Shop TIN 14/2: Mang tâm thế lễ độ vào mùa lễ hội
Bây giờ bắt đầu mùa Lễ hội cả nước.
Không khí đó rất Việt Nam, đáng khích lệ và duy trì, nó không chỉ mang được bản sắc văn hoá các vùng miền, hơn thế, đây cũng là dịp kết nối cộng đồng, phô diễn sắc màu văn hoá các địa phương, dịp để tri ân tổ tiên, tri ân tiền nhân, khắc dấu sắc nét về quê hương bản quán trong mỗi con dân nước Việt.
Nhưng vì sao nhiều lễ hội đang bị biến tướng; nhiều trò chơi vui xuân đang bị lợi dụng, bóp méo; cầu cúng, lễ vật bắt đầu tha hoá về hình thức, bặm trợn, thực dụng, xô bồ và càn rỡ....khiến bộ mặt của lễ hội bị nhem nhuốc, biến chất, báo động và méo mó.
Tôi cho rằng, giảm đi càng nhiều càng tốt sự can dự tổ chức của chính quyền địa phương, cái gì thuộc dân gian hãy trả về cho dân gian, cho dân, bởi nó đã tồn tại cả ngàn năm, trăm năm nay rồi, do dân, tự dân bày đặt ra, tự dân tổ chức, vui với nhau, hiền hậu, mộc mạc, sâu lắng và thuần chất.
Khi nhà nước hoá lễ hội dân gian, mặc nhiên mọi thứ không còn diễn ra chân chất như ngàn năm vốn có, lại phải theo kịch bản, lại phải diễn trò, lại phải giăng đèn kết khẩu hiệu, xa lạ, cứng nhắc, ồn ã không cần thiết. Làm sao có thể ép những đôi nam nữ vào Lễ hội của chính quyền để tạo ra "đêm chợ tình"? Ép tình như thế cũng không khác mấy ép các lễ hội dân gian vào....kịch bản.
Ngoại trừ những Lễ hội lớn, mang tính chất quốc gia, còn lại, cứ để hồn nhiên cho bà con như thế, mộc mạc như thế, chân chất như thế, hoang dại như thế nhưng nó thật, nó xịn, nó ngọt ngào, nó hấp dẫn không vì "hoành tráng", không vì sân khấu rực rỡ, không vì múa hát ngời ngời, tự dân, hát và múa, chơi và đua, tự như thế ngàn năm nay, đừng can thiệp.
Cần rạch ròi hai điều: Lễ hội dàn dựng lại trên sân khấu và lễ hội ở góc làng, cạnh cây đa giếng nước, mái đình. Diễn lại trò dân gian trên sân khấu là chuyên nghiệp, là biểu diễn. Lễ hội ở làng là nguyên bản. Lẫn lộn là nửa voi nửa chuột, là giết truyền thống.
Vì nhu cầu thu hút khách du lịch, nhu cầu kiếm tiền, thậm chí nhu cầu công đức, người ta đã bất cần nguyên cốt truyền thống, người ta bày đặt đủ cách, đủ kểu để dẫn dụ khách thập phương, bất cần cái trò ấy, lễ ấy, hội ấy bị tha hoá, thậm chí bị xuyên tạc...miễn là hút khách.
Còn người đi lễ hội thì không còn thướt tha, dung dị như ngày nào, đi để vãn cảnh chùa, để nghe một câu đối, hát một câu ca, gửi một nén hương nơi của Phật cho ấm lòng, cho tĩnh tâm, giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thanh tao hơn.
Giờ như là cách đến để mua quan bán chức, mua lộc, vay lộc, cướp lộc, ồn ào, xô bồ, chụp giật, huyên náo, nhố nhăng...
Sao lại có thể biến một trò chơi dân gian cộng đồng rất hay như trò chơi choảng nhau ở Xứ Thanh, vốn chỉ là ném hoa quả vào nhau cho vui, thành ném đá, đánh gậy gộc, hỗn chiến đến sứt đầu mẻ trán. Đánh nhau theo truyền thống lễ hội này là đánh nhau cho vui, còn bây giờ bị lợi dụng choảng nhau để hả giận, để trả thù:
Hàng nghìn người 'choảng nhau' cầu may ở xứ Thanh
Còn ở đền Sóc ( Sóc Sơn, Hà Nội) năm nào cũng thế, chả thay đổi, hành vi cướp lộc hoa tre vốn rất hay, vốn rất nhẹ nhàng, sự "cướp" được các cụ bày trò là để tạo chút khó khăn khi lấy lộc, nhưng bây giờ thì cướp thật, đạp trên đầu nhau, trườn, xô, lao, giật, bặm trợn, gào thét, hỗn chiến, lộc gì mà đẫm máu thế.
Muốn hạ nhiệt sự hàm hồ, bặm trợn này, chỉ còn cách phải đưa cây chuối cắm hoa tre vào một vị trí nào đó, một bô lão lấy từng hoa tre một tung xuống từng góc người dự hội, chỉ cho nhóm nhỏ ấy dành nhau lấy lộc, từng lần như thế, trong tiếng reo hò, trong tiếng trống hội, thong thả, náo nức, hồi hộp và văn hoá chả hơn sao?
Ai có thể tưởng tượng được không khí này mà có thể gọi là lễ hội:
Cướp lộc hoa tre hỗn loạn tại hội GióngLễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng đã thay đổi, mọi thứ như cũ, thủ tục truyền thống lễ hội của làng không thay đổi, chỉ thay đổi phần chém lợn đưa vào "xử kín". Tôi cho rằng đó là một cách hay. Không ảnh hưởng gì không khí lễ hội mà làm "sạch" được không khí lễ, nói gì thì nói, trong khi xã hội đang bấn loạn bởi cướp giết hiếp thì thêm một hình ảnh chém lợn kinh hoàng như truyền thống chắc chắn chẳng hay ho gì.
Chém lợn làng Ném Thượng 2016: Hai cụ ỉn đã được “xử kín”Có thêm điều này để các nhà quản lý văn hoá hoặc chính quyền các địa phương soi chiếu để suy nghĩ: Vì sao ở Nam Bộ, miền Trung có nhiều lễ hội tập trung đông người, rất đông người, cũng có trò cướp lộc, giành lộc, thi thố...nhưng rất cộng đồng, rất náo nhiệt nhưng không giành giật bặm trợn kinh hoàng như ở các tỉnh phía bắc, vì sao thế?
Vì sao ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc có nhiều lễ hội nhưng rất nền nã, rất bản sắc, rất sâu lắng, mà ở vùng đồng bằng bắc bộ cứ hễ tập trung đông người là huyên náo, dữ dằn, ầm ĩ?
Cho nên, cần một tâm thế, một thái độ lễ độ trước khi vào lễ hội.
Lễ độ trước hết với chính mình đã, lễ độ với cộng đồng, lễ độ với di tích, chùa chiền, phong tục.
Không lễ độ thì phá lễ hội.
Cha ông tạo ra Lễ hội chắc chỉ mong mang tới cho thế hệ con cháu một sự lễ độ tử tế với cuộc sống, không có tâm thế lễ độ sống là bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, tàn phá lễ hội.
Tôi tin như thế.
Hoá ra trách nhiệm thuộc về người không phải do...gió to
Tết vừa rồi, đêm giao thừa, Quảng Ngãi bắn pháo hoa, một số quả pháo không lao lên trời đón xuân mà lao thẳng vào đám đông nổ tung toé, khiến 6 người bị thương. Ông chỉ huy trưởng tỉnh đội nói với báo chí là do gió to. Nay thì ông chả chạy trốn được trách nhiệm là do chính các ông, gió được giải oan.
Tôi thích cách làm báo này của báo Thanh Niên:Từ những bức ảnh tình cờ chụp được về em bé phụ mẹ quét rác ngày Tết gây xúc động mạnh cho mọi người, chiều 12.2 (mùng 5 tháng Giêng) tác giả ảnh Hồ Hải Hoàng đã tìm ra nhà của hai mẹ con ở Hà Nội và tặng cho họ một bức ảnh rất đẹp.
Nhân vật chính trong những tấm ảnh là chị Trương Thị Thơm, 28 tuổi, công nhân quét rác của Hợp tác xã Thành Công và bé Nguyễn Thị Trang, 5 tuổi.
“Chị Thơm thấy tôi đến thì vui mừng lắm. Chị khoe là các chị đồng nghiệp mở điện thoại di động ra cho chị xem ảnh hai mẹ con được chụp. Tôi ngồi giữa một căn phòng không còn có thể đơn giản hơn. Không có gì giá trị ngoài một chiếc ti vi cũ, đang Tết mà nhà không đào cũng chẳng quất. Tôi xin chị chụp mấy kiểu ảnh cho hai mẹ con, mắt chị buồn lắm, rưng rưng như muốn khóc”, anh Hồ Hải Hoàng chia sẻ với Thanh Niên khuya 12.2.
Sau rất nhiều cải cách, cuối cùng việc thi cử đã đổi mới triệt để...trở về như thời xưa...
Theo Văn bản chính thức Bộ GD ngày 3/2/2016 ngay sau chỉ đạo ngày 01/02/2016 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì năm 2016 sẽ tổ chức cụm thi THPT quốc gia ở tất cả tỉnh, thành, tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi. Như vậy tất cả học sinh sẽ thi THPT quốc gia tại tỉnh của mình thay vì di chuyển khi có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH như năm 2015. Đây là bài viết trả lời cho câu hỏi Cụm thi thpt quốc gia 2016 gồm những cụm nào?
Xác pháo trải đỏ khu dân cư ở Vĩnh Phúc
Nhiều nơi lắm, quê tôi Quảng Bình cũng thế, rộn ràng như ngày xưa rồi:
Đêm giao thừa, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc xuất hiện những tiếng pháo lớn khiến đồ đạc rung lắc. Tới mùng 4 Tết, xác pháo vẫn đỏ rực trước cửa nhà dân.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Thái Lan thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam?Hậu quả quan trọng nhất là, với việc nắm trong tay phần lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa Việt Nam, người Thái đã hoàn tất một chu trình khép kín để hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và đẩy bật hàng Việt ra ngoài.
Cảm nhận trên facebook:
*Trung Nghĩa:
Các bạn gái, nếu người đàn ông của bạn thường hay nói rằng anh ta quá bận rộn, không dành thời gian được cho bạn. Hãy cho anh ta xem bức ảnh này.
Đây là một người đàn ông bận rộn vào loại bậc nhất thế giới, hãy xem cái cách ông ấy ra phi trường đón người phụ nữ của đời ông...
*Nhà thơ Vương Trọng:
QUA TẾT
Cành đào chỏng ngược trên thùng rác
Vẫn cố nở xòe vài nụ chót.
Mặt hè ai vất băng A-Kai
Biết mấy lời ca ríu chân người.
Xác rắn mãn kỳ bình rượu rắn
Khô khốc, còng queo trên phố nắng…
*Pham Xen:
CHỒNG CŨ
Một năm vài ba bận
Chồng cũ ghé thăm con
Và lần nào cũng hỏi
Bằng cái giọng buồn buồn
Sao em cứ ở vậy?
Sao không lấy chồng đi?
Vợ chỉ cười nói nhỏ
Lấy chồng để làm gì
Anh cứ vui duyên mới
Đừng lo nhiều cho em
Biển ngàn năm sóng vỗ
Đâu phải bởi xa thuyền
Nếu em đi bước nữa
Em thương con mình thôi
Gọi người dưng là bố
Chắc gì chúng sẽ vui
Mẹ con em vẫn sống
Vẫn đủ đầy thương yêu
Bình yên em gìn giữ
Đâu chỉ một sớm chiều
Nếu em lấy chồng mới
Tình cảm phải chia đôi
Rồi lo thêm người khác
Con mình sẽ thiệt thòi
Duyên số rồi anh ạ!
Anh đừng tự trách mình
Chỉ cần con hạnh phúc
Em bằng lòng - hy sinh
..............................
Chiều đông hun hút gió
Chồng cũ vội đi rồi
Hiu hắt căn nhà nhỏ
Xa dần tiếng "Bố ơi!"
LĐ08122015
*Binh Le:
Tình yêu đi cùng với hành động!
Hôm nay thấy hình chị "xuống tóc" để bày tỏ tình yêu với những người đang chữa trị bệnh ung thư.
Người phụ nữ này, chị Ngọc, từ lâu đã thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trừ sâu để bảo vệ sức khỏe không những của phụ nữ nông thôn, mà của cả những người tiêu dùng khác.
Hàng năm có gần 100.000 người chết vì căn bệnh ung thư, cao gấp 10 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Có nhiều nguyên nhân, nhưng thực phẩm bẩn, ngâm tẩm hóa chất, phun hóa chất trừ sâu...đứng đầu danh sách.
Và vấn đề này không thể giải quyết bởi người quản lý, hay bởi người khác. Nó chỉ có thể được giải quyết bởi chính cộng đồng chúng ta. Vậy còn e ngại gì nữa, hành động đi chứ nhỉ!
*Trưởng thôn Khoai Lang:
Cát trắng gió lào bão lũ chiến tranh sự khắc nghiệt ấy mài dũa cho người làng cát quê tôi ý chí sống, niềm tin sống. Đến như con trai, con gái làng cát đã yêu là yêu đến chết, yêu tận cùng, có đuổi có đánh, có xô có đạp cũng lao vào yêu, không bỏ, không quay lưng, không chịu thua.
Đến như đói thì chịu nhịn một bữa, hai bữa, ba bữa để tìm cho ra cái ăn dù phải đào, phải húc, phải cào, phải cấu, phải giành phải giật cũng không chịu buông tay đầu hàng số phận.
Đến như sự học dù ăn khoai ăn cháo, dù nhịn mặc nhịn ăn, đã học là học tới cùng, học không thua ai, học cho tới khi thành danh thành phận, học cho tới ngày về lại làng mình, đàng hoàng mà bước trên cát, đàng hoàng mà đứng trên cát, đàng hoàng mà chết trên cát, đàng hoàng suốt cuộc đời.
Tôi vẫn thường ra mộ ba mạ tôi thắp hương bất kể ngày rằm, bất kể ngày giỗ ngày lễ ngày tết, hễ thấy nhớ ba nhớ mạ là tôi chạy ra động cát mang theo cả ấm trà, cả manh chiếu rồi thắp hương, rồi trải chiếu pha trà ngồi nói chuyện huyên thuyên trên trời dưới biển với ngôi mộ ba mạ. Và tôi nhìn thấy hình như dưới những ngôi mộ này còn là ngôi mộ khác, dưới những ngôi mộ khác còn là lớp lớp những ngôi mộ khác nữa. Động cát chất chứa bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu thân xác, bao nhiêu hồn vía nhiều đời của người làng tôi. Và trên cát lại lớp lớp thế hệ khác, như những mầm sống, như chồi cây xương rồng tiếp tục vươn lên, tiếp tục đâm chồi và sống.