Shop TIN 16/7: Formosa hết sai dưới biển lại sai trên bờ
1.
SAI TỪ BIỂN LÊN BỜ.
Dù đang chờ kết quả phân tích số chất thải bị chôn lấp tại trang trại của giám đốc công ty môi trường Kỳ Anh về mức độ độc hại, kết quả thế nào cũng không thể thay đổi được sai phạm của Formosa khi hợp đồng xử lý chất thải, bùn bánh...với một đơn vị không có chức năng xử lý. Còn nếu chất thải thực sự độc hại thì Formosa lại phải gánh chịu một sai phạm nghiêm trọng mới:
*Formosa hết sai dưới biển lại sai trên bờ
Ngày 13-7, ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh, cho biết phía Formosa đã thừa nhận việc ký hợp đồng xử lý chất thải với Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh là sai phạm.
Nghe có đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường, nhiều người dân đến trang trại của ông Lê Quang Hòa - giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh - để xem nơi chôn chất thải của Formosa - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Nhưng còn 145 tấn chất thải độc hại theo báo cáo của Formosa rằng đã chuyển ra ngoài, số này là độc hại, nhưng kỳ lạ, hiện giờ lại không biết ở đâu, các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh cũng ...không biết. Đây mới là điều đáng quan tâm. Với lượng chất thải độc hại lớn như thế mà không biết đang ở đâu thì mới biết sự quan liêu, tắc trách và lỏng lẻo trong quản lý đã ở mức báo động.
*145 tấn chất thải nguy hại của Formosa "biến mất" bí ẩn
Ngày 14/7, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn nói về quá trình ký hợp đồng xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh với một số công ty.
Đặc biệt, đối với các chất thải nguy hại, theo Formosa báo cáo, công ty này đã ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Phú Hà (đơn vị có chức năng được xử lý chất thải công nghiệp) vận chuyển xử lý từ tháng 8/2015 đến nay với khối lượng 145,4 tấn.
Tuy nhiên, ngày 15/7, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Thức, Giám đốc công ty TNHH Môi trường Phú Hà (Công ty Phú Hà) lại phủ nhận việc này.
À, đây rồi, đúng là có chuyển 145 tấn chất thải nguy hại của Formosa ra Phú Thọ xử lý, nhưng hỡi ôi, giờ mới lộ sáng, chỉ là thùng phuy đựng chất thải ấy thôi, vỏ thôi, còn ruột thì vẫn "lưu luyến" ở lại Hà Tĩnh. Còn ở đâu thì vẫn là một câu hỏi. Hơn thế, nó đang là một ẩn hoạ, vì đó là chất thải nguy hại như chính Formosa thừa nhận.
*"145,5 tấn chất thải Formosa ra Phú Thọ chỉ là... vỏ thùng phuy"
Ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT Phú Thọ: Theo thông tin nắm được, công ty chỉ mang vỏ thùng phuy về Phú Thọ, còn trong Hà Tĩnh người ta có nhà máy xử lý ở trong đó. Công ty cũng cam kết không mang chất thải nguy hại ra Phú Thọ. Vì trong Hà Tĩnh công ty cũng có nhà máy, không cần phải đem ra Phú Thọ cho xa xôi. Số liệu 145,4 tấn chỉ là thể hiện ở vỏ thùng phi chứ không phải chất bùn thải.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Sở TN-MT Phú Thọ - ảnh: Thanh Tâm
Hãy truy công ty này: Công ty môi trường Phú Hà của Phú Thọ nơi nhận để xử lý chất thải độc hại của Formosa. Vì sao không cho phóng viên tiếp cận. Ngay cả chính quyền địa phương cũng cấm cửa không cho vào kiểm tra?
*Cty hợp đồng xử lý rác thải Formosa 'cấm cửa' chính quyền địa phương
Theo thông tin mà PV báo Người Đưa Tin nắm được, ngoài công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh còn có một công ty khác cũng tham gia vào việc vận chuyển hàng trăm tấn rác thải của Formosa về tỉnh Phú Thọ để xử lý.
Trong báo cáo nhanh của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tĩnh do Giám đốc Võ Tá Đinh ký ngày 13/7 có đề cập đến một doanh nghiệp khác. Ngoài công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh đã tham gia vào vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại của Formosa, còn có công ty TNHH Môi trường Phú Hà.
Để liên hệ tìm hiểu về vụ việc, PV đã đến UBND xã Trạm Thản nhưng lãnh đạo UBND xã cho biết đang bận họp.
Ghi nhận trực tiếp của PV, tại cổng bãi rác xe chở rác chạy ra vào liên tục. Thỉnh thoảng lại có một xe tải được bịt kín phần thùng, bốc lên mùi hôi thối đang đi vào bãi.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trung Kiên, chủ tịch UBND xã Trạm Thản (huyện Phù Ninh) cho biết: “Khu xử lý rác của công ty Phú Hà tuy nằm trên địa bàn xã nhưng chúng tôi không hay biết gì về những thông tin này (thông tin công ty này vận chuyển rác thải của Formosa từ Hà Tĩnh về Phú Thọ xử lý)”.
Như vậy là rõ, Formosa đã hợp đồng với nhiều đơn vị tiếp nhận chất thải của mình cả chất thải rắn, bùn bánh, rác thải, và không cần biết đối tác của mình đưa đi đâu. Các cơ quan có trách nhiệm ở Hà Tĩnh cũng theo đó ...không biết luôn. Từ vụ chôn chất thải trong trang trại cá nhân giám đốc công ty môi trường Kỳ Anh do nhóm phóng viên báo Người đưa tin phát hiện, đến Bãi rác khổng lồ trong rừng do phóng viên báo Infonet phát hiện, đến bãi chất thải đổ lẫn với rác ở bờ biển Thiên Cầm, rồi vụ mất tích bí ẩn của 145 tấn chất thải nguy hại như đã nói ở trên...có thể khẳng định, nếu thực sự Chính phủ không quyết liệt tìm đủ chứng cứ buộc tội giết biển vừa qua với Formosa thì khó để phát hiện thêm những hành vi giết bờ của Formosa. Rồi đây, Bộ TNMT, tỉnh Hà Tĩnh còn quá nhiều việc phải làm cho khủng hoảng xả thải trên bờ dưới biển của Formosa. Đó là Formosa còn chưa đi vào hoạt động...Tương lai gần nếu cứ giám sát, quản lý lỏng lẻo, thậm chí bắt tay cùng...sai phạm như thế này thì Formosa đang cố tình tự đuổi mình ra khỏi dự án đầu tư và nhiều cá nhân, cơ quan tự mình đốn ngã mình trước sai phạm.
Chưa cơ quan nào xác định được 145 tấn chất thải được chính Formosa báo cáo là độc hại hiện đang ở đâu |
2.
*KHEN...CŨNG NHẦM.
Nhầm là nhầm chỗ này: Người được khen, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung không hề tham gia ca phẫu thuật cấp cứu. Nhưng nếu không trực tiếp tham gia ca phẫu thuật thì khó để nhận bằng khen của Bộ trưởng vì hành động kêu gọi mọi người quyên tiền ủng hộ ca song sinh dù rất tốt, rất đáng biểu dương nhưng chắc chắn chưa hội đủ thành tích nhận bằng khen của Bộ trưởng. Tôi tin, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung không muốn nhận lời khen mà mình không có vì hành động kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bệnh nhân của bác sĩ Chung là một hành động tử tế, người tử tế không thích khen ...nhầm.
*Vụ cặp sinh đôi dính liền: Bộ trưởng Y tế khen thưởng bác sỹ ra chợ quyên tiền *GÓP Ý CŨNG...THU TIỀN
Ừ thì lập đường dây nóng thu phí cũng được dù hơi khiên cưỡng, chả ai góp ý hay báo tin xử lý cho ngành mình mà lại ngửa tay lấy của người ta tiền phí bao giờ, hơi ngược đời, đáng ra phải thưởng, nhỉ? Ừ thì cứ cho là Bộ Y tế nghèo, nên phải thu tiền phí người gọi. Vấn đề mà báo Tiền Phong đặt ra rất nghiêm túc: Phải thông báo. 1 ngàn đồng rất bé nhưng nó là sự minh bạch. Và liệu khi biết mỗi lần gọi góp ý kiến với Bộ Y tế lại mất 1.000 đồng tiền phí, sẽ còn ai gọi? Vậy lập đường dây nóng để làm gì?
*Bộ Y tế lập đường dây nóng để... thu phí?
Ít người biết rằng đường dây nóng (19009095) của Bộ Y tế đang thu phí 1.000 đồng/phút với các cuộc gọi đến.
3.
NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP.
Hành động của cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hoá nhặt được 21 triệu đồng đánh rơi và thông tin để trả lại rất đáng khen ngợi. Hành động của nữ cảnh sát dù bị bệnh hiểm nghèo vẫn từ chối điều trị để thực hiện khát khao giữ và sinh nở đứa con của mình đã làm cộng đồng xã hội hết sức xúc động.
*Cảnh sát giao thông nhặt được bọc tiền lớn rơi trên quốc lộ 1A
Ngày 15/7, đại úy Trịnh Xuân Tùng, Trạm trưởng Trạm CSGT quốc lộ 1A (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đang thông báo rộng rãi tới người dân nhằm tìm chủ nhân bọc tiền lớn được cán bộ đơn vị nhặt được trong lúc làm nhiệm vụ.
Theo ông Tùng, chiều 11/7, Tổ tuần tra do trung tá Nguyễn Viết Thắng làm tổ trưởng làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Phát hiện bọc nylon lớn rơi trên đường, tổ đã kiểm tra bên trong thấy có nhiều tiền với tổng trị giá hơn 21 triệu đồng.
Trung tá Thắng cùng đồng nghiệp sau đó đã lập biên bản bàn giao cho lãnh đạo đơn vị và thông báo truy tìm chủ sở hữu số tài sản này.
*Nữ chiến sĩ công an từ chối điều trị ung thư để cứu con
Câu chuyện đẫm nước mắt về nghị lực phi thường của nữ chiến sĩ Công an Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Hà Tĩnh từ chối điều trị ung thư để cho con được chào đời đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên cộng đồng mạng. Tình cờ đọc được tâm sự của chị trên facebook HVCS confessions (trang tâm sự của học viên Học viện CSND), chúng tôi không cầm được nước mắt.
4.
NICE- NƯỚC MẮT
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời thể hiện sự đoàn kết với người dân Pháp. Ông nói: “Thay mặt người dân Mỹ, tôi lên án mạnh mẽ hành động tấn công khủng bố khủng khiếp ở Nice, Pháp, giết chết và làm bị thương hàng chục người dân vô tội. Chúng tôi xin cầu nguyện và chia sẻ với gia đình, những người thân yêu của các nạn nhân. Chúng tôi mong những ai bị thương sẽ bình phục hoàn toàn và nhanh chóng”.*Lãnh đạo thế giới bàng hoàng về vụ khủng bố tàn nhẫn ở Nice, Pháp Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã từ thành phố miền Nam Avignon trở về thủ đô Paris để tiến hành họp khẩn cấp về vụ khủng bố. Trên Twitter, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết cảm thấy buồn thương sâu sắc trước thảm kịch. Ông viết: “Tôi thấy buồn vô hạn về vụ tấn công ở Nice. Chúng ta sẽ luôn đoàn kết với người dân Nice và Alpes-Maritimes”. Theo tờ Independent, Thủ tướng Anh Theresa May đã được thông tin về vụ việc. Văn phòng Ngoại giao của Anh gửi thông điệp: “Chúng tôi đang liên lạc với chính quyền địa phương về vụ khủng bố ở Nice và sẵn sàng giúp đỡ công dân Anh” bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công.
*Vụ tấn công bằng xe tải ở Pháp: 1.200 camera ghi hành trình kẻ khủng bố
Sau một đêm kinh hoàng trên con đường ở hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Nice, Pháp Reuters
Ngay cả vũ khí tấn công cũng không được biết rõ. Sau khi tài xế bị bắn chết, cảnh sát Pháp cho biết trong xe có nhiều lựu đạn và súng; nhưng sau đó lại tuyên bố chúng đều là đồ giả.
Cách đây vài tháng, IS từng kêu gọi các thành viên của mình dùng xe tải lớn tấn công đám đông như những gì vừa xảy ra ở Nice. Sau vụ tấn công ở Nice, các thành viên IS đã lên mạng xã hội ăn mừng.
*Bức ảnh chạm đến trái tim thế giới trong vụ thảm sát ở Pháp
Bức ảnh thi thể em bé nằm cạnh búp bê trong vụ tấn công đường phố ở Nice. (Ảnh: Reuters)
Bức ảnh có sức ám ảnh lớn này của phóng viên Eric Gaillard thuộc hãng tin Reuters dường như đã trở thành biểu tượng cho thảm kịch diễn ra ở Nice đêm 14/7 . Mặc dù không rõ nạn nhân đáng thương trong bức ảnh là ai và liệu con búp bê nhựa kia có phải của cô bé hay cậu bé đó không, nhưng bức ảnh đã làm lay động trái tim của người xem.
5.
LỖ HỔNG?
Có những việc ngỡ là hiển nhiên, là bắt buộc, là mặc định trong một hồ sơ dự án đặc biệt như dự án Formosa đang tiến hành là phải phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải công nghiệp, nhưng ở đây thì không. Không là do không có hay cố tình không làm? Để rồi bây giờ khi dồn dập những vụ việc xả thải bung bét ra, lần tìm lại hồ sơ mới phát hiện? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về lỗ hổng này, ai một cách rõ ràng, ai duyệt, ai thẩm định, ai ký, ai kiểm tra, phải là AI để xử lý tới nơi tới chốn. Chắc chắn không thể là sự AI TẬP THỂ để rồi lại cho qua, lại nguỵ biện, lại chắn đỡ...
*ĐTM của Formosa: Không nhắc tới quy hoạch xử lý chất thải
Chiều 14/7, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, Đánh giá tác động môi trường của Formosa (ĐTM) do Bộ TN&MT chủ trì, Sở TN&MT Hà Tĩnh là một thành phần tham gia. Trong ĐTM của Formosa không có quy hoạch vùng để chôn lấp, xử lý các loại chất thải. Chính vì thế mới hợp đồng với các đơn vị bên ngoài.
Ông Võ Tá Đinh cho rằng, ĐTM do Bộ TN&MT phê duyệt nhưng Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng phải xem lại cụ thể trong ĐTM đã đưa quy hoạch xử lý chất thải hay không. “Nếu không có tại sao không đặt vấn đề này, hay là Formosa có đơn vị xử lý riêng… Chắc các cơ quan phê duyệt họ có lý lẽ về vấn đề này. Mình ở đây đoán mò rất khó. Việc này tôi sẽ trao đổi với Bộ TN&MT”, ông Võ Tá Đinh nói.
6.
BÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ÔNG TRỊNH XUÂN THANH
Dư luận đồng tình với quyết định này. Dư luận còn đòi hỏi cao hơn, phải khai trừ ra khỏi đảng nhưng loại đảng viên này và phải truy tới cùng trách nhiệm của anh ta với những sai phạm đã được kết luận. Còn phải phê bình nghiêm khắc lãnh đạo Hậu Giang khi nhận định ông Trịnh Xuân Thanh có tư cách tốt. Vụ ông Trịnh Xuân Thanh là một bài học nhãn tiền, cụ thể nhất về một quy tình bao che, nâng đỡ,cuốn nhau trong một nhóm lợi ích để đùn đẩy nhau lên dù sai phạm.
*Chính thức “bác” tư cách đại biểu Quốc hội với ông Trịnh Xuân ThanhHội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết bằng phiếu kín về việc xác định tư cách đại biểu Quốc hội với 496 người trúng cử vừa qua, kết quả không công nhận tư cách một đại biểu. Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, đó là ông Trịnh Xuân Thanh.
7.
NGƯỠNG MỘ.
Với điểm số 31 - Vũ Xuân Trung - học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thái Bình đã giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO), tạo "cú đúp" liên tiếp trong 2 năm.
*Con trai người sửa khóa 2 lần giành Huy chương Vàng Toán quốc tế
“Khả năng học Toán của Trung đã có từ nhỏ. Lớp 4, Trung được chọn vào đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi môn Toán cấp cụm và giành giải cao. Lớp 5, Trung giành giải Nhất cuộc thi Toán học tuổi thơ toàn quốc ở Huế và được tuyển thẳng vào lớp 6 trường điểm của huyện".
Đội tuyển Việt Nam năm 2016. Ảnh: Dân Trí |
ĐỌC TỪ FACEBOOK.
*Phạm Xuân Cần:
SẮP BỐN…RỒI
Tính ra đã có ba lần Formosa diễn màn gập người, cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam.
LẦN MỘT: Xin lỗi vụ sập dàn dáo chết 13 công nhân, bị thương 29 người khác ngày 25/3/2015.
LẦN HAI: Ngày 26/4/2016, xin lỗi vụ Chu Xuân Phàm lỡ lời nói... thật “chọn thép hay chọn cá”.
LẦN BA: Ngày 29/6/2016, đại nhận lỗi vụ bức tử biển và đền bù 500 triệu Mỹ kim.
Và, lần này, liệu có tái diễn màn xin lỗi một lần nữa?
Cổ nhân nói “quá tam ba bận”...
*Việt Thắng:
PHẢI DỌN ĐỐNG RÁC TRONG ĐẦU TRƯỚC ĐÃ
Chuyện cá chết chưa xong, mấy hôm nay báo chí lại nóng rực vụ chôn rác của Formosa thông qua Công ty môi trường (TX Kỳ Anh).
Người ta lên án ông giám đốc, đòi kỷ luật, đòi khởi tố... Đúng! Phải xử nghiêm!
Nhưng sẽ rất là bất công nếu chỉ xử lí ông giám đốc đã chôn lầm, chôn liều, chôn lèn, chôn lùi rác thải của Formosa.
Năm ngoái Formosa cũng chôn rác ở bãi rác Thiên Cầm mà chẳng ai nói gì. Tại sao không ai nói gì? Vì bấy giờ ít ai dám đụng đến Formosa.
Chỉ đến khi biển chết, cá chết thì bao nhiêu xấu xa, bẩn thỉu của nhà máy này mới được bới lên mà không một lực lượng nào dám ngăn cản nữa.
Ngay những ngày đầu cá chết, hễ ai nhắm đến Formosa, lập tức có một dàn đồng ca "phây chiến".
Vụ chôn lầm rác độc khác hẳn với vụ cá chết. Thay vì lãnh đạo Hà Tĩnh "tàng hình" thì họ tuyên bố hùng hồn, ra văn bản rất nhanh, thậm chí có quan còn ngửi rác để đưa ra tuyên bố.
Nhưng nói gì thì nói, nếu không buông lỏng quản lí, nếu không o bế quá mức cho Formosa, thì chắc chắn hậu quả không lớn đến như thế.
Và, vấn đề không phải là kỷ luật hay khởi tố, mà lãnh đạo các cấp và cả chúng ta nữa, cần được và cần biết dọn rác. Những đống rác trong suy nghĩ, trong tư duy và đặc biệt là trong tư lợi còn nguy hiểm, ô nhiễm gấp vạn lần mấy trăm tấn rác thải vừa qua của Formosa. Và, từ những đống rác không được và không biết tự dọn đó, sẽ đẻ ra nhiều Formosa nguy hại hơn thế nữa cơ!
*Trần Đăng Tuấn:
Không cần là nhà chuyên môn cũng biết dự án kiểu Formosa có chất thải độc hại. Nếu không vì lý do ấy họ không vác dự án này đi làm ở nước khác. Không cần là nhà chuyên môn cũng phải biết có nguy cơ độc hại thì nhất định cần kiểm tra giám sát thật kỹ. Không cần là nhà chuyên môn cũng biết ở Hà Tĩnh không có cái cơ sở thứ hai lớn và nguy cơ môi trường cao như Formosa. Nhưng mà các nhà quản lý chuyên môn ở Hà Tĩnh đưa ta từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Cứ mỗi ngày lại càng lộ ra là họ - những người chịu trách nhiệm chuyên môn - chẳng giám sát gì cả. Không có kết quả quan trắc. Xả cái gì ra biển không biết. Chôn cái gì trên mặt đất - không hay. Nhờ cá chết, nhờ dân lặn xuống biển, nhờ "đen, hôi, hắc", nhờ phóng viên, nhờ bà chăn bò, nhờ dân chặn xe chở thải...mới biết. Thật hồn nhiên.
Người dân cả nước chờ đợi kết quả rà soát trách nhiệm của những cấp những chỗ liên quan và việc xử lý những người vô trách nhiệm. Còn vô trách nhiệm thì không có gì đảm bảo tai hoạ không lặp lại ở chỗ này chỗ kia.