Shop TIN 14/3: Tổ Quốc là con đường bố con mình đang đi
1.
Tôi mượn tên tập thơ vừa ra mắt và những dòng viết cảm xúc của tác giả tập thơ, nhà giáo Nguyễn Duy Xuân để đặt tên cho Shop TIN hôm nay.
Tôi có một kịch bản sân khấu LỜI THỀ về cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, Gạc Ma, Trường Sa... Đây là vở diễn thể nghiệm cho một cách dàn dựng có thể kết hợp kịch nói, kịch hát và múa...Hy vọng vở diễn sẽ sớm ra mắt. Và đây là đoạn kết:
Hình như có tiếng trống. Hình như có tiếng thanh la. Rồi bỗng dưng cờ xí rợp trời. Ở các góc đảo xuất hiện bóng dáng của nhiều thế hệ: Thủy binh nhà Nguyễn, lính hải quân của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Người ta nhìn thấy ông Võ Hùng, Trung úy Cự, Đại úy Hùng và tầng tầng lớp lớp những người đã từng giữ đảo. Lại xuất hiện bà Xiêm, bà Hạnh, chị Minh và những người đàn bà ở đất liền. Rồi từ mép đảo các sĩ quan và các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam cùng bước tới. Rồi đâu đó giữa lưng chừng trời đại quan triều đình nhà Nguyễn dõng dạc đọc sắc lệnh của Hoàng Đế
ĐẠI QUAN NHÀ NGUYỄN: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…”
VÕ HÙNG ( Thủy binh nhà Nguyễn): Hỡi anh em! Có thể lần này chúng ta phải chết nhưng những bài gỗ cột mốc chủ quyền chúng ta đã cắm trên đảo thì sẽ còn lại mãi với hậu thế. Bài gỗ này là thân xác chúng ta, là hiện thân của linh hồn là ý chí của chúng ta, bài gỗ còn, Tổ quốc còn, đảo còn.
ÔNG VÕ BIỀN: Ngày xưa cũng tại nơi này, trên bến cảng này ta cũng đã cùng các thủy binh lên thuyền ra giữ đảo. Cứ mỗi chuyến đi là để lại cho đất liền những vòng khăn tang trắng trên đầu các mẹ, các bà vợ vì bão tố, vì sóng gió, vì phải vật lộn chiến đấu với bọn cướp biển, chiến đấu với kẻ thù xâm lược đảo. Nhiều đời rồi, không biết bao nhiêu mạng thủy binh của ta đã ngã xuống. Xương cốt của họ ở lại đảo vun thành những mốc giới chủ quyền của người Việt. Ta đã sống qua nhiều chế độ nhưng chế độ nào thì cương giới tổ quốc vẫn phải giữ. Chế độ nào thì Hoàng Sa, Trường Sa cũng là đất đai nước Việt.
TRUNG ÚY CỰ: Tôi hiểu tâm trạng của anh em. Nhưng giữ đảo là giữ cho tổ tiên ông bà mình, cho nước Việt mình, ngàn đời nay đều là thế, anh em hiểu chứ. Chính thể quốc gia hay chính thể Việt cộng đều phải giữ đảo vì đấy là đất đai của tổ tiên nước Việt. Tổng thống có thể phản bội chúng ta nhưng chúng ta không thể phản bội lời thề giữ đảo của ông cha mình. Anh em đã quên lời hô vang của anh em khi rời tàu ra đảo sao? Anh em đã quên mệnh lệnh của các bậc Tiên đế chúng ta gửi tới anh em thủy thủ ra giữ đảo sao? Quên thì tôi nhắc lại cho anh em nhớ: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…”. Trọng tội này là trọng tội với tổ tiên, với nước Việt.
ĐẠI ÚY HÙNG: Đêm đêm mình nghe tiếng con mình khóc trong giấc ngủ, mình nghe tiếng vợ mình ru con trong giấc ngủ. Mình nghe cả tiếng lá cờ chủ quyền kia bay phần phật trước gió trong giấc ngủ. Các cậu nhìn đi. Lá cờ chủ quyền bay trong gió đẹp quá phải không?
BÀ MẸ 1: Con ở xa mẹ quá, mẹ chỉ biết đến ngày này, tháng này theo tục lệ thì ra biển cùng với con thuyền kia để cầu mong bình an nơi đảo xa đầy sóng gió.
BÀ MẸ 2: Tụi bay ở ngoài đó xa cha, xa mẹ, xa vợ, xa con nhớ mà bảo ban nhau. Chúng bay vừa giữ được đảo mà vẫn bình an là mạ mừng lắm.
BÀ MẸ 3: Không biết là bao nhiêu đời qua để giữ được đảo Trường Sa, Hoàng Sa đất liền đã phải mất bao nhiêu người con ưu tú. Khăn tang trên đầu các má năm nào cũng trắng, trắng quá, trắng như cát. Biết đến ngày nào, năm nào đảo bình yên. Thương các con quá. Nhưng đảo là của đất nước mình thì phải giữ thôi. Không giữ là có tội với tổ tiên, với dân tộc.
BÀ MẸ 4: Đúng vậy các con. Truyền đời không ai quên sắc chỉ của các bậc Tiên đế: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…”
SĨ QUAN CHỈ HUY: (Tách khỏi hàng quân, chạy lên ôm lấy Tiến và các chiến sĩ rồi bước đến dưới chân cột cờ chủ quyền. Nghiêm trang hô to) Nghiêm. Chào cờ... chào.
2.
Chùm ảnh tư liệu quý gía về quần đảo Trường Sa tháng 5/1988:
28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2016), nước mắt của những người mẹ, người cha, của những người đồng đội và của thế hệ trẻ vẫn rơi khi nhớ về những người anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến đó.
Gần hai tháng sau trận hải chiến ấy, đoàn công tác dưới sự dẫn đầu của Đại tướng Lê Đức Anh (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Đô đốc Giáp Văn Cương đã đến thăm, động viên và đánh giá tình hình tại quần đảo Trường Sa.
Trong chuyến đi ấy có nhà báo Nguyễn Viết Thái, khi đó là phóng viên phụ trách mảng nội chính, quân đội của báo Phú Khánh. Ông đã ghi lại những hình ảnh vô giá về cuộc sống của những chiến sĩ ở Trường Sa những ngày tháng ấy.
Bản quyền hình ảnh thuộc về nhà báo Nguyễn Viết Thái.
Sau trận hải chiến Gạc Ma, chúng ta đã có nhiều buổi lễ truy điệu 64 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận chiến này. Trong ảnh là lễ truy điệu ở Cam Ranh, Khánh Hòa. |
Sau hải chiến Gạc Ma, tình hình tại quần đảo Trường Sa vô cùng căng thẳng. Để tổ chức chiến đấu, phòng thủ, nhiều km công sự đã được đào. Trong ảnh là bộ đội đào công sự trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh chụp tháng 5/1988.
Đảo chìm ở Trường Sa tháng 5/1988
Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu trên đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988 nhân kỉ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Chào cờ trên đảo Thuyền Chài. Đứng đầu tiên là Đô đốc Giáp Văn Cương, thời điểm này, ông chỉ còn 1/3 dạ dày sau lần phẫu thuật năm 1980, không còn giữ được sức khỏe như trước. Gần 2 năm sau chuyến đi này, ông mất do bệnh hiểm nghèo.
Công việc hằng ngày của lính đảo là tập phòng thủ và lau chùi súng đạn dưới cái nắng gay gắt. Vì thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, nên việc lau chùi, bảo quản súng phải làm hàng ngày, nếu không sẽ không thể sử dụng được.
Kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài. Khi nhận lệnh báo động, bộ đội sẽ di chuyển nhanh từ nhà cao chân sang phía nhà lâu bền qua các cầu được ghép bằng 3 thanh sắt. Theo nhà báo Nguyễn Viết Thái nhớ lại, các chiến sĩ di chuyển rất nhanh và thành thạo, nhưng nếu đi không quen, rất dễ bị rơi xuống biển.
Thời điểm đó, các công trình trên đảo phần lớn được xây bằng đá chẻ vận chuyển từ đất liền ra. Việc xây dựng các công trình trên đảo phần lớn là do sức người, hỗ trợ của máy móc rất ít. Nhà báo Nguyễn Viết Thái đứng bên trái trong hình.
3.
Hôm nay, ngày 14/3 Tổ Quốc Việt Nam có một dấu ấn muôn đời phải nhớ: Quân Trung Quốc xâm lược đã dùng vũ khí hạng nặng, tàu chiến hiện đại, bao vây, xả đạn, thảm sát 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để cướp đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa chủ quyền Việt Nam vào ngày 14/3/1988.
Tôi hòa nước muối đổ đầy chiếc thau nhôm
Thả vào đấy những hình nhân bằng gốm
Thổi căm giận cho ngút lên thành sóng
Rồi khóc tràn ký ức biển Đông.
“Ơi biển VN, ơi sóng VN…”
Sóng rờn rợn dưới thân tàu giặc Hán
Tiếng chuông chùa từ Tung Sơn thăm thẳm
...Vọng âm hồn trên trời biển nước tôi.
Mẹ thả thêm muối vào biển của tôi
Bằng nước mắt năm 74, 78
Anh hắt thêm muối vào biển của tôi
Bằng ánh trừng trừng tháng 2-79.
Người biểu tình đến bên biển của tôi
Xát muối lên những mảng da bầm tím
Bịt chặt khẩu trang hát thì thầm trong quán
Giữa những giọt cà phê mai phục xung quanh.
Người mặc áo phao đến bên biển của tôi
Đạp thẳng mặt những hình nhân bằng gốm
Sóng sủi bọt đỏ ngầu mùi tanh tởm
Sóng ầm ào vả vào mặt tôi.
Chị thả thêm muối vào biển của tôi
Em thả thêm muối vào biển của tôi
Người đi đường thả thêm muối vào biển của tôi
Đám ngư phủ thả thêm muối vào biển của tôi
Rồi bật khóc những trùng khơi xa vắng
Đừng có khóc.
Hãy thả thật nhiều muối vào cho biển tôi mặn đắng
Để chất xác cá tràng kình chắn sóng Hoa Nam.
Vợ tôi đan những chiếc áo tý hon
Mặc vừa vặn cho đoàn binh bằng gốm
Chiếc thau nhôm chợt phong ba bão lớn
Dâng trùng trùng ngàn đợt sóng Biển Đông.
( Facebook Hoạ sĩ Trung Dũng)
4.
Tàu HQ 505 ủi bãi Cô Lin ngày 14/3/1988, ảnh trên báo Nhân Dân ngày 25/3/1988
Bạn chỉ nói về Gạc Ma, vì bạn chỉ muốn nói về Gạc Ma, hay thực ra bạn chỉ biết về Gạc Ma, không biết gì về việc giữ Cô Lin, Len Đao, không biết gì về về CQ-88, không biết gì về việc những người lính của chúng ta, với phương tiện thô sơ, lạc hậu đã đóng giữ 11 đảo chìm ở Trường Sa, trong CQ-88?
Bạn có biết gì về những con người đầy bản lĩnh, mưu trí, có hành động rất kiên quyết, kịp thời để giữ được đảo, như Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 đã chỉ huy cho tàu ủi bãi Cô Lin, người đầu tiên được phong anh hùng trong các anh hùng ngày 14/3/1988?
Sự kiện ngày 14/3/1988 xảy ra ở các bãi đá Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, ta đã giữ được Len Đao và Cô Lin. Ngày 14/3/1988 là ngày đau thương, mất mát, nhưng không thể chỉ xoáy mãi vào nỗi đau đó, khiến mọi người hiểu chưa đúng, sai lạc về CQ-88. Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin hôm đó, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 88).
(Facebook Thiềm Thứ
5.
Cách đây 28 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, trên biển Đông, 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.
Khi nhắc tới vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam đều khao khát được góp sức mình bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên quyết phản đối mưu đồ độc chiếm biển Đông, thêm tin yêu những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhân dịp này, báo Tiền Phong tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với một số khách mời là các chuyên gia về lịch sử, quân sự; cựu chiến binh, nhà báo từng tham gia bảo vệ Trường Sa với tên gọi “Năm tháng Gạc Ma”.
Cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào 14h chiều thứ Năm 10 tháng 3 năm 2016 tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.
Tường thuật cuộc giao lưu ở đây:
NĂM THÁNG GẠC MA: Cả dân tộc Việt Nam luôn đề cao cảnh giác
6.
Khi thiếu úy Phương ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988, Thủy đang trong bụng mẹ. Bà Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ Phương đã đặt tên cho con gái là Thủy - nghĩa là nước- với ước mong rằng, cái "mạch nguồn" ngọt ngào ấy sẽ chảy mãi, kết nối hai anh chị ở bên nhau.
Trong ký ức tuổi thơ, qua những câu chuyện mẹ kể, Thủy chỉ biết bố đi chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa. Ngày Thủy lên bốn tuổi, hài cốt của liệt sĩ Phương được đưa về quê nhà, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. "Lúc đó mẹ bảo bố đã về, em đưa mắt nhìn ngơ ngác nhìn. Đến lúc cầm nén hương thắp cho bố và thấy mẹ khóc, em mới ý thức được ông đã hi sinh", Thủy bồi hồi nhớ lại.
Những ngày sau đó, ngôi mộ của liệt sĩ Phương nằm cách nhà chưa đầy 100m là nơi Thủy thường lui tới chơi đùa. Cô bé còn cẩn thận ngắt từng bông hoa trồng được trong vườn nhà ra đặt lên mộ phần, tâm sự khi vừa bị mẹ đánh đòn hay khoe với bố được cô giáo cho điểm 10…
Tốt nghiệp trường hệ cao đẳng ngành Việt Nam học tại trường Đại học Quảng Bình năm 2009, Thủy làm mọi người bất ngờ khi làm đơn xin đi làm việc tại Trường Sa. Bà Hoa sau một hồi suy đi tính lại, nói với con gái: "Mẹ chỉ có mình con, thân gái dặm trường đã ra Trường Sa thì phải gắng làm tốt nhiệm vụ, môi trường quân ngũ khắc nghiệt lắm".
Thủy tâm sự rằng những chuyến ra đảo Trường Sa là những lần để lại trong cô nhiều cảm xúc nhưng nhớ nhất vẫn là lần thứ hai cô đạp sóng ra biển. "Em đang say sóng thì các chú Hải quân gọi dậy, bảo là đang đi qua vùng đảo Gạc Ma. Phóng tầm mắt ra xa, em như nhìn thấy cha đang đứng dưới lá cờ Tổ quốc", Thủy bồi hồi kể.
Câu chuyện cảm động của con gái liệt sĩ Trần Văn Phương đã hy sinh trong tư thế ôm chặt cờ Tổ Quốc ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 được kể ở đây:
CON GÁI NGƯỜI ANH HÙNG
7.
TS. Trần Trung Hiếu (GV Trường THPT Phan Bội Châu – Nghệ An) chia sẻ: “Sự thật những gì đã xảy ra vào sáng 14/3/1988, tôi nghĩ phải dùng động từ “xâm chiếm” và “thảm sát” thì mới phản ánh đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc”.
Là một thầy giáo đã hơn 30 năm dạy và nghiên cứu lịch sử, chia sẻ về trận chiến Gạc Ma, thầy Hiếu cho rằng: 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau mà người ta dường như đã quên dần cuộc chiến đau thương này.
Nhưng theo thầy Hiếu thì những người thân của các liệt sỹ Gạc Ma, những đồng đội còn sống sót sau sự kiện đó và cả những người có trách nhiệm với lịch sử dân tộc đã không quên và không bao giờ quên nỗi đau này.
Vết thương chưa lành, chỗ cắn vẫn còn đau. Và sự kiện Gạc Ma đã phai dần, không mấy người biết đến kể từ khi 2 nước Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1990.
Lá thư tâm huyết và cảm xúc của giảng viên lịch sử Trần Trung Hiếu:
NHẮC VỀ GẠC MA ĐỂ THẾ HỆ SAU KHÔNG ẢO TƯỞNG
8.
Trao đổi với phóng viên Dân trí tại công trường thi công Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma vào chiều 12/3, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, Thành viên Ban quản lý Khu Tưởng niệm, cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các hạng mục chính của Khu tưởng niệm đang triển khai đạt theo tiến độ và dự kiến vào tháng 7 này sẽ xong giai đoạn 1. Hiện nay, phần tượng đục thô cũng đã cơ bản hoàn thành, bệ đài cũng đang đổ bê tông, lối đi cũng như các hạng mục khác cũng đang tiến hành rất khẩn trương và theo tiến độ.
Hôm nay (13/3), tròn một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ông Hòa cho biết: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức kiểm tra tại hiện trường về tất cả các nội dung, các công việc đã triển khai trong một năm qua, kiểm tra các hạng mục chính về công trường đài chiến sĩ, bệ đài, bảo tàng ngầm, lối đi và song song song với đó, Tổng Liên đoàn cũng triển khai giai đoạn 2 về phía biển để mở rộng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma theo ý kiển chỉ đạo của Chủ tịch nước".
Đọc thông tin ở đây: XÂY DỰNG KHU TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ GẠC MA
9.
Ở đâu không biết chứ Thị xã Ba Đồn quê mình ai cũng biết Trận chiến Gạc Ma, vì đây là quê hương của anh hùng Gạc Ma nổi tiếng Trần Văn Phương. Ngày mai sẽ có lễ tri ân anh hùng liệt sĩ Gạc Ma tại phường Quảng Phúc, Thị xã Ba Đồn. Có lễ tri ân này là nhờ các nhà báo Quảng Bình đã bền bỉ lên tiếng thuyết phục lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt nhà báo Phạm Phú Thép, 10 năm qua cứ đến ngày Gạc Ma 14/3 là anh tổ chức cho bạn bè và lãnh đạo địa phương xuống thắp hương cho anh hùng Trần Văn Phương, kể cả những khi bị cấm đoán ngăn chặn. Phạm Phú Thép còn thuyết phục lãnh đạo địa phương hồi phục hai chữ anh hùng trên bia mộ anh hùng Trần Văn Phương đã bị ai đó chỉ thị cho xóa đi.
Ngày mai là một ngày trọng đại với dân Ba Đồn quê mình cũng là ngày trọng đại của nhân dân cả nước, những ai còn biết thế nào là yêu nước.
(Facebook Nhà văn Nguyễn Quang Lập)
10. Cuốn sách này sẽ xuất bản nếu được người khác viết lại:
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định:
“Cá nhân tôi cũng rất mong muốn một cuốn sách có nội dung tốt như thế được ra đời. Nhưng vì có những sự thật lịch sử quan trọng nên cần được sự xác nhận của các cơ quan chức năng.
Theo chúng tôi, rất cần Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với nhau cùng cho ý kiến về việc nên đưa ra những nội dung nào cho phù hợp”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - cho biết:
"Tên sách quá hay nhưng bản thảo yếu quá, chỉ lấy lại từ các báo, và không rõ tác quyền.
NXB nói các biên tập viên "cứu" bản thảo này nhưng không được. Nói phía First News làm lại thì ông Phước rút lại bản thảo để đưa qua NXB khác".
Một giảng viên Đại Học Quốc Gia từng được NXB Đại học Quốc gia mời đọc thẩm định cuốn sách cũng cho biết:
"Gạc Ma - Vòng tròn bất tử có những câu chuyện xúc động về các liệt sĩ Gạc Ma, tuy nhiên các tư liệu trong sách chưa được dẫn đầy đủ nguồn gốc để đảm bảo độ chính xác, khách quan.
Cách tổ chức bản thảo cũng chưa khoa học nên không phù hợp với tiêu chí của NXB Đại học Quốc gia, vốn chuyên về dòng sách khoa học, giáo trình phục vụ sinh viên".
Ông VŨ NGỌC HOÀNG - phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương:Theo quan điểm của tôi, việc viết và xuất bản sách về lịch sử Việt Nam, cũng như việc dạy và học lịch sử trong nhà trường là hết sức cần thiết và quan trọng, đó là một phần quan trọng trong giữ gìn và xây dựng văn hóa và lòng yêu nước trong mỗi người.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Việc cung cấp thông tin, sự thật đầy đủ và chính xác cho nhân dân là trách nhiệm của giới truyền thông, của các nhà xuất bản và cả của hệ thống chính trị nữa! Chuyện ở bãi đá Gạc Ma mấy chục năm rồi mà nhân dân chưa biết nhiều về sự thật của nó là đáng trách" - Ảnh: Tự Trung
Tất nhiên trong đó có cả câu chuyện bi tráng ở bãi đá Gạc Ma. Đây là công việc văn hóa, giữ nước, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc.
Sách giáo khoa chưa đề cập hoặc viết quá ít về chiến tranh giữ nước ở biên giới cũng là chưa đúng. Tôi cho rằng: nhân dân chứ không phải ai khác mới chính là những người trực tiếp giữ lấy đất nước của mình và viết tiếp những trang sử mới.
Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.
Tôi chưa rõ lý do cụ thể khiến cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử chưa được cấp giấy phép xuất bản, nhưng tôi cho rằng không phải vì lý do nhạy cảm. Nếu bản thảo có những nội dung chưa thật sự chính xác thì các nhà xuất bản có thể nhờ các cơ quan có trách nhiệm thẩm định độ chính xác của vấn đề, góp ý cho tác giả hoàn thiện để có thể xuất bản sớm nhất nhằm cung cấp thông tin cho nhân dân.
Đọc thêm ở đây:
Gạc Ma: Phải công bố sự thật với nhân dân
Tên sách quá hay nhưng bản thảo yếu
11.
GẠC MA.
(Kính tặng anh Lê Hữu Thảo và các đồng đội của anh.
Xin thắp nén hương tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sỹ, nhân ngày giỗ lần thứ 28)
____
Lịch sử đã khắc tên,
Tổ quốc mãi không quên,
Ngày 14 tháng Ba,
Nơi Trường Sa,
Các anh đã chiến đấu với kẻ thù cướp đảo.
Biển quê hương thêm một lần loang máu,
của những người con nước Việt anh hùng,
Quyết hy sinh vì biển đảo, non sông.
***
Ơi Việt Nam ,
con Lạc cháu Hồng.
Suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử.
Biển Đông đã bao lần
gầm lên sóng dữ,
Bởi kẻ thù luôn rình rập xâm lăng.
. ***
Các thế hệ cha ông,
Đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo,
Biển Việt Nam xanh màu xanh yêu dấu,
Ôm trọn vào lòng mình
Hoàng Sa,
Trường Sa.
***
Hai mươi tám năm trôi qua,
Ở nơi ấy,
Gạc Ma!
Các chiến sỹ
đã kết thành vòng tròn bất tử,
Chính các anh
là chứng nhân lịch sử,
Và mai sau
mãi ghi nhớ ngày này.
___
(Từ Facebook THÀNH ĐẶNG NGA)
(13/3/2016)
12.
XIN GÓP GẠCH SỬA NHÀ DỰNG TRANG THỜ LIỆT SĨ GẠC MA
Di ảnh liệt sĩ Trần Văn Quyết
Trong 64 liệt sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh ở đảo Gạc Ma do Trung Quốc xả súng đánh chiếm có một liệt sĩ ở thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Liệt sĩ Trần Văn Quyết sinh ra trong một gia đình có 7 anh em. Anh cả của anh Quyết là Trần Quang Tuấn, một người lính chống quân Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1979.
Mẹ anh Quyết, cụ bà Hồ Thị Tuyết qua đời năm 2007. Một năm sau, bố anh Quyết, cụ Trần Quyển qua đời. 6 anh em của liệt sĩ Quyết làm phận nông dân quanh làng, cuộc sống khó khăn. Bố mẹ anh Quyết khi sống nghèo lắm, con cái khó khăn cũng không đỡ đần gì được. Ngày cụ Trần Quyển trút hơi thở cuối cùng đã thắp nén nhang trên trang thờ liệt sĩ mà nói với các con là làm răng để căn nhà này có nơi thờ tự ấm cúng cho bọ mạ và em Quyết. 9 năm rồi, lời mong muốn của bậc sinh thành liệt sĩ Gạc Ma chưa thành hiện thực. Căn nhà xây bằng vôi và đá làng của cụ Trần Quyển ngày càng xuống cấp, hiu quạnh. Các đồng đội đến thăm liệt sĩ Quyết cũng ứa nước mắt. Bất cứ khách khứa phương xa nào đến đây đều khắc khoải mong muốn làm điều gì đó cho nơi sinh thành vị liệt sĩ xả thân vì biển đảo quê hương, để sau này, có ai bước chân đến đây, biết đó là mảnh đất từng vun lên nụ cười, ấp ủ tiếng nói của một người lính đĩnh đạc theo chân tiền nhân giữ gìn bờ cõi.
Cách đó mấy trăm bước chân là nhà của cựu binh Gạc Ma, Nguyễn Văn Lục. Anh Lục thoát chết khỏi trận Gạc Ma thì phục vụ thêm thời gian ngắn rồi ra quân về quê hương. Anh Lục với liệt sĩ Quyết là bạn học với nhau, lớn lên giữa sắn khoai quê nhà rồi cùng nhập ngũ một đơn vị và ra Gạc Ma bảo vệ đảo. Gia đình cựu binh Lục cũng khó khăn, anh bươn chải để nuôi 3 đứa con ăn học. Nghề chính của là phụ thợ hồ theo thời vụ, mỗi tháng được hơn 3 triệu. Vợ làm ruộng ở mức đủ ăn, chưa thể giàu có. Anh chị vay mượn cho con học đại học, ra trường chưa có việc làm, hiện còn nợ nần hơn 20 triệu tiền mượn cho con đèn sách. Căn nhà bên sông Gianh năm nào cũng lũ vùi gió dập, mái ngói đã xập xệ. Ngó lên thấy cả ánh nắng xuyên xuống nhiều kẻ vỡ. Để sửa lại mái ngói, anh bấm đốt ngón tay cũng mất 50 triệu đồng. Còn nơi thờ tự liệt sĩ Quyết và bố mẹ anh cũng mất ít nhất 150 triệu đồng.
Anh em của anh Quyết nhà nghèo, 9 năm rồi chưa thực hiện được di nguyện của bố mẹ. Họ xứng đáng để chúng ta cùng chung tay, góp mỗi người một viên gạch để có nơi hương khói ấm. Với anh Lục cũng mong mọi người chung tay.
Mọi hỗ trợ xin gửi về em:
Huỳnh Trâm Ngọc, Sdt: 0901936868;
Tài khoản số: 040019795839
Ngân hàng Sacombank Quảng Bình.
Các đóng góp sẽ được thông báo công khai, minh bạch trên fb của em.
Xin mọi người cùng chung tay để di nguyện của cụ Trần Quyển thành hiện thực, và chúng ta sẽ ấm lòng hơn khi nhà của anh Lục cũng được ghé vai sửa chữa. Thời gian kêu gọi trong vòng 30 ngày để mùa hè này mọi việc xong xuôi, mùa mưa bão gác nhà của cựu binh Gạc Ma được sửa chữa, trang thờ của liệt sĩ Quyết và bố mẹ anh cũng ấm khói hương thành tâm của mọi người.
(Từ facebook Huỳnh Trâm Ngọc)
13.
NƯỚC MẮT KHÓC GẠC MA.
Sáu mươi tư chiếc bát
Sáu mươi tư đôi đũa
Mẹ xếp thắp hương các anh
Giữa khoảng trống
Gió lộng tứ bề
Xô lệch cả vòng tay của mẹ.
Mẹ chắp tay
Không còn nước mắt
Bởi từ khi các anh ngã xuống
Có ngày nào mẹ quên?
Mẹ mỏi mòn
Nước mắt lặn vào trong
Khi lịch sử quên
Các anh vì Gạc Ma nằm xuống.
Ơi biển đảo thân thương
Máu các anh đã nhuộm
Xin lịch sử tri ân
Ghi khắc đừng quên.
Nén hương lòng tôi thắp
Hòa cùng nước mắt trong
Thương xót các anh đắng lòng
Để nhìn lại mình
Nguyện làm người tử tế.
Xin chắp tay cùng mẹ
Ôm các anh vào tim
Lắng nghe biển rì rào
Hát ngợi ca các anh bất tử.
(Từ facebook Nguyễn Thị Thanh Thuỷ)