Như trong chương trình dẫn ngay phóng sự địa phương từ chối một chuyến hàng từ thiện rất lớn cho các cháu bé... chỉ vì những lý do ất ơ, đáng ra phải phê bình địa phương chứ không phải hả hê vì sự "đổ bỏ" hàng tấn thực phẩm, bánh trái không trao được...
Tôi không hiểu, tại sao cứ phải nói ngược mới ra... 60 phút mở.
Và tại sao người làm chương trình cứ phải nhìn ngược sáng cả những việc làm đang rất tốt đẹp của người làm từ thiện.
Tâm trạng người xem chương trình hết sức bực mình vì sự cố ép cho cái câu hỏi vốn khi đặt ra đã xúc phạm ghê gớm người làm từ thiện: Người ta làm từ thiện vì ai?
Chắc chắn, trong nhiều chuyến từ thiện, trong nhiều cách đưa từ thiện, vẫn còn những chuyện này, chuyện kia chưa trọn vẹn, hoàn toàn có thể chia sẻ để cùng rút kinh nghiệm, nhưng không có nghĩa là mang nó ra để mổ xẻ và hả hê mà bỏ qua muôn vàn điều tốt đẹp mà những tấm lòng từ thiện mang lại cho cộng đồng nghèo khó.
Đáng ra, cần gửi một thông điệp tới các địa phương trong thái độ đón tiếp, tiếp nhận quà từ thiện, cần một ứng xử văn minh, cần một sự tiếp đón chu đáo, và nếu vì lý do gì đó phải từ chối thì đó cũng phải là sự từ chối của những con người tử tế chứ không phải ngăn cản, tự ái, gây khó dễ, thậm chí còn gây áp lực với các đoàn từ thiện.
Trong chương trình, xuất hiện thêm vị tiến sĩ tên Giang, như một đồng minh của nhà báo Tạ Bích Loan, nói ngược, bình ngược, thậm chí đưa ra những lý lẽ nghe rất khôi hài, kiểu như nếu chúng ta mang quần áo lên từ thiện cho đồng bào các dân tộc thì dễ làm tổn hại đến bản sắc văn hóa của họ.
Hình ảnh từ chương trình 60 phút mở: Người ta làm từ thiện vì ai? |
Hãy nghe nhà báo Trần Đăng Tuấn viết cảm nhận về chương trình này: Xem trên TV vị tiến sỹ trầm ngâm nho nhã luận về chuyện cứu trợ quần áo cho vùng cao sẽ làm mất bản sắc văn hóa, mình thấy thành trí thức bây giờ cũng dễ. Đọc ít sách (hay là nhiều cũng thế), rồi xoa cằm suy tư và luận một cách bao giờ cũng đúng về mọi sự trên đời.
Lại nhớ một tối ở vỉa hè Lào Cai, vừa từ Bát Xát về, mình và ông Phạm Ngọc Tiến gặp một trí thức, người cả đời dạy học và quản lý dạy học ở đây, nay đã hưu. Khi mình nói nhà đất trình tường đẹp, ông nhìn mình nói như quát: Nhà báo các anh cứ đi ca ngợi cái kiểu ăn ở ấy đẹp là các anh hại cho người ta đấy.
Mình im vì mình thấy ông đúng. Ở nhà thành phố khen tường đất đẹp thì nho nhã rồi. Hãy vào trong cái nhà trình tường mùa sương mù, nền đất nhão nhoét thành lớp bùn, tường ướt nhẹp, cửa sổ bé tý, tối om...sẽ thấy họ ở vậy vì xưa nay không thể có nhà kiểu khác thôi. Ai yêu sống trong nhà như vậy - cứ vào mà ở lấy một mùa.
Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi. Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào. Chúng tôi cũng cố gắng nhờ thiết kế mẫu áo rét có màu sắc hoa văn vùng cao đấy, nhưng chỉ kịp may thử một ít, còn thì cứ luôn phải tìm mua những gì đang có, ấm, bền mà phải rẻ, để kịp mang lên cho những đứa trẻ tím tái vì rét. Chúng rét không vì bảo tồn tính dân tộc đâu. Mũi chúng nó viêm quanh năm, tai nhiều đứa viêm chảy mủ. Chân tay chúng nó như cổ trâu. Để bảo vệ tính dân tộc - và cái thân thể dân tộc - chúng nó cần ấm một chút đã. Có những vùng, có những cộng đồng người dân tộc không mặc lại quần áo cũ. Có những nơi trẻ em luôn mặc bộ đồ dân tộc. Cần biết để mang đồ quần áo lên ủng hộ đúng chỗ. Nhưng chẳng có nơi nào người ta từ chối nhận đồ ấm chống rét. Họ khoác áo rét đó cho con họ, phủ ngoài các bộ dân tộc. Tôi mạo muội đề xuất vị tiến sỹ mùa đông này đi với chúng tôi một lần. Tôi hứa dọc đường tôi sẽ luận bàn về bản sắc dân tộc với số lý thuyết lập luận có kém cũng không kém tiến sỹ nhiều đâu. Nhưng chỉ dọc đường thôi, trong xe ô tô kín đáo, có sưởi ấm. Trước khi đến với những ngôi nhà trình tường ướt nhoẹt và những lớp học thông thốc gió.
Mà đã nói, thì tôi nói luôn: Tôi cùng bạn bè có một lần do không kịp mua áo rét nội (mà khi đó lại đắt nữa), đã lên biên giới mua 4500 áo rét Tàu mang luôn lên vùng biên cho trẻ nghèo phong phanh đợt rét dữ dội đông 2011. Bị trạm liên ngành nghi buôn hàng lậu, bắt vào định giam, rồi sau biết mua làm gì họ đã níu kéo lại đãi cơm tối. Sau lần đó thì chúng tôi tìm được các nguồn để mua cả vạn áo rét nội. Nhưng đó là sau.
Có bậc trí thức nào mắng tôi về chuyện tiếp tay cho hàng ngoại, tôi - kẻ ủng hộ hàng nội, và hiểu mọi lý thuyết về sự hay ho của ủng hộ hàng nội - cũng không ngại dỏng tai lên nghe chỉ bảo.....
Xem chương trình ở đây: 60 phút mở- Người ta làm từ thiện vì ai?
2.
THAY MÁU ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC?
Nhiều chuyên viên quản lý giáo dục ở Bộ chưa có kinh nghiệm gì về giáo dục.
Tốt nghiệp Đại học xong, được giữ lại trường làm giảng viên, học xong Thạc sĩ, Tiến sĩ thế là trở thành “chuyên gia giáo dục”.
Câu chuyện bi hài ấy là thực tế đáng báo động trong bộ máy quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới đội ngũ quản lý giáo dục (Ảnh minh họa từ petrotimes.vn) |
Kỳ hơn nữa, nhiều Tiến sĩ chuyên ngành phương pháp dạy học mà chưa hề dạy học hoặc dạy học vô cùng ít. Những người này mà làm quản lý giáo dục thì “Thôi rồi! Nhân dân ơi!”.
Không biết ngài Bộ trưởng mới đã có khi nào nghĩ đến điều này chưa nhỉ?
Liệu ngài Bộ trưởng có dám rà soát lại một cách kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của mình không nhỉ?
Rà soát xong, chúng tôi tin rằng nhiều vị lãnh đạo ở Bộ GD&ĐT sẽ “giật mình thon thót”.
Thứ hai, phải đổi mới ngay quy trình quản lý, thực hiện các dự án, các chương trình giáo dục.
Từ việc thẩm định và xét duyệt dự án đến việc phân bổ nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát; tổng kết và nghiệm thu dự án…, cần phải xem xét và thay đổi lại quy trình này một cách khoa học, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của đất nước, khu vực và trên thế giới.
Đọc ở đây:Muốn đổi mới giáo dục, nhất định phải thay đổi đội ngũ quản lý trước
3.
THÔNG ĐIỆP MẠNH MẼ CỦA TƯỚNG VỊNH
Tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS, DOC và sớm đi tới COC.
Ông cho rằng, Việt Nam đã đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, vì thế, nhân dân Việt Nam mong muốn hòa bình lâu dài, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do. Đó là hòa bình trong tự do, độc lập, không can thiệp nội bộ, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân Việt Nam chân thành mong muốn hòa bình. Việt Nam tin mọi tranh chấp có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dù chế độ xã hội khác nhau và hệ tư tưởng khác nhau.
Đọc ở đây:Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do
4.
HÓA CHẤT TRUNG QUỐC Ồ ẠT VÀO VIỆT NAM
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm từ Trung Quốc được “tuồn” qua vùng biên Móng Cái
Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 5-2016, lực lượng chức năng ở vùng biên Móng Cái đã liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu chất phụ gia, hóa chất thực phẩm không nguồn gốc được đầu nậu đưa vào Việt Nam.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ hóa chất nhập lậu
Cụ thể, ngày 25.5, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Móng Cái đã thu giữ 600 kg chất bột tạo màu thực phẩm do Trần Thị Nguyệt (SN 1984, trú tại TP Móng Cái) vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Sau đó 3 ngày (ngày 28.5), tại cơ sở hoạt động trái phép của Đồng Thị Thu Thủy (khu 5, phường Hải Hòa, TP Móng Cái), lực lượng công an thu giữ 1,2 tấn thịt bò đang trong quá trình phân hủy, chuẩn bị được chế biến thành thịt bò khô cùng 250 kg phụ gia đi kèm.
Đọc ở đây:Hóa chất Trung Quốc ồ ạt tuồn vào Việt Nam
5.
NHỮNG NGƯ DÂN XỨNG ĐÁNG KHEN THƯỞNG
Trao đổi với PV Dân trí tại cầu cảng sông Hàn, anh Phú cho biết, lúc anh nhận được thông tin tàu chìm là khoảng 20h15. Từ nơi đậu của tàu mình cách nơi chiếc tàu bị nạn khoảng 500m. Khi nghe tiếng kêu cứu, anh cùng em trai nổ máy lao ra đến nơi thì chứng kiến cảnh “biển người” nổi lềnh bềnh trên sông.
Anh Phú kể lại công việc cứu người bị nạn trong tối qua trên sông Hàn
Cả 2 anh em nhanh chóng quăng áo phao và đưa người lên tàu rồi đưa vào bờ để lực lượng trên bờ đưa đi cấp cứu. Các ghế trên chiếc tàu của anh được tháo bỏ để chở được nhiều người cùng lúc vào bờ.
Xem ở đây: Lời kể của chủ tàu cứu được nhiều nạn nhân trên sông Hàn
ĐỌC TỪ FACEBOOK:
*Ha Trang:
Suốt cả ngày hôm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi vụ lật tàu Du lịch ở ĐN. Mừng vì nhiều người được cứu sống. Nhưng cũng quá xót xa vì một gia đình trẻ cùng lúc mất đi 2 đứa con còn quá bé bỏng. Tôi cứ nghĩ mãi về ông bố, bà mẹ trẻ ấy, làm sao có thể vượt qua nỗi đau quá lớn này. Cuộc sống sao quá nhiều bất trắc ! Tôi không biết cầu mong điều gì cho các bé. Thật tội nghiệp & đau xót !
(Tại sao 1 tàu Du lịch hoạt động ngay giữa Trung tâm Tp ĐN mà lại nói là hoạt động chui. Thế thì trách nhiệm các CQ quản lý nhà nước và Du lịch ở đâu ??? )
*Anh Pham:
Hôm qua mình nghe nói từ nguồn tuyệt đối tin cậy Tổng thống Obama nói là chuyến thăm Việt Nam là chuyến thăm tuyệt vời nhất trong vai trò Tổng thống (most wonderful visit as President.)
Các lý do chính là sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân và việc chính phủ tạo điều kiện cho các hoạt động của Tổng thống, so sánh tương đối với chuyến thăm tới Trung Quốc nơi Tổng thống không được gặp gỡ, tiếp xúc sinh viên hay là ai.
Xin báo tin như thế từ chính lời của bậc thượng khách để mọi người cùng vui.
Riêng mình sang Mỹ đi học 18 năm trước giờ được Mỹ cử đích thân Tổng thống và đoàn tùy tùng 1900 người và biết bao máy bay đưa mình thạc sĩ vinh quy bái tổ về ở cách nhà bố mẹ có mấy cây số xong đi đâu cũng có Người làm cánh tay phải thì đúng là ngủ mơ giữa ban ngày. Như cháu Tuan Anh Khuat em mình nói giờ có chết cũng yên tâm.
Lớn lên trong nghèo đói ở một đất nước cơ cực mình có lúc còn nghĩ đến lúc mình lớn chưa chắc đã lấy được vợ. Được như hôm nay mình chỉ xin nhắn một lời tới đại đa số những bậc phụ huynh Việt Nam vất vả tương tự bố mẹ mình ngày xưa là tập trung tất cả cho việc học hành của con cái, nhưng là thứ học hành cởi mở trọng kiến thức, nhìn ra thế giới, chăm đọc sách, có một hay nhiều ngoại ngữ. Quan trọng nhất là sớm đọc sách bằng ngoại ngữ càng nhiều càng tốt và đừng quá câu nệ là đọc sách nội dung gì, miễn đủ hay để giữ cho mình đọc lâu đọc hết.