Sẽ tăng cường thanh kiểm tra truyền hình trả tiền
Tại cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm (ngày 30.1.2013), xoay quanh những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực truyền hình trả tiền, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng để truyền hình trả tiền phát triển tích cực đó là hoàn thiện môi trường pháp lý và tăng cường thanh kiểm tra.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 30.1.2013 |
“Bức tranh” truyền hình trả tiền
Bằng những thông tin, con số cụ thể Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã phác họa bức tranh truyền hình trả tiền Việt Nam đầy đủ và đa diện. Việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam đã được áp dụng chủ trương xã hội hóa để thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội. Nhờ vậy, sau 10 năm phát triển 63 tỉnh, thành phố đều đã có dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình qua Internet IPTV và 100% lãnh thổ Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ truyền hình qua vệ tinh DTH. Trung bình mỗi hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp từ 50 – 70 kênh chương trình trong và ngoài nước. Có kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, có kênh chương trình quảng bá, có kênh chương trình chuyên biệt.
Hầu hết các kênh chương trình truyền hình nước ngoài nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. Dịch vụ truyền hình trả tiền không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thông tin và giải trí ngày càng đa dạng của người dân mà đã từng bước trở thành ngành kinh tế truyền thông có doanh thu khá cao, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng cũng chỉ ra sự phát triển “nóng” của thị trường truyền hình trả tiền trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, do không được Quy hoạch từ đầu nên việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền, đặc biệt là truyền hình cáp còn manh mún, tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu, nội dung chương trình chưa được nâng cao...
Mặt khác, thị trường truyền hình trả tiền mới chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ chưa tiếp cận được với người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Giá thành và chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát tốt. Số lượng kênh chương trình nhiều song chất lượng chưa cao, các chương trình mới và hấp dẫn chưa nhiều. Việc xã hội hóa thiếu chọn lọc, có nơi có lúc xảy ra tình trạng khoán trắng dẫn đến tình trạng chất lượng một số chương trình, kênh chương trình kém, hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế rất thấp.
Về nội dung, Bộ trưởng thẳng thắn nêu ra những bất cập như kênh chương trình nước ngoài chưa được chọn lọc kỹ, một số kênh chương trình có chất lượng không cao về chính trị, văn hóa, khoa học… ảnh hưởng không tốt đến nhận thức tư tưởng, lối sống của người dân, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ cấu kênh chương trình trong nước và ngoài nước chưa hợp lý, chưa thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung trong nước.
Định hướng phát triển truyền hình trả tiền năm tới
Đưa ra bức tranh đầy đủ và đa diện truyền hình trả tiền Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đưa ra những hướng đi để phát huy những mặt tích cực, khắc phục một số bất cập trong quá trình phát triển thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành một số Quy hoạch. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đồng bộ để phát triển ngành truyền hình nói chung và thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền nói riêng, theo hướng bền vững, công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ cao.
Về mục tiêu của Quy hoạch báo chí VN đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết: “Đây là sắp xếp lại cả 4 loại hình báo chí, gồm báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, thành một hệ thống chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả nhất; đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí của xã hội một cách đầy đủ nhất”.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu của Quy hoạch truyền dẫn phát sóng và Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 là thay thế hoàn toàn hệ thống phát sóng truyền hình mặt đất analog hiện tại bằng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất vào năm 2020. Khi đó, người dân sẽ được xem các chương trình truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn; số lượng các chương trình truyền hình cũng nhiều hơn; đồng thời có thể tích hợp cả dịch vụ phát thanh, truyền hình với các kênh truyền hình độ phân giải cao và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng phong phú.
Theo Quy hoạch này sẽ hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất kỹ thuật số với 3 mạng phát sóng có quy mô toàn quốc và 5 mạng phát sóng có quy mô khu vực, sử dụng chung để truyền tải tất cả các kênh truyền hình quảng bá của các đài truyền hình trung ương và địa phương hiện nay. Các đài phát thanh, truyền hình trên toàn quốc sẽ từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức để tập trung vào nhiệm vụ sản xuất và nâng cao chất lượng chương trình. Việc dùng chung hạ tầng phát sóng kỹ thuật số của quốc gia, khu vực sẽ giúp các đài tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí rất lớn để vận hành hệ thống phát sóng. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của đại đa số người dân, việc số hóa truyền hình sẽ thực hiện từng bước, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng và có biện pháp hỗ trợ người dân chuyển sang dùng đầu thu truyền hình số.
Đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những định hướng phát triển là sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền hiện có, đặc biệt là truyền hình cáp tương tự nhằm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải; hình thành thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020, nội dung chương trình phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; chất lượng dịch vụ ngày càng cao và giá dịch vụ phù hợp; từng bước hình thành những doanh nghiệp lớn, có năng lực, bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng trên diện rộng và có khả năng vươn ra khu vực và thế giới; huy động nguồn lực xã hội vừa góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi với phóng viên báo chí. |
Nhấn mạnh đây là một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ xác định để phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường pháp lý cần tăng cường công tác cấp phép, thanh tra kiểm tra xử phạt sau cấp phép, kiểm soát chất lượng thiết bị và dịch vụ”.