Sẽ có nhiều DN không được lợi từ gói giải cứu
Sẽ có nhiều DN không được lợi từ gói giải cứu
Mừng vui lẫn lộn
Giải pháp tổng thể hỗ trợ DN và thị trường đã chính thức được Chính phủ thông qua ngày 10/5. Đáng chú ý nhất trong gói hỗ trợ này là nhóm giải pháp về thuế, đặc biệt là việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) quý II/2012 cho DN trong 6 tháng và giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN).
Các DN có năng lực cạnh tranh đang tạm thời gặp khó khăn cần được ưu tiên hỗ trợ |
Đánh giá cao chính sách giãn thuế VAT trong 6 tháng, tổng giám đốc một DN chuyên xuất khẩu nội thất tàu biển tại Hải Phòng cho rằng, việc giãn thuế sẽ giúp DN có thể dùng số tiền này xoay vòng vốn kinh doanh, thay vì phải xoay xở vốn từ ngân hàng và phải trả lãi suất cao. "Số tiền được miễn thuế VAT hàng tháng sẽ là nguồn lực đáng kể để công ty vận dụng khoản này thành vốn luân chuyển, trang trải một phần nợ, hoặc trả tiền nhân công, tái đầu tư..." – vị Tổng giám đốc bày tỏ.
Ông Đỗ Đức Oanh – Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tính tới hết quý I/2012 các DN trong Hiệp hội mới tiêu thụ được 10,3 triệu tấn xi măng, 4 tháng đầu năm 2012 chưa được 15 triệu tấn. Với tình hình này may ra cả năm ngành xi măng tiêu thụ được 46-47 triệu tấn.
Không lạc quan, ông Đỗ Đức Oanh – Tổng thư ký Hiệp hội xi măng nhìn nhận, giãn thuế VAT quý II cho DN sẽ giúp các DN cân đối dòng vốn, tăng sản lượng sản xuất và kích thích tiêu thụ thị thường. Tuy thế, tác động trái chiều của chính sách này là chỉ "đụng chạm" với các DN tiêu thụ được hàng. "Bán được hàng thì việc giảm, giãn thuế VAT hay TNDN mới có ý nghĩa. Còn nếu DN vẫn ứ đọng hàng tồn kho lớn không tiêu thụ được thì có giảm hay giãn thuế cũng như không"- ông Oanh nói.
Năm 2011 ngành dệt may cũng là một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu thì 4 tháng đầu năm nay tình hình của các DN dệt may cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tính toán, tính tới hết quý I/2012 toàn ngành vẫn tăng trưởng khoản 15,4% so với cùng kỳ năm 2011 nhưng mức tăng này hoàn toàn về mặt cơ học. DN nào may mắn thì ký được hợp đồng tới quý II, còn lại hầu hết đều đang sản xuất cầm chừng. Thậm chí có DN đã phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên trong tuần.
Cũng cho rằng, chính sách giãn thuế VAT sẽ là chiếc "phao cứu sinh" kịp thời gỡ khó cho DN trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhưng ông Nguyễn Giang – Phó tổng giám đốc Công ty L.G – chuyên về xây dựng đóng tại Phạm Hùng (Từ Liêm- Hà Nội) lại tỏ ra băn khoăn. Đặc thù của DN xây dựng là khi công trình hoàn thành xong hạng mục nào thì chủ đầu tư mới giải ngân, thanh toán tiền, khi đó công ty mới xuất được hóa đơn VAT. Tuy nhiên, trong tình cảnh khó khăn bây giờ ngay cả chủ đầu tư cũng gặp khó khăn về vốn, thanh toán chậm thì DN cũng không để xuất được hóa đơn, đồng nghĩa DN không được hưởng lợi từ chính sách này.
Phao không đẩy được hàng tồn
"Soi" từ con số thống kê của cơ quan giá (Bộ Tài chính) cho thấy, 4 tháng đầu năm khó khăn tăng trưởng kinh tế đã ảnh hưởng tới giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong 4 tháng ước đạt 762,15 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Sức mua của người dân yếu dù DN ra sức tung ra các chương trình khuyến mãi lớn nhỏ.Suy giảm tổng cầu là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới nhiều sản phẩm đang tồn kho, khó tiêu thụ"- ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận xét.
Đối với việc giảm 30% thuế TNDN, hầu hết các DN đều chung nhận định chỉ mang tính "giải tỏa về tâm lý" là chính.
Chủ tịch Hiệp hội Thép ông Phạm Chí Cường băn khoăn, các DN thép hiện đang phải chấp nhận bán dưới giá vốn từ 10-20% để "đẩy" hàng tồn kho từ cuối năm 2011 nhưng vẫn không xuể. "Hầu hết DN thép là DN vừa và nhỏ, lãi vay NH chiếm tới gần 80% vốn của DN, mức lãi suất cao như hiện nay cộng với hàng tồn kho lớn DN không hề có lãi. Do đó, việc giảm thuế TNDN thành vô nghĩa khi DN liên tục "âm vốn" – ông Cường lên tiếng.
Thậm chí, có DN còn mạng dạn đề xuất được miễn thuế VAT cho cả năm 2012. Như thế, DN có một lượng vốn đáng kể để quay vòng sản xuất, vực dậy chính mình. Về lâu dài, việc miễn thuế VAT có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước trong năm 2012, tuy nhiên, nếu DN vực dậy được sản xuất, "sống" được nghĩa là thì cả nền kinh tế cũng sẽ "sống". Như thế, nguồn thu ngân sách sẽ được bù đắp trong tương lai.
Căn cơ hơn cả, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn là phải khơi thông được dòng vốn và giúp DN "đẩy" hết lượng hàng tồn kho.
TRƯỜNG GIANG