Sẽ quyết liệt trong xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, VNPT và Viettel. Ảnh: VPCP |
Sáng 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp của VPCP với Bộ TT&TT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để trao đổi các giải pháp thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.
Thông tin từ trang tin Chinhphu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của VPCP trong xây dựng Chính phủ điện tử là triển khai đến đâu được đến đấy, không làm tràn lan và hình thức, phải làm thực chất để thay đổi tư duy, thay đổi cách điều hành, cách quản lý của các cơ quan Nhà nước, thay đổi cách quản trị của doanh nghiệp.
Hiện nay các phần phềm quản lý văn bản và xử lý hồ sơ công việc của các Bộ, ngành, địa phương đã được nhiều nơi thực hiện nhưng rất khác nhau; việc xây dựng, triển khai ở mỗi nơi còn mang tính dàn trải, thiếu thống nhất, đồng bộ. Hiện nay, VPCP đang hoàn thiện phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của VPCP để nhân rộng cho các Bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, VPCP hiện đang nâng cấp phần mềm với mã nguồn mở để linh hoạt và xử lý hồ sơ công việc. Khi hoàn thiện phần mềm này sẽ kết nối liên thông gửi nhận văn bản từ VPCP đến các Bộ, ngành, địa phương. Tất cả thông tin được xử lý hồ sơ là trên mạng điện tử để giảm bớt chí phí, tạo ra sự minh bạch, công khai cho người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, VPCP cho biết một số nội dung đang triển khai Chính phủ điện tử hiện nay là: Hoàn thiện phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của VPCP để nhân rộng cho các Bộ, ngành, địa phương; triển khai nhiệm vụ kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử giữa VPCP và các Bộ, ngành, địa phương; triển khai Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước...
Trong đó, phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của VPCP được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2012 đến nay. Việc xây dựng và vận hành phần mềm này do Viettel đảm nhiệm thông qua hợp đồng thuê dịch vụ được ký kết giữa VPCP và Viettel. Qua nhiều lần chỉnh sửa, nâng cấp, về cơ bản, phần mềm đã đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ xử lý văn bản, hồ sơ công việc của VPCP và đã được cán bộ, công chức sử dụng phục vụ công việc hàng ngày.
Việc nhân rộng phần mềm này sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực xây dựng, vận hành phần mềm. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương chỉ cần tùy biến, chỉnh sửa lại phần mềm để bảo đảm phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ của Bộ, cơ quan mình và triển khai đồng bộ cho tất cả các đơn vị trực thuộc.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn sử dụng phần mềm của VPCP hoặc xây dựng phần mềm của mình bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT và các Bộ, ngành, liên quan. Việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa VPCP với các Bộ, ngành, địa phương sẽ thông qua trục kết nối liên thông do VPCP chủ trì xây dựng.
Sau khi có đánh giá đầy đủ về phần mềm cần đưa ra kế hoạch cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong một thời gian nhất định phải kết nối vào hệ thống và có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị, địa phương còn gặp khó khăn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2018, VPCP đặt mục tiêu đổi mới, cải cách mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, tập trung cho ứng dụng CNTT, xây dựng VPCP điện tử và tham mưu tốt trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Mục tiêu đã đặt ra là phải xây dựng Chính phủ điện tử, do vậy cần sự thống nhất cao giữa các đơn vị phối hợp, hành động quyết liệt để đưa ra sản phẩm cụ thể.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ngay sau buổi làm việc sẽ thành lập Tổ công tác do Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính làm tổ trưởng và có sự tham gia của các đơn vị thuộc VPCP, Bộ TT&TT, các chuyên gia đầu ngành về CNTT, VNPT và Viettel để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tư vấn giúp lãnh đạo VPCP và Bộ TT&TT triển khai các mục tiêu đang thực hiện.
Đồng thời đề nghị VNPT và Viettel cử cán bộ chuyên môn giỏi xem xét các phần mềm, những công việc hai đơn vị đang triển khai tại các đơn vị, các địa phương để điều chỉnh nâng cấp phần mềm. Đây là nhiệm vụ và cũng là việc làm minh bạch, công khai và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm lần nữa về việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử làm đến đâu phải chắc đến đấy theo hướng tốc độ, cụ thể về thời gian nhưng phải mang lại hiệu quả.