Sếp Viettel: “Chúng tôi sẽ cử cán bộ kỹ thuật vào giảng trong Học viện BCVT"
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel tặng Học viện BCVT hệ thống phòng LAP 4G |
Tại Lễ khai giảng năm học 2018 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mới đây, Viettel đã tặng cho Học viện hệ thống 4G để cho giáo viên và học sinh có thể học và thực hành trên thiết bị này. Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, thiết bị 4G lần này giá trị không lớn, với khoảng 5 tỷ đồng. Nhưng đây là hệ thống do các kỹ sư của Viettel thiết kế riêng cho các bạn sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
“Thời kỳ chúng tôi học không bao giờ có hệ thống hoàn thiện như thế này để học và thực hành. Hệ thống 4G này là món quà và hơn nữa nó là sự gửi gắm của những người đi trước, các cán bộ kỹ sư của Viettel truyền cho thế hệ sau niềm cảm hứng với niềm tin rằng người Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ được hệ thống này. Đây là hệ thống mà khép kín gồm có tổng đài , Note B 4G, truyền dẫn, hệ thống tính cước, quản lý thuê bao… do chính người Viettel nghiên cứu sản xuất. Với một hệ thống này sẽ không có hãng nào chuyển giao và nếu có thì có thể giá trị chuyển giao lên đến cả triệu USD” ông Tào Đức Thắng nói.
Chia sẻ với lãnh đạo Học Viện Công nghệ BCVT, ông Tào Đức Thắng cho biết có thể Viettel sẽ cử các cán bộ kỹ thuật của mình vào giảng dạy trong Học viện để cho các sinh viên nắm được hệ thống này.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng này, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo chính quy tập trung về lĩnh vực công nghệ ICT, bưu chính, viễn thông. Đây là những ngành công nghiệp đang được kỳ vọng là cánh cửa để tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trước cách mạng 4.0. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá lên so với mặt bằng thế giới trước đó. Việt Nam hoàn toàn có trong tay cơ hội này bởi cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của mình. Việt Nam là một quốc gia phát triển, chúng ta có nhiều bài toán cần tìm lời giải.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các thầy cô cũng phải đổi mới cách dạy và học theo cách huấn luyện nhiều hơn, giao việc thực hành nhiều hơn, tạo môi trường trao đổi tranh luận nhiều hơn với sinh viên. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông phải có nhiều hơn các phòng lab, các phòng thiết bị thực hành. Hãy tìm hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn, vì chính họ cũng muốn đưa thiết bị vào nhà trường để sinh viên quen với thiết bị của họ. Ví dụ như Viettel, VNPT đã sản xuất được hầu hết các thiết bị mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối, thiết bị made in Vietnam sẽ sử dụng trong các mạng viễn thông Việt Nam. Viettel có thể tặng cho trường một mạng viễn thông 4G hoàn chỉnh bao gồm đủ các thành phần để sinh viên thực hành. Các thầy cô và sinh viên nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới, thực hành nghiên cứu trên thiết bị Việt Nam, công nghệ Việt Nam để khi ra trường sẽ xây dựng nên một mạng viễn thông Việt Nam bằng thiết bị Việt Nam. Đó là niềm tự hào Việt Nam.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, một cuộc cách mạng mới đang đến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là cơ hội cho tất cả những ai đi đầu trong phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0. Không như các lần trước đây, công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cách thức chúng ta làm việc, kinh doanh, dạy học. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi, là sự sớm chấp nhận các mô hình mới về kinh doanh, quản trị và dạy học. Một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Nhà trường không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào giáo trình giảng dạy mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy học thời 4.0.