Sau vụ mất tiền tỷ tại Eximbank: Làm khách VIP của ngân hàng có... sướng?
Khách VIP là “gà đẻ trứng vàng”
Sau vụ ông Lê Nguyễn Hưng, Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh TP.HCM bị khách hàng Chu Thị Bình tố chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm mới đây, câu chuyện đảm bảo an toàn tiền gửi cũng như quyền lợi của khách hàng tại các nhà băng được đưa ra mổ xẻ.
Bà Chu Thị Bình được biết đến là khách hàng có số tiền gửi lớn tại Eximbank, được nhà băng này chăm sóc theo dạng khách VIP. Tuy quy định rút tiền của nhà băng khá chặt chẽ nhưng việc mất tiền vẫn xảy ra. Rủi ro này không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ chính sách chăm sóc đặc biệt mà khách VIP được thụ hưởng.
Vụ khách hàng bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền tiết kiệm tại Eximbank làm dấy lên lo ngại rủi ro khi gửi tiền ở nhà băng. |
Theo chị P.K, nhân viên của một nhà băng ở quận 2, TP.HCM, khách VIP chính là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà băng nên họ được nhận nhiều ưu đãi mà khách thường không có. Như khi đến quầy giao dịch, một số nhà băng bố trí làn giao dịch riêng cho khách VIP, thậm chí có nơi còn có phòng tiếp riêng phục vụ trà, cà phê.
“Đến dịp sinh nhật hay lễ lạt, khách VIP đều được nhà băng tặng quà, trong khi khách thường chỉ nhận được tin nhắn chúc mừng. Thi thoảng khách VIP còn nhận được thẻ nghỉ dưỡng ở những resort, spa sang trọng” chị K. nói.
Ngoài ra, theo nhân viên này, các nhà băng còn có ưu đãi lãi suất gửi tiền, vay vốn, mở thẻ tín dụng, hoàn tiền 2 lần cho các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng hạng Platinium… cho khách VIP.
Theo một nhân viên của nhà băng T, tiêu chí để trở thành khách VIP ở mỗi nhà băng khác nhau nhưng nhìn chung đó là những khách hàng có tiền gửi và số dư vay từ vài tỷ đồng trở lên, tài khoản thanh toán trung bình từ vài trăm triệu đồng… và nhất là không có nợ xấu.
“Để đảm bảo an toàn cũng như phụ thuộc vào mức tiền gửi, mức độ thân thiết của khách VIP mà nhà băng có dịch vụ thu hộ, làm thủ tục tại nhà, khi đó sẽ có ít nhất 3 nhân viên phục vụ cùng lúc. Tuy nhiên có nhà băng không chấp nhận giao dịch tại nhà dù khách có VIP đến đâu vì họ lo ngại rủi ro”, nhân viên nhà băng T. chia sẻ.
Quy trình rút tiền có kẻ hở?
Quay lại vụ bà Chu Thị Bình bị cán bộ Eximbank chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, theo quy định của nhà băng này, khách gửi tiết kiệm muốn rút tiền sẽ phải xuất trình số tiết kiệm, giấy Chứng minh Nhân dân (hoặc hộ chiếu còn hiệu lực) và ký tên vào giấy rút tiền với đúng chữ ký mẫu đã đăng ký tại Eximbank.
Trường hợp rút tiền theo giấy uỷ quyền thì người rút tiền phải cung cấp sổ tiết kiệm, giấy Chứng minh Nhân dân hoặc hộ chiếu và giấy uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải được lập tại Eximbank, nếu không lập tại nhà băng này thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định.
Theo bà Chu Thị Bình, trong suốt quá trình gửi tiền từ năm 2013 đến nay, bà không có nhu cầu cho ai rút tiền từ các tài khoản của mình. Những khi rút tiền sẽ có nhân viên Eximbank mang giấy tờ đến nhà và hướng dẫn bà ký tên để hoàn tất thủ tục tất toán đáo hạn.
Hầu hết quy định dành cho khách hàng rút tiền tiết kiệm tại các nhà băng trên lý thuyết đều có nguyên tắc chặt chẽ, khách hàng phải đầy đủ thủ tục pháp lý cần thiết.
Vậy tại sao khách hàng Chu Thị Bình vẫn bị cán bộ của Eximbank chiếm đoạt số tiền lớn mà không hề hay biết? Phải chăng vì là khách VIP nên bà Chu Thị Bình được phục vụ theo kiểu đặc cách và bị cán bộ nhà băng lợi dụng điều này để cố tình chiếm đoạt tiền?
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, khách VIP của nhà băng thường được nhân viên hỗ trợ khi làm thủ tục, có khi không cần đến nhà băng. Thậm chí nhiều trường hợp khách VIP gửi hoặc rút tiết kiệm, ký giấy tờ liên quan trong phòng riêng của lãnh đạo. Điều này vô cùng nguy hiểm.
Bởi theo chuyên gia này, nhiều trường hợp nhân viên nhà băng không đưa đầy đủ giấy tờ cho khách ký, không nộp tiền vào tài khoản cho khách, nghiêm trọng hơn là đánh tráo hồ sơ. Do vậy, khách hàng cần giao dịch tại quầy có camera giám sát để có bằng chứng khi sự cố xảy ra.
Từ nhiều vụ mất tiền oan của khách hàng khi giao dịch với nhà băng, chuyên gia Bùi Quang Tín khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nên ký sẵn vào chứng từ trống, bảo quản sổ tiết kiệm cẩn trọng, kiểm tra chi tiết nội dung sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi, duy trì một chữ ký cố định, đề phòng rủi ro khi giao dịch trực tuyến…