Sếp doanh nghiệp: Làm sao biết được ngày "đèn đỏ" hay không
Theo quy định, từ ngày 15/11, lao động nữa sẽ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian “đèn đỏ”, tuy nhiên đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tỏ ra "khó nghĩ".
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11.
Lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút |
Theo khoản 2 điều 7, lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Là đơn vị sử dụng khá nhiều lao động nữ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Quang, giám đốc may N.A cho biết ông vừa nghe thông tin trên báo chí. Theo ông Quang, quy định này nhằm quan tâm hơn đến lao động nữ nhưng về tính khả thi thì khó mà thực hiện.
“Nếu đã là quy định thì chúng tôi cũng phải chấp hành thôi nhưng vấn đề là làm thế nào để biết được ngày đèn đỏ với không đèn đỏ. Đặc biệt là hiện nay nhận thức của người lao động chưa cao, nhiều khi còn tìm lý do để nghỉ. Tôi nghĩ là ngày “đèn đỏ” có thể hơi mệt 1 tí thôi chứ không đến mức ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Quang nói.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, hiện nay công ty ông vẫn có nhiều ưu ái cho doanh nghiệp nữ. Chẳng hạn lao động có thai trên 7 tháng có thể được về sớm 1 tiếng.
“Một dây chuyền sản xuất thường có từ 40 đến 100 người, nếu chính sách thai sản còn hợp lý chứ áp dụng theo chính sách này, lao động họ nghỉ mất một nửa nửa thì ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”, ông Quang nói thêm.
Ông T, Giám đốc của một công ty bao bì xuất khẩu ở Hà Nam tỏ ra ngạc nhiên với quy định này. Theo ông, bình thường doanh nghiệp đã áp dụng cho lao động nghỉ giữa ca 15 phút nên việc để lao động nữ nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ” sẽ khó mà thực hiện.
“Có những doanh nghiệp quản lý rất chặt chẽ, việc công nhân đi vệ sinh cũng bị giám sát số lần nên tôi không biết quy định như thế thì sẽ thực hiện thế nào. Có thể doanh nghiệp tôi cũng chỉ cho công nhân nghỉ giữa giờ thôi”, ông T nói.
Trước quy định trên, ông Thủy, giám đốc công ty đầu tư phát triển Thái Dương cũng tỏ ra không đồng tình. Ông Thủy thẳng thắn nói: “Mỗi đơn vị có một chấp hành, quy định riêng. Bản thân doanh nghiệp nào cũng phải cho công nhân nghỉ, không kiểu nọ thì kiểu kia. Kể cả những ngày như vậy mình không cho nghỉ thì người ta vẫn nghỉ, mình cũng không thể cấm. Nhưng vấn đề khó ở đây là làm thế nào để biết ngày đèn đỏ, biết được ngày đèn đỏ là cả một vấn đề. Đây là vấn đề rất tế nhị”.
Chia sẻ với báo điện tử Infonet về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc đưa ra quy định nhằm tránh dồn nén người lao động quá mức, đây là một quy định nhân văn nhưng đứng dưới góc độ sản xuất thì không thực tế, khả năng thực thi không cao, nhất là với quy trình công nghiệp hiện nay.
“Tôi không phản đối quy định này, với phụ nữ cũng nên có cách nào đó nhưng nếu đã là doanh nghiệp thì nên tôn trọng tối đa hệ thống tổ chức, cách thức của người ta hơn là đưa ra điều kiện như vậy. Nếu xảy ra cực đoan, doanh nghiệp có thể sẽ không thích dùng lao động nữ nữa mà chỉ thích sử dụng lao động nam hoặc sẽ tính đến việc trừ đi chi phí rủi ro cho lao động nữ”, bà Lan nói.