SHB đang nhận thế chấp lượng bất động sản lớn cỡ nào?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 với những thông tin quan trọng.
Theo đó, riêng quý II, SHB ghi nhận 1.181 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của nhà băng này đã tăng 27% đạt 2.105 tỷ đồng.
Ngoài thu nhập lãi thuần tăng mạnh trong kỳ, hoạt động dịch vụ của SHB cũng tăng 106%, đạt 181 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại giảm một nửa, đạt 12 tỷ đồng lợi nhuận.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác cùng ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ đồng trong nửa đầu năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự kém hiệu quả trong quý II.
Sáu tháng đầu năm, SHB ghi nhận 802 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng sau thuế cũng tăng tương ứng, đạt 645 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6, tỷ lệ nợ xấu tại SHB là 1,85% tổng dư nợ cho vay, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm. Nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC thì tỷ lệ này là 7,2% tổng dư nợ.
SHB là nhà băng kiểm soát nợ xấu tương đối tốt khi tỷ lệ này đi ngang trong 3 năm qua. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng giảm còn 3,08%, trong khi cuối năm trước là 3,25%.
Thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ tăng mạnh giúp lợi nhuận nửa đầu năm của SHB tăng 52% so với cùng kỳ. Biểu đồ:Quang Thắng. |
Nếu so với những năm trước, chất lượng tài sản tại SHB đã được cải thiện. Lần đầu tiên trong nhiều năm, nợ xấu phát sinh mới trong 4 quý đã nằm dưới mức trích lập dự phòng của nhà băng, hiện ở mức 30%.
Nửa đầu năm 2017, SHB đã chi ra 292 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản cho vay kém hiệu quả.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của SHB tăng 28% so với cùng kỳ năm trước trong khi huy động chỉ tăng 19%. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn tại SHB sẽ dựa nhiều vào vốn giá cao như trái phiếu, hay tiền gửi và vay các TCTD khác. Vì thế, khả năng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là thấp.
Chỉ số LDR (cho vay trên huy động vốn) tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 99%, trong khi đó LFR đạt 89%.
Đặc biệt, báo cáo tài chính lần này của SHB đã thông tin về giá trị tài sản thế chấp của khách hàng tại nhà băng này.
Cụ thể, tổng tài sản thế chấp hiện nay tại SHB có giá trị sổ sách lên tới 415.568 tỷ đồng, gấp 2,3 lần tổng dư nợ cho vay và gấp 1,65 lần tổng tài sản.
Phần lớn tài sản thế chấp tại SHB là tài sản bất động sản với giá trị lên tới gần 158.000 tỷ đồng. Biểu đồ:Quang Thắng. |
Phần lớn tài sản thế chấp tại nhà băng này là bất động sản. Giá trị sổ sách của bất động sản mà khách hàng thế chấp tại SHB lên tới 157.942 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này tương đương 88% tổng dư nợ cho vay và bằng 63% tổng tài sản của nhà băng.
Theo đánh giá trong báo cáo tài chính giá trị khối tài sản này tại thời điểm lập báo cáo đã giảm tới 11.386 tỷ đồng, đạt 146.556 tỷ đồng.
Ngoài khối lượng lớn tài sản thế chấp là bất động sản, SHB cũng ghi nhận 43.108 tỷ đồng tài sản thế chấp là động sản, 24.896 tỷ đồng tài sản thế chấp là chứng từ có giá, và các tài sản khác là 189.622 tỷ đồng theo giá trị sổ sách.
Hiện tại, SHB cùng với NCB là hai nhà băng có thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách, cùng ngưỡng 8.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với đầu năm, giá trị cổ phiếu SHB đã tăng gần gấp đôi.
Từ lâu, SHB được xem là ngân hàng của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) khi ông bầu cùng người thân và các công ty liên quan nắm phần lớn vốn cổ phần tại nhà băng này.
Hiện tại, ông Hiển là Chủ tịch HĐQT tại đây và nắm giữ 3,46% vốn cổ phần nhà băng. CTCP Tập đoàn T&T của ông bầu này là cổ đông lớn nhất của SHB sở hữu 12,59% vốn. Chị gái ông Hiển là bà Đỗ Thị Thu Hà cũng sở hữu 2,59% cổ phần.
Tính từ đầu năm 2017, cổ phiếu SHB đã tăng gần gấp đôi về thị giá từ mức hơn 4.000 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Nguồn:Vndirect. |
Nguồn: Quang Thắng/Zing.vn