Shop TIN 15/2: Quyền lực của tình yêu
1.
Tôi thích truyền thuyết này về ngày valentine 14/2:
Câu chuyện xảy ra vào năm 269 sau Công nguyên. Ở một xứ sở xa xôi, có một vị hoàng đế độc tài muốn ngăn cấm nam nữ yêu nhau. Nhưng dù ông ta có ngăn cấm bằng mọi cách thì vẫn có một linh mục có họ là Valentine tác hợp cho những người yêu nhau đến được với nhau.
Nhà vua đã ra lệnh giết vị linh mục này để răn đe mọi người. Ngày ra pháp trường, vị linh mục để lại vài dòng ngắn ngủi gửi cho cô gái ông yêu, nói rằng ông cảm ơn cô về tình bạn, tình yêu mà cô đã dành cho ông. Phía dưới ông ký tên “From your Valentine”. Thông điệp này được viết vào ngày 14/2. Cũng từ đây, ngày 14/2 được các đôi yêu nhau gọi ngày này là ngày Vanletine để nói lên chân lý “tình yêu là bất tử”, không gì có thể ngăn cách được tình yêu.
2.
Hiểu rộng hơn về nghĩa cử của tình yêu, ngoài tình yêu đôi lứa, ngày này còn là dịp để trân trọng và tri ân tình thương yêu của mỗi người với cha mẹ, bạn bè, anh em, người thân...
Và trên tất cả, tình yêu có quyền lực riêng, mãnh liệt, bền bỉ, tới độ quyền lực ấy còn vượt qua cả cái chết, cả sự chia lìa, và tất nhiên, quyền lực của tình yêu chỉ có với những ai thực sự là những con người, CON NGƯỜI hiểu theo nghĩa đẹp đẽ và trong trẻo nhất của từ này.
Quyền lực của tình yêu lớn hơn uy quyền.
Không một áp đặt nào đè bẹp được tình yêu giữa con người với con người, dù đó là tình mẫu tử hay tình yêu đôi lứa, tình chồng vợ.
3.
Tôi từng có một kịch bản thơ được dựng thành vở diễn mang tên Quyền lực tình yêu tại sân khấu kịch Idecaf.
Những nghệ sĩ kịch nói tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh đã vào vai nhân vật: Thành Lộc, Hồng Ánh, Hữu Châu, Mỹ Duyên...Vở diễn từng được trao giải thưởng Mai vàng.
"Quyền lực tình yêu" |
Một vị Hoàng đế dù đã dùng quyền lực đưa được một mỹ nữ vào cung, rồi phong nàng lên thứ phi, ra sức chiều chuộng nàng dù cho Hoàng hậu vô cùng tức giận, nhưng thứ phi vẫn không yêu vị vua này mà đem lòng yêu thương một võ tướng của Triều đình dù biết đó là sự lựa chọn cái chết về mình.
Bất lực, cay đắng, Hoàng Thượng đã gào lên trước mụ thầy bói hãy trả lời vì sao một vị vua quyền uy vẫn không chiếm được trái tim thứ phi của mình.
Mụ thầy bói trả lời:
Nếu nàng không yêu Người, quyền lực cũng bằng không
Nếu nàng đã yêu ai, dù chết cũng bằng lòng
Yêu là chết cho nhau không ai lay chuyển được
Còn chỉ yêu để dựa quyền dựa lực
Để mưu toan chiếm đoạt cả non sông
Thì đấy là tình yêu nhuốm đỏ máu hồng
Lời yêu thương kết bằng gai nhọn
Và câu trả lời cuối cùng cho Hoàng Thượng:
Người phải làm đàn ông trước đã
Làm đàn ông khó hơn cả làm Vua
Quyền lực đàn ông không phải đứng trên thiên hạ vung cờ
Mà phải có trái tim yêu cho đàn bà nương tựa
Người phải làm đàn ông trước đã
Dành tình yêu bằng nước mắt con tim
Dành tình yêu bằng nỗi nhớ hết mình
Dành tình yêu bằng khát khao cháy bỏng
Quyền lực của nhà Vua dời non lấp biển
Nhưng làm sao dời được tim nàng đến bến tình yêu...
4.
Khó nhất là làm người, tất nhiên là người tử tế.
Khó nhất nữa là khi một người được giao trọng trách, quyền lực đứng trên nhiều người mà vẫn giữ được phẩm giá của một con người.
Tình yêu thương không thể có từ quyền lực. Quyền lực không thể áp đặt, thu xếp, ra lệnh cho mọi thứ tình yêu nếu quyền lực đó sinh ra chỉ là để chứng tỏ sức mạnh, để nuôi dưỡng tham vọng, để dung túng cái ác.
Con cái phải yêu thương cha mẹ, vợ chồng phải yêu thương nhau, bạn bè phải thương yêu đùm bọc sẻ chia, quan chức phải kính trọng và yêu thương nhân dân.
Mệnh lệnh tình yêu nếu có là từ trái tim không từ lệnh hành chính.
Quan chức sinh ra là để quản lý điều hành xã hội, nhưng quan chức sinh ra từ nhân dân, phải ở trong lòng dân, không được phép có giới hạn gần dân hay trên dân.
Nhân dân có quyền đuổi quan, có quyền thay quan, "không thể thay dân"- ý thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Vì thế quan chức cần nhớ câu này: “Thương dân dân lập đền thờ/ hại dân dân đái ngập mồ thối xương”.
Vì thế:
Những năm qua nước mắt nhân dân rơi nhiều nơi
Rơi trên ruộng lúa nương khoai
Rơi chốn công đường
Rơi trên nền nhà, mồ mả
Nhân dân không oán thán
Nhưng buồn
Nỗi buồn nhân dân có thể làm trời cũng phải khóc
Ai không biết nhân dân buồn
Ai không biết nhân dân khóc
Ai không biết nhân dân nổi giận
Làm người không đáng, đáng gì làm quan (Nhân Dân- NQV)
5.
Bạn đọc xúc động trong ngày Valentine bắt gặp hình ảnh cô con dâu cõng mẹ chồng đi Lễ Chùa Hương. 9h sáng, đường từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích gần như không còn chỗ trống. Đoàn người đang chen chân bước lên bỗng dạt sang hai bên để nhường đường cho một phụ nữ tuổi ngoài ba mươi cõng trên lưng một cụ bà tóc bạc trắng, vận quần áo nâu bạc màu. Tay bà cụ cầm đôi dép tổ ong cáu bẩn, đâầu lắc lư theo bước chân nặng nhọc của người phụ nữ trẻ, miệng mỉm cười mãn nguyện.
Cõng mẹ lên chùa |
Bước qua mấy chục thềm đá, người phụ nữ nhẹ nhàng đặt bà cụ xuống nghỉ chân, mọi người hỏi thăm mới biết, thì ra đó là con dâu của cụ tên là Trần Thị Duyên, còn bà cụ tên là Thoa, năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Bà Thoa chia sẻ: “Tôi đã đi lễ nhiều chùa nhưng chưa bao giờ được đến chùa Hương. Mấy năm gần đây, tôi bị khớp đi lại khó khăn, sức khỏe yếu hơn. Biết tôi không đi chùa Hương năm nay, chắc sau ít còn cơ hội nên Duyên động viên tôi đi”.
Chị Duyên kể sáng nay hai mẹ con chị dậy từ 4h sáng, bắt xe khách gần 100km từ Ân Thi, Hưng Yên để đến được chùa Hương.
Xúc động con dâu cõng mẹ chồng đi lễ chùa Hương6.
Nhưng nói thật lòng tôi lại không xúc động khi đọc tin Nghệ An nấu cái bánh chưng to nặng những 700 kg để dâng lên mộ bà Hoàng Thị Loan.
Tình cảm với Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn.
Tết đến, quê hương Nghệ An thay mặt nhân dân cả nước dâng hương, dâng lễ, dâng bánh lên mộ Bà là một nghĩa cử hết sức trân trọng.
Nhưng có cần thiết phải làm cái bánh chưng nặng 700 kg? Để làm gì? Để dành một kỷ lục?- Chắc không cần thứ kỷ lục vào ngày lễ thiêng này. Để có thể chia lộc cho nhiều người được hưởng sau khi làm lễ cúng bái? Cũng không cần vì nếu muốn thế thì nên làm 1000 chiếc bánh chưng theo kích cỡ, phong tục Việt rồi tặng lộc quà cho mọi người mang về chẳng trân trọng hơn sao?
Bánh chưng 700 kg |
Bác Hồ khi còn sống luôn khiêm tốn, giản dị và tiết kiệm. Chắc chắn đời Bác không màng đến những kỷ lục này.
Không phải cứ làm bánh to thì lòng kính trọng to thêm.
Điều mà Nghệ An nên làm là trước hương khói Bà Hoàng Thị Loan, hứa với vong linh bà, vong linh Bác, từ năm sau Nghệ An sẽ cố gắng cho nhân dân đủ ăn, không phải xin gạo cứu trợ của Nhà nước, một lời hứa mộc mạc thế thôi cũng đã là một nghĩa cử đẹp với người đã khuất.
Hàng chục trai tráng mướt mồ hôi khiêng bánh chưng lên núi dâng thân mẫu Bác Hồ7.
Tôi thực sự hoảng hốt khi đọc thông tin năm nay, Bộ Giáo dục bắt đầu triển khai xây dựng hai bộ sách giáo khoa cho hai miền nam bắc. Tôi hoảng hốt vì không thể tưởng tượng nỗi vì sao và căn cứ vào cái gì mà Bộ giáo dục lại dám, lại liều mạng, lại nổi khùng đi thực hiện một dự án như vậy, một dự án mà chỉ nghe qua, chắc chắn không ai đồng tình. Nó không chỉ là học thuật, là khoa học giáo dục, nó là chính trị, là quan điểm, là góc nhìn, là nội hàm của nhiều hệ luỵ nguy hiểm khác cho đất nước, cho nhiều thế hệ.
Đây là ý kiến của Nhóm văn khoa gửi trên báo điện tử VOV: Năm 2016, sách giáo khoa sẽ chia Nam tách Bắc, phải chăng VN đang quay ngược bánh xe lịch sử giáo dục? Hệ lụy của việc này về sau sẽ rất lớn, nguy cơ gây chia rẽ về tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, nền tảng nhận thức... Rồi sẽ dẫn đến chia rẽ về kinh tế, chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Một đất nước có quốc ngữ và thống nhất, đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, vậy mà "phân chia giáo dục", "cưa đôi sách giáo khoa", kéo theo hàng loạt hệ lụy, làm tốn kém biết bao tiền bạc và vô cùng bất cập trong quá trình chuyển đổi nơi sinh sống, học tập, làm việc của người dân. Trước đây, Hàn Quốc còn kế thừa gần như "toàn tập" sách khoa học công nghệ của Nhật để đẩy nhanh tiến trình giáo dục và phát triển đất nước.
Trước đây, Việt Nam phải phân chia là do quá trình chuyển đổi sau khi thống nhất đất nước: miền Bắc hệ 10 năm, miền Nam hệ 12 năm... Kể từ năm học 1992 - 1993 đã thống nhất toàn quốc. Ngày nay, trong một thế giới toàn cầu hóa, "chúng ta" lại toan chia đôi đất nước bằng sách giáo khoa, thật khác nào tự làm khó, làm khổ mình, tự chặt chân chặt tay mình làm đôi, khiến mình phải trở thành "đô vật giáo dục" và cạnh tranh, đấu đá với nhau ở trong nước. Một ngày kia, ai dám bảo không có cảnh: người ở miền Bắc bảo tôi học thế này, người miền Nam nói tôi học thế khác, rồi so sánh Bắc hơn, Nam kém hay Nam hơn, Bắc kém... Và cuối cùng to tiếng "cái đồ Bắc kỳ", "cái đồ Nam kỳ"... Chúng mày, chúng tao, v. v... Hệ lụy của việc này về sau sẽ rất lớn, nguy cơ gây chia rẽ về tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, nền tảng nhận thức, tri thức phổ thông... Rồi sẽ dẫn đến chia rẽ tương ứng về kinh tế, chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ai ơi, đổi mới xin đừng
Chia Nam, tách Bắc coi chừng lạc nhau
Nước non hội nhập hoàn cầu
Sách mà đổi chữ thay màu là nguy!
Năm 2016 sẽ hoàn tất biên soạn 2 bộ sách giáo khoa8.
Đúng như nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhận định: "Trông thế thôi nhưng nguy hiểm lắm":
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho biết: "Không có cách hiểu ngây thơ là các DN Thái mua lại hệ thống siêu thị Việt để mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ bán lẻ. Cái họ tính đó là chiến lược xâm lấn hàng Thái sang Việt Nam. Từ các siêu thị lớn đã bị mua, các hàng hoa quả, bánh kẹo... của Thái nghiễm nhiên sang Việt Nam trong khi đó, các loại trái cây, bánh kẹo Việt bị đánh bật ra ngoài cửa hàng tạp hóa, vỉa hè, lòng lề đường. Đối với người tiêu dùng thì đây là lợi ích, nhưng đối với sản xuất trong nước, đây thực sự là thất bại bởi sân của mình không giữ được thì sao chúng ta có thể đi đá sân nước ngoài được”.
Bán lẻ Việt về tay ngoại: “Trông thế thôi mà nguy hiểm lắm”!
Valentine trên facebook:
*Nhà thơ Bùi Hoàng Tám:
Ngày VALENTINE anh một mình đi dạo
Chẳng có ai đề anh tặng hoa hồng
Người xa lạ cuối chân trời xa lạ
Có bao giờ em biết có ta không?
*Hiền Vũ:
Valentine là gì?
Là hì hụi kho một nồi cá từ sáng, om sườn với dưa chua, rau sống tươi rói chấm với cà chua sốt... Chồng ăn 3 bát đầy rồi kêu no quá
Mình đơn giản thế thôi cho dễ sống
Từ ngày có facebook thấy ngày tình yêu xôn xao quá. Mình dẹp vào một góc chả hoa hồng, chả socola gì cả. Chỉ tiến nhanh đến cái dạ dày vì đó là con đường ngắn nhất....
*Nhà báo Phạm Kim Dung ( Kỳ Duyên)
Định mệnh nào đã cho em gặp anh
Giữa cuộc đời đầy giông tố
Mây vần vũ cạm bẫy rập rình đầu ngõ
Nơi chốn nào cũng đôi mắt gian manh
.
Định mệnh nào đã cho em gặp anh
Tự phương trời xa xôi mây gió trong lành
Trái táo xanh trái táo đầu cành
Biển lấp lánh nhìn đắm đuối “Nơi em gặp anh”… (*)
.
Định mệnh nào đã cho em bình yên
Giữa khổ đau nước mắt triền miên
Cô đơn hoảng sợ cô đơn dẫn lối
Một mình em đi một mình bối rối
.
Chỉ em biết mình là người vô tội
Trước khao khát tự do khao khát làm người
Sống làm đàn bà tốt sao khó thế anh ơi
Nhưng em đã chọn dù thế gian dâu bể
.
Anh đã đến bằng “hộp thư lưu ký”
Lặng lẽ sẻ chia lặng lẽ vỗ về
Em đứng dậy và can đảm bước đi
Đôi chân đau và thương tổn tái tê …
.
Đường đời gian truân đường đời khó nhọc
Anh đã đến cho em không còn khóc
Nương tựa ngực trầm nương tựa tình anh
Ngọn gió ban mai ngọn gió mát lành
.
Hồn trong trẻo và đời xinh trở lại
Hoa cúc vàng đương thì con gái
Cứ lao xao rạng rỡ giữa trời thu
Cứ dịu dàng như ngọc ngà quyến rũ
.
Cứ yêu như chưa từng biết bao giờ
Giữa lảng vảng bão giông lãng đãng mây mù
Chỉ còn em và anh ở lại với mùa thu… (**)
Câu hát cũ cho con tim da diết
.
Nỗi buồn xưa nơi ngọn nguồn thao thiết
Con thuyền đau theo sóng bồng bềnh
Em mới hiểu thế nào là định mệnh
Là trầm luân là trái ngang phúc phận
.
Để có nhau trong cuộc đời này
Để mắt cười và tay trong tay
Hoa cúc vàng cuối mùa vẫn nở
Ngọc ngà có nhau ngọc ngà tri kỷ…
9/8/1989
*Nguyễn Xuân Thu:
KHÔNG YÊU
Anh không yêu
Mùa Hạ.
Anh không yêu
Mùa Thu.
Anh không yêu
Mùa Đông.
Anh cũng chẳng yêu
Mùa Xuân.
Vì bốn mùa đều vắng bóng em.
*Nhà báo Võ Hồng Thu:
E đâu dám nghĩ điều gì là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi...
Nhờ có tình yêu mà thời gian lặng lẽ trôi qua, và nhờ có thời gian mà tình yêu lặng lẽ ra đi. Dẫu đau đáu, ấm ức, ung dung bất cần hay lạc quan tự chủ thì mỗi sớm mai thức dậy, người ta vẫn tiếp tục bước trên con đường tình mình đã chọn. Vài lời chép nhặt lộn xộn vào lúc chính Lễ Valentine đã đến. Và với trải nghiệm, quan sát...mềnh luôn thấy trước tình yêu đàn bà luôn là người can đảm hơn đàn ông. Còn bạn?
*Nhà thơ Văn Công Hùng:
VALENTINE
Ta đã già em không còn trẻ
Valentine nghe cứ xa vời
Hoa hồng héo trái tim ngồi thức
Sô cô la mặn giấc vào khuya
Cô bán hoa cười xanh như gió
Dẫu trái tim vẫn rất mù mờ
Hoa bán cho người, mình phơi nắng
Tuổi chồng lên sương muối tháng hai
Valentine mình đi nhuộm tóc
Thấy màu đen hiện ánh nghi ngờ
Những chiếc kính áp tròng lấp lánh
Em ngu ngơ nắng bỗng hoe hoe
Valentine người va... linh tinh
Một chú muỗi lao vào cửa kính
Một ánh mắt bắt mình tê dại
Tay xoa đầu ơ gió sau lưng...
*Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
ANH ĐÃ YÊU NHƯ VẬY
(Tặng các chiến sĩ trên đảo xa)
Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?
Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?
Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?
Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…
*Nhà thơ Đỗ Xuân Thu:
Hôm nay ngày lễ Tình nhân
Va lung tung Tết với Xuân cùng Tình
Phải em khe khẽ rùng mình?
Là anh - ngọn gió vô hình đang yêu...
*Nhà thơ Lương Ngọc An:
ĐỀ TỪ CHO MỘT TẤM ẢNH (4)
Nói gì cho cỏ thành hoa
Yêu nhau chừng ấy
gọi là yêu chưa?...
Thì xin cất một lời thưa
Rằng
Yêu như thể muôn xưa yêu rồi...
*Khương Minh Ngọc:
Đã ai nói với em rằng là đàn bà hãy sống và thể hiện mình càng đơn giản, ít rối rắm, tẻ nhạt chút cũng không sao, thì đời càng nhẹ nhàng, bình yên và thanh thản
Đó, em tẻ nhạt hết nấc rồi đó
Thuyền em đấy anh cứ cuốn đi, cứ cuốn đi.
*Trưởng thôn Khoai Lang:
Con gái con trai làng cát lớn lên đến lúc yêu, những nụ hôn đầu đời vương những hạt cát trên bờ môi, những hạt cát làm chứng những cuộc tình. Yêu thương nhau cát là chăn đệm, là giường chiếu, là cả không gian êm như nhung lụa. Giận hờn nhau cát là chỗ để chôn chân, để giẫy đạp, để gục mặt vào đấy mà khóc, mà kể lễ, nước mắt xuống cát thấm thật nhanh, ráo hoảnh. Cát che chắn sự hờn giận, vo lại những câu giận dỗi để rồi mở ra một sự bao dung bát ngát giữa người với người. Phải chăng vì thế người quê cát của tôi nói năng thô mộc to tát thẳng băng, giận nói giận, thương nói thương, thương thì trường tồn thủy chung như cát, giận thì bị gió thổi qua đi, cho qua mọi sự vướng bận, lại yêu thương quấn quýt nhau như cát với cát.