Shop TIN 22/4: "Móng tay" của tướng Minh-Chợ thần chết-Nước xả Vũng Áng giết cá?
1.
"CÁI MÓNG TAY" CỦA TƯỚNG MINH
Hôm qua, báo chí và dư luận xã hội phát sốt với câu nói của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh:"Theo tôi vụ án này không đáng mất nhiều công sức, không đáng tốn nhiều bút mực. Tôi đánh giá vụ án này nhỏ xíu như cái móng tay".
Thiếu tướng Phan Anh Minh
Bị cáo Nguyễn Văn Tấn
Ý của tướng Minh vụ án này nhỏ xíu phải không ạ. Nhỏ xíu cho nên khởi tố đúng càng tốt, không đúng thì rút kinh nghiệm phải không ạ. Chỉ là thân phận của một người dân chủ quán cà phê thôi mà, to tát gì đâu, nhỏ xíu, chỉ là cái móng tay ông nhỉ, thích thì để móng tay tồn tại ngó chơi, không thích thì bấm phát, đứt.
Ông đã nói rất đúng như ông đang nghĩ, đây không phải là câu nói nhỡ miệng cho nên ông không cần áy náy, một khi thân phận chính trị một người dân các ông xem như cái móng tay thì việc xảy ra hành vi lạm quyền, coi thường dân, xô đẩy quyền sống, quyền kinh doanh của dân, gây ra cả sự hàm oan...đều xảy ra là chuyện dễ giải thích.
Nhưng vì sao thế nhỉ, vì sao vụ án "cái móng tay" của tướng Minh lại khiến lãnh đạo cấp cao nóng ruột vào cuộc chỉ đạo như thế: Bí thư thành phố, chủ tịch thành phố, Bộ trưởng công an, Chủ nhiệm uỷ ban pháp luật của quốc hội, và người ra mệnh lệnh cuối cùng yêu cầu dừng xét xử ngay lập tức là Thủ tướng Chính phủ.
Vì sao thế thưa thiếu tướng Phan Anh Minh? Ông có ngạc nhiên không khi một vụ án được các ông nhận định với qui mô "cái móng tay" mà hàng loạt các công điện, chỉ thị của nhiều cán bộ cấp cao phải can thiệp không? Đó là phận người thưa ông, sinh mệnh chính trị một công dân tự do và lương thiện đang bị chà đạp thưa ông, môi trường kinh doanh thưa ông, khát vọng vươn lên của thành phố đang bị chính những việc làm lạm quyền này cản đường thưa ông. Hành động kịp thời của các cấp lãnh đạo ngăn chặn nhanh một vụ án đầy tính cưỡng hiếp và hồ đồ là cách để gửi một thông điệp rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động kinh doanh, không ai với bất cứ lý do gì ngáng trở, nhiễu loạn, bóp nghẹt quyền và nghĩa vụ đó.
Có lẽ lúc này lại phải cần một vụ án về tội lạm quyền.
Thông tin sối nổi, bức xúc, phản đối, bất đồng, cau có, làu bàu về "cái móng tay" của tướng Minh có hết ở đây:
Công an TP.HCM: Vụ quán Xin chào 'nhỏ xíu như móng tay'
Lực cản "giấc mơ Thượng Hải" của Bí thư Thăng ở đây chứ còn đâu nữa!
Vì sao vụ việc đơn giản bỗng nhiên bị “hình sự hóa”?
Vụ khởi tố chủ quán cà phê: Nhỏ như móng tay?!
Vẫn chưa rõ cơ sở pháp lý
Thưa Thiếu tướng Phan Anh Minh, cái nào bé xíu bằng “móng tay”?
Bị truy tố vì bán cà phê trước cổng công an: Có cơ sở pháp lý?
Chủ tịch H.Bình Chánh, TP.HCM: Bên công an, chúng tôi không can thiệp hết được
Giới luật sư, chuyên gia kinh tế không đồng tình với tướng Phan Anh Minh
Cay nghiệt với người kinh doanh
Đừng để quyền tự do kinh doanh là hư quyền
2.
BIỂN NHIỄM ĐỘC, CÁ CHẾT, NHƯNG TẮM BIỂN ĐƯỢC KHÔNG?
Bắt đầu sau 15 ngày cá chết trắng bờ biển, bao nhiêu tin tức, phản ánh,kêu thét...hôm qua ào ào nhiều Bộ, ban ngành vào cuộc, nghiên cứu, xem xét, kết luận, thông báo...
Nhưng có một câu hỏi rất lớn, biển nhiễm độc, cá chết, thì người tắm biển được không? Mùa nghỉ lễ sắp tới, hàng triệu người sẽ tắm biển miền Trung, ai cam kết tắm biển an toàn? Phải xác định và thông báo điều này khẩn cấp vì nó ảnh hưởng đến sinh mạng sống của hàng triệu du khách và hoạt động của các khu du lịch biển.
Chưa thấy báo chí, các chuyên gia nào khuyến cáo, thông tin về sự an toàn của các bãi tắm?
Và cuối cùng nguyên nhân gây nhiễm độc để giết biển từ nước xả của Khu công nghiệp Vũng Áng.
Và nghe Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) trả lời:"có những nhận định ban đầu được họ đưa ra như có thể yếu tố gây độc trong môi trường nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết, còn phía người dân rất hoang mang và lo lắng, họ cho rằng ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh xả thải gây độc. Còn đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy sản đang nắm bắt tình hình và đang làm rõ nguyên nhân.Việc kiểm tra các nhà máy khu công nghiệp Vũng Áng chúng tôi không thể vào được, một là phải có ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hai là phải có công an vào cuộc, chứ đoàn chúng tôi không thể vào được khu công nghiệp. Vì đây là khu công nghiệp lớn của quốc gia, phải có chỉ đạo từ Trung ương xuống hoặc có sự chỉ đạo từ ngành dọc..."
Một khu công nghiệp mà muốn vào lại phải chờ...Trung ương?
Cá thì chết, dân ngộ độc, người tiêu dùng bỏ cá, dân đau đớn quay thuyền bỏ biển, còn cái nơi phát xuất chất xả độc đó đáng ra phải kiểm tra ngay, phải đình chỉ sản xuất ngay...thì gần như chả ai "dám "vào, trên đất nước mình mà còn phải chờ Trung ương....
Báo chí phản ánh ở đây:
Ngư dân khóc, lái buôn thất thu vì không ai dám ăn cá biển
Cá biển chết hàng loạt: Do khu công nghiệp Vũng Áng xả thải?
Bộ Tài nguyên họp khẩn truy tìm nguyên nhân cá chết
Điêu đứng vì 'biển chết'Bộ NNPTNT: Nghiêm cấm sử dụng, buôn bán tiêu thụ cá chết
Độc tố rất mạnh mới giết nhiều cá thế
3.
CHỢ THẦN CHẾT?
Với đủ loại hóa chất từ tẩy công nghiệp đến hương liệu, tinh chất chế biến thực phẩm, cà phê, nước giải khát được mua bán dễ dàng, Kim Biên lâu nay được gọi là chợ “thần chết”. Biết vậy nhưng quản lý chợ này không dễ dàng.
Dễ dàng mua bán hóa chất độc hại ở chợ Kim Biên, TPHCM. Ảnh: PV
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cho biết, qua các đợt kiểm tra về thực phẩm bẩn ở TPHCM, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bẩn như ngâm thịt heo vào hóa chất để biến thành thịt bò, ngâm măng chua vào chất vàng ô để tạo màu bắt mắt… khai rằng, họ mua các loại hóa chất này ở chợ Kim Biên. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ khai mua ở chợ Kim Biên chứ không khai rõ mua ở sạp nào, ai là chủ.
“Họ làm ăn đã móc nối hết với nhau rồi, không bao giờ khai ra chủ cơ sở bán hóa chất cho cơ quan chức năng mà chỉ khai chung chung như mua ở chợ Kim Biên, khu vực Chợ Lớn… Hơn nữa, cơ quan thú y không có chức năng xử lý cơ sở kinh doanh hóa chất mà chỉ tập trung vào thú y nên việc kiểm soát hóa chất đưa vào chế biến thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn” ông Nguyên nói.
Đọc thêm ở đây:Bất lực nhìn chợ 'thần chết'
4.
THƯ GỬI THỦ TƯỚNG.
Khi bà Ngọc ngăn chặn ghe hút cát, nhiều người lạ mặt đe dọa bà Ngọc trước mặt lực lượng công an (ảnh cắt từ clip do gia đình bà Ngọc cung cấp quay vào tháng 9-2015). Bà Ngọc bị tạm giam vì bị cho rằng có hành vi chống người thi hành công vụ
Sau khi Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ông Trần Quốc Bảo - trưởng phòng quản lý môi trường Cục Môi trường miền Nam - đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Được sự cho phép của ông Bảo, Tuổi Trẻ trích đăng:
... Kính gửi: Anh Nguyễn Xuân Phúc
Tôi xin mạo muội gửi anh lá thư này vì một lý do cấp thiết vì có một vụ việc xảy ra như sau:
Tháng 5-2015, Cục Môi trường miền Nam nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ngụ tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cáo giác việc Công ty Nhân Thiện Hòa thực hiện nạo vét luồng rạch, kết hợp tận thu khai thác cát tại khu vực đã gây ô nhiễm đến môi trường, gây thiệt hại cho tôm nuôi.
Cục Môi trường miền Nam đã phân công tôi tìm hiểu xử lý đơn thư này.
Sau 6 tháng điều tra nghiên cứu theo dõi vụ việc, tôi đã nắm rất rõ các vấn đề có liên quan đến vụ việc và vừa có báo cáo hệ thống hóa toàn bộ vụ việc gửi cho lãnh đạo cục, trong đó có đề cập đến những vấn đề nhạy cảm có liên quan đến sự tiếp tay cho tiêu cực của các cán bộ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Tôi xin phép được gửi đến anh nội dung của bản báo cáo (kèm theo) để anh có được thông tin về những vấn đề có liên quan đến vụ việc này (nói riêng) và tình hình xã hội hóa nạo vét luồng rạch kết hợp khai thác cát tận thu sản phẩm ở phía Nam (nói chung), và nếu được, để có những chỉ đạo kịp thời.
Lẽ ra tôi chưa gửi đến anh bức thư này nhưng có vụ việc đau lòng xảy ra ngày 19-4-2016 khi Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vì tội chống người thi hành công vụ cho một vụ việc xảy ra vào ngày 5-9-2015.
Vụ việc này tôi được chứng kiến cụ thể (vì tôi được cục cử xuống nắm tình hình). Về vụ việc xảy ra mà dựa vào đó bên công an bắt bà Ngọc thì tôi cũng đã có báo cáo tường thuật sự việc gửi lãnh đạo cục (nội dung báo cáo xin được gửi kèm theo thư).
Tóm tắt là bà Ngọc yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ về hành vi vi phạm của các phương tiện khai thác cát, công an từ chối lập biên bản tại chỗ mà kéo ghe đi, bà Ngọc có hành động tìm cách giữ ghe lại để đòi lập cho được biên bản tại chỗ, bên công an không thực hiện mà đưa ghe đi, hai bên nhùng nhằng với nhau một lúc lâu nhưng không có xô xát gì và bây giờ (sau hơn 6 tháng kể từ lúc xảy ra vụ việc) họ bắt bà Ngọc vì hành vi chống người thi hành công vụ.
Trong khi bà Ngọc cho rằng nếu không lập biên bản tại chỗ thì sự việc lần này sẽ dần dần chìm xuồng giống như những lần trước đã từng diễn ra như vậy.
Tôi không có liên quan lợi ích gì đến vụ việc này (thậm chí tôi còn có lợi ích nếu đứng về phía nhóm khai thác cát) nhưng vì đã tìm hiểu và biết quá rõ mọi việc liên quan nên nhận thấy phải hết sức giúp đỡ người dân.
Chính vì vậy tôi xin phép được sử dụng tư cách cá nhân (nhưng với công vụ đã được cơ quan giao điều tra kỹ lưỡng vụ việc này) gửi đến anh các bản báo cáo để anh nắm rõ sự việc (vì tôi được biết bà Ngọc cũng đã gửi đến anh một lá đơn kêu cứu).
Vì sự nhạy cảm, phức tạp của vụ việc này và tính khẩn cấp liên quan đến sự an toàn của người dân yếu thế trong nỗ lực bảo vệ lẽ phải nên tôi xin phép được gửi đến anh lá thư cá nhân này trong khi chờ đợi các thủ tục báo cáo, xử lý theo trình tự hệ thống của Tổng cục Môi trường.
Tôi cảm ơn anh rất nhiều”.
TRẦN QUỐC BẢO
Thông tin ở đây:Thư kêu cứu gửi Thủ tướng
ĐỌC TỪ FACEBOOK:
*Việt Thắng:
VỤ CÁ CHẾT HÀNG LOẠT- HÀ TĨNH TỪNG TỪ CHỐI ĐỀ TÀI CỦA PGS
PGS,TS. Nguyễn Quốc Thắng, công tác tại Đại học Hà Tĩnh đã nhiều năm liền đề xuất đề tài đánh giá tác động môi trường và xác định một số nguyên tố độc hại trong một số hải sản ở vùng biển Vũng Áng - Kỳ Anh.
Theo đó, kinh phí mà PGS đề xuất cho đề tài này chỉ có 200 triệu đồng, một con số rất nhỏ, có khi chỉ bằng vài bữa tiếp khách của các quan. Tuy nhiên tỉnh này đã từ chối đề tài của PGS.
Nực cười hơn, một cán bộ có bằng thạc sỹ còn đưa ra lí do từ chối là: nếu có ô nhiễm thì khi thải ra biển coi như nước biển đã xử lí rồi.
NGUY CƠ ĐÃ RẤT GẦN
- Ngư dân mất dần động lực ra khơi bám biển, dân biển Bắc Trung Bộ là một trong những lực lượng kiên cường nhất trong việc duy trì ngư trường truyền thống của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.
- Mất khách du lịch là nguồn thu "xanh"
- Ngư dân bãi ngang Bắc Trung Bộ bị xáo trộn khi nghề cá bị ảnh hưởng, xã hội dễ bị thao túng
*Đặng Bá Tiến:
Ra khỏi nhà con chớ vội tin ai
Dè chừng bọn buôn người, bắt cóc
Dự tiệc tùng món thơm đừng vội gắp
Hóa chất bây giờ ngâm tẩm cả lương tri
Sống yêu thương nhưng với gái chớ "tình si”
Vòng một… vòng ba coi chừng giả tạo
Trước món hàng đừng tin lời quảng cáo
Chất lượng âm ty, được thổi tận trời
Nơi đông người phải tránh con ơi
Không khủng bố đánh bom cũng bị mò cháy túi
Trên diễn đàn ngọt ngon người nói
Đừng vội làm theo dễ bị thiệt mình…
Sống trên đời không thể thiếu niềm tin
Cha đã sống đã tin đến bây giờ mới hiểu
Đời nay lắm lọc lừa, giả, đểu
Nên niềm tin cũng phải dần sàng
Phải đãi bao năm mới có một hạt vàng!
BMT 20.4.2016