Sếp ngân hàng nói gì về nới room tỷ giá thêm 1%?
Bày tỏ quan điểm của mình khi chia sẻ với Infonet, TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) nhận định, động thái này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được dự đoán từ trước, vì trong những ngày gần đây các ngân hàng thương mại hầu hết đều đã niêm yết và giao dịch đồng USD ở mức “kịch” trần cũ.
Dù với đợt điều chỉnh tỷ giá ngoại hối lần thứ 2 trong năm, NHNN đã dùng hết “quota cam kết” điều chỉnh 2% cả năm 2015, song trước cung cầu ngoại tệ đang “căng”, ông Kiêm bày tỏ, bước đi này là hợp lý và “vừa phải”, chứ không hẳn quá “rộng rãi” như nhiều ý kiến đưa ra.
“Tác động ngay lập tức và thấy rõ nhất là thị trường tỷ giá đã nguội bớt và điều này sẽ có tác dụng ngay tới hỗ trợ giảm nhập siêu, tăng xuất khẩu thời gian tới”- Chủ tịch DongABank nói.
Tỷ giá sẽ "đứng sóng" sau thông điệp nới lỏng hết room của NHNN? |
Ông Kiêm cũng nhắc lại câu chuyện nhập siêu tăng mạnh thời gian vừa qua đã khiến cán cân thanh toán thương mại của Việt Nam xấu đi rõ rệt, khi riêng 4 tháng đầu năm đã thâm hụt 3,3 tỷ USD do nhập khẩu mạnh máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay.
Trong khi cả năm 2014 hầu như các tháng đầu ở trạng thái thặng dư. “Sự phản ứng của NHNN là khá kịp thời trước những biến động khó lường và nhằm kiểm soát tình hình trước những bất ổn”- ông bình luận.
Là người “cầm trịch” một trong những ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết, thực tế cuối tháng 4, đầu tháng 5 cũng có dấu hiệu cho thấy tỷ giá tăng kể cả trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp đều nhích lên, tiệm cận với mức trần quy định của NHNN.
Nói về đợt điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 trong năm nay ông Thọ đánh giá, sự điều chỉnh là yếu tố giúp tỷ giá cân bằng với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác. “Việc điều chỉnh tỷ giá là một yêu cầu cần thiết để giúp cho tính thanh khoản của thị trường tốt hơn và cũng để khơi thông tâm lý, giải tỏa kỳ vọng của thị trường, giúp thanh khoản tốt hơn”- ông Thọ bình luận.
Dù “khung” điều chỉnh tỷ giá cả năm 2015 đã hết, song Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, không vì thế mà điều hành chính sách tỷ giá của NHNN thời gian tới sẽ bị động. “Động thái nới room lần này thể hiện phản ứng kịp thời của NHNN với thị trường cả bên trong với bên ngoài”- ông Thọ nói.
Cũng theo vị Tổng giám đốc VietinBank, điều chỉnh tỷ giá 1 lần với biên độ 1% cũng tạo ra thông điệp rõ ràng. Cụ thể với thị trường để các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có thông tin và kế hoạch tài chính, kinh doanh rõ ràng hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2015.
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng có lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất trong hệ thống và biểu giá niêm yết của nhà băng này lâu nay vốn được coi là “hàn thử biểu” của thị trường, bảng niêm yết tỷ giá của Vietcombank trong ngày hôm qua (7/5) cũng liên tục “nhảy” sau khi NHNN công bố nới room tỷ giá thêm 1%.
Nếu vào thời điểm buổi sáng Vietcombank báo giá mức bán ra đồng bạc xanh ngưỡng 21.740 đồng/USD thì tới cuối giờ chiều đã giảm về 21.720 đồng/USD, hạ 20 đồng/USD.
Phó tổng giám đốc Vietcombank ông Phạm Thanh Hà bình luận, việc điều chỉnh tỷ giá lần này đã hỗ trợ nhiều cho thị trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trước mắt, mà còn giảm áp lực tỷ giá ngoại hối về lâu dài.
“Tâm lý thị trường đã được giải tỏa và cung ngoại tệ đã tăng rõ rệt. Thanh khoản của cả thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch của các ngân hàng với khách hàng đều tăng”- ông Hà nói.
Ghi nhận tại hệ thống Vietcombank trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỷ giá, ông Hà cho biết, giao dịch có tăng nhưng không nhiều, vẫn ổn định so với các ngày hôm trước. Hiện, trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mua bán với khách hàng, Vietcombank đều mua ròng.
“Với mức điều chỉnh này, tính thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn, cả tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ ổn định trong thời gian dài”- Phó tổng giám đốc Vietcombank kỳ vọng.