Serie A - Thiên đường giờ đã ‘hoang tàn’
Serie A - Thiên đường giờ đã ‘hoang tàn’
Mùa hè này 3 trong số những ngôi sao sáng giá nhất Serie A là Ezequiel Lavezzi, Thiago Silva và Zlatan Ibrahimovic đã ra đi, cập bến cùng 1 đội bóng mà trước giờ không bao giờ có vinh hạnh "đứng cùng mâm" với những đội bóng hàng đầu của Serie A trước đây: Paris Saint Germain (PSG) của League 1. Đúng như lời của Phó chủ tịch AC Milan Adriano Galiani đã thừa nhận: Serie A giờ không còn là điểm đến của các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Một ngôi sao lớn, tính cách lớn như Ibrahimovic cũng đã chọn phương án ra đi khỏi Serie A, tiếp nối cuộc chảy máu bất tận từ 10 năm nay với những Zidane, Ronaldo, Kaka, Shevchenko, Eto'o, Thiago Silva, Balotelli, Pastore, Lavezzi... |
Serie A vẫn là một trong những giải đấu lớn nhất thế giới nhưng từ vài năm qua đã chứng kiến sự di cư lớn chưa từng có của những ngôi sao hàng đầu. 2 năm qua lần lượt Samuel Eto’o, Alexis Sanchez, Javier Pastore và Mario Balotelli bỏ ra nước ngoài thi đấu. Lý do chính cho những cuộc ra đi này là vì kinh tế. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự khủng hoảng của bóng đá Italia nhưng nó tập trung vào 2 yếu tố chính: khán giả và các sân vận động.
Nhiều năm qua, lượng khán giả đến sân xem các trận đấu ở Serie A đã giảm mạnh, trái ngược hoàn toàn với phần lớn các đội bóng hàng đầu châu Âu khi họ hưởng lợi đáng kể từ doanh thu bán vé nhờ việc xây dựng hoặc nâng cấp các SVĐ. Với những đội bóng hàng đầu châu Âu việc sở hữu một sân bóng hiện đại, tiện nghi được coi là điều kiện tiên quyết để tăng doanh thu nhờ những hoạt động kinh doanh từ một chuỗi các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, khách sạn và nhiều hơn nữa. Vì thế, ngoài việc bán vé khi có trận đấu, CLB có thể kiếm được tiền trong cả tuần chứ không chỉ gói gọn trong 1 trận (hiện phần lớn các sân bóng Serie A thuộc quyền sở hữu của thành phố).
Một vấn đề khác là bóng đá Italia làm rất kém đó là việc chăm lo phát triển công tác đào tạo trẻ. Vì thế, ở Italia không có nhiều đội bóng có thể sống khỏe nhờ hệ thống đào tạo của CLB mình. Điều đó dẫn đến một hệ quả tất yếu là các đội bóng ở Serie A phải chi rất nhiều tiền trong việc tuyển dụng cầu thủ. Ngoài ra các cầu thủ trẻ của Italia thích ra nước ngoài thi đấu hơn vì có quá ít cơ hội dành cho họ tại các CLB. Các đội bóng ở Italia vẫn thích sử dụng những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm hơn là những cầu thủ trẻ. Vì thế không ngạc nhiên khi tuổi đời bình quân của các đội bóng ở Serie A luôn cao nhất tại châu Âu.
Tài năng trẻ số 1 của bóng đá Italia hiện tại Marco Verratti cũng đã chọn PSG làm điểm đến |
Ngoài ra có một vấn đề mà các đội bóng Italia gặp đó là việc phụ thuộc lớn vào dòng tiền ổn định từ bản quyền truyền hình trong suốt hơn 15 năm qua mà không có những hình thức kinh doanh khác hiệu quả hơn. Các đội bóng Italia mua nhiều hơn bán so với các đội bóng tại Anh và Pháp. Việc thiếu những hình thức kinh doanh béo bở khiến cho họ ngày càng tụt lùi so với phần còn lại của châu Âu.
Trong bức tranh ảm đạm của bóng đá Italia, Juventus là một điểm sáng hiếm hoi. Sự hồi sinh của họ với chức vô địch Serie A mùa bóng năm nay gắn liền với việc sở hữu riêng cho mình một sân vận động mới, cũng như việc khuyến khích tối đa các tài năng bản địa. Điều đó giúp họ giảm bớt chi phí chuyển nhượng và quỹ lương. Chính điều đó giúp Juventus gần như trở thành con ngáo ộp duy nhất trên thị trường chuyển nhượng của Serie A.
Một vấn đề khác là Serie A không khuyến khích việc đầu tư từ nước ngoài vì lý do thuế. Vì thế, thay vì đầu tư vào giải đấu này, những ông trùm này quay sang đầu tư ở những CLB khác như ở Pháp, Tây Ban Nha hay Nga -những nơi có thể đem lại lợi nhuận cao hơn. Không phải ngẫu nhiên mà tại Serie A chỉ có AS Roma là đội bóng duy nhất được một ông chủ người My - Di Benedetto sở hữu nhưng là vì lý do tình cảm.
Kể từ khi có SVĐ riêng mang tên riêng, Juventus đã lên hương thật sự, đặc biệt ở khía cạnh kinh doanh khi họ không còn phụ thuộc vào tiền bản quyền truyền hình |
Bóng đá Italia đã bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố suốt 15 năm qua nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Và dù cho ĐT Italia vẫn là một đội bóng đáng sợ ở những giải đấu họ tham dự thì các CLB đã tụt lại so với phần còn lại của châu Âu. Đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ, nâng cấp các SVĐ là 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến tương lai của bóng đá Ý, nếu không việc “chảy máu” tài năng sẽ không dừng lại mà còn trầm trọng hơn.
NGUYỄN ĐĂNg