Sẽ thay HĐND quận, huyện bằng phòng dân quyền?
Bảo vệ quyền giám sát của người dân là ưu tiên hàng đầu khi bỏ HĐND quận, huyện, phường - Ảnh Duy Nguyên |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh thì cho rằng: “Nếu chỉ đừng lại ở đề án phục vụ cho việc nâng cao hoạt động hiện tại của HĐND thành phố thì tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng với ý định lập đề án này đồng thời là luận án để ta bảo vệ cho việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, tiến tới sửa đổi Hiến pháp trong thời gian tới thì đề án này chưa đáp ứng được”.
Theo đại biểu, trong 3 năm thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã, từ 2009 đến nay, có nhiều thuận lợi và khó khăn nhưng đề án chỉ nêu khái quát, sơ sài, cần đánh giá thật kỹ những nội dung làm được và chưa làm được của HĐND thành phố.
“Khi tôi tiếp xúc với cử tri, các cử tri vẫn thể hiện nguyện vọng tổ chức HĐND cấp phường. Có thể bỏ cấp quận nhưng cấp phường nên có. Bởi đặc điểm tình hình mỗi địa phương khác nhau mà chỉ có HĐND trực tiếp tại nơi đó mới nắm rõ. Còn khi không tổ chức nữa thì HĐND thành phố làm cách nào đó để hoạt động thực sự hiệu quả như khi có HĐND phường”, đại biểu Ánh nói.
Hằng năm HĐND vẫn tổ chức cho Ban pháp chế giám sát tình hình địa phương nhưng chưa phản ánh hết.
Theo đại biểu Nguyễn Quý Hòa, việc tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu giám sát của người dân. Đại biểu nhận thấy, cách giải quyết các kiến nghị của người dân chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành khi tiếp xúc với cử tri.
Chẳng hạn như khi cử tri kiến nghị với HĐND tại buổi tiếp xúc mà trong đại biểu HĐND có một vị là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, khi đó vị này sẽ trực tiếp giải thích với người dân tại cuộc tiếp xúc. Cũng đồng nghĩa với việc ý kiến này sẽ không tới được với HĐND thành phố mà cũng chỉ dừng lại giải quyết ở cấp quận, huyện.
Người dân trực tiếp đưa đơn khiếu nại trong buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh Duy Nguyên |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố, đề án chỉ thực hiện trong điều kiện thí điểm. Trong thời gian thí điểm còn thiếu nhiều quy định pháp luật nên áp dụng đề án để hỗ trợ những quy định, tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả. Đề án sẽ hết hiệu lực khi có quyết định tổ chức HĐND hay không. Quá trình thực hiện thí điểm cũng sẽ là quá trình chứng minh việc nên hay không nên bỏ tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị làm rõ hơn vai trò giám sát đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc theo đề án. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, Mặt trận “khoác quá nhiều áo” nên chức năng chính của Mặt trận là giám sát phản biện, một phần nào đó bị lu mờ.
“Chẳng hạn như thời gian qua giao cho Mặt trận làm Trưởng ban vận động vì người nghèo. Trong những năm khó khăn như năm 2012, nguồn chi giúp cho người nghèo chủ yếu từ nguồn vận động. Mà để có nguồn kinh phí đó thì ông Mặt trận phải lo đi vận động. Như thế sẽ làm bớt đi vai trò giám sát phản biện”, đại biểu Châu giải thích thêm.
Theo đó, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Cụ thể, cần tăng cường đại biểu chuyên trách tại các tổ đại biểu quận, huyện; Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, phát huy vai trò của đại biểu HĐND thành phố trên từng quận, huyện trong công tác giám sát.
Thành lập phòng dân quyền thuộc Văn phòng HĐND thành phố tại 24 quận, huyện để tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như kiến nghị của cử tri. Có quy trình cụ thể, rõ ràng, giải quyết kiến nghị của cử tri công bố trên trang thông tin điện tử của HĐND TP theo dõi và giám sát.