Sau động đất, quá nửa số nhà cửa ở Nepal chỉ là đống gạch vụn
Tờ The Guardian (Anh) đưa tin cuộc thẩm định của hơn 1.000 kỹ sư với 2.500 tòa nhà trong 4 ngày vừa qua đã cho thấy hơn một nửa không thể sử dụng được nữa và khoảng 1/3 trong số đó cần được tu sửa. Những con số đều vượt qua ngưỡng dự tính ban đầu của chính phủ.
Ông Drubha Thapa, Chủ tịch hiệp hội kỹ sư Nepal nói: “Thiệt hại thật kinh khủng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến hành mở rộng kiểm tra và sẽ có bản đầy đủ trong những ngày tới”.
Chính phủ của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, ước tính khoảng hơn 10 tỷ USD cần để tái thiết xây dựng, sửa chữa sau động đất.
Đến nay, theo báo cáo có khoảng 7.200 người thiệt mạng và hơn 15.000 người bị thương. Con số thực tế này có thể còn cao hơn. Trong đó, có 54 người nước ngoài bao gồm 38 người Ấn Độ, 3 người Mỹ, 1 người Anh và 1 người Pháp.
Ông Tulasi Prasad Gautam nói: “Số người nước ngoài thiệt mạng có thể còn cao hơn. Vẫn còn ít nhất 109 người ngoại quốc mất tích”.
Thảm họa động đất đã khiến hơn 10.000 người mất nhà cửa, phải sinh sống trong những nhà bạt tạm bợ.
Các kỹ sư tiến hành nghiên cứu khu vực ngoại ô, ở những vùng mật độ dân số là thấp nhất, thì sự thiệt hại càng lớn. Hàng trăm ngôi làng ở hai tỉnh Gorkha, Sindhulpalchowk bị phá hủy hoàn toàn. Hai tỉnh này cũng là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.
Krishna Gyawali, tỉnh Sindhulpalchowk nói: “Chúng tôi vất vả lắm mới chỉ đáp ứng yêu cầu 20%. Do giao thông đường bộ bị cản trở, mà trực thăng cũng thiếu, nên việc cứu trợ càng trở nên khó khăn hơn”.
Tuy nhiên, căng thẳng nổi lên giữa cộng đồng quốc tế và Nepal. Ý kiến của một tổ chức cứu trợ chỉ trích: “Họ không có sự phối hợp để làm những việc tốt nhất, cứu người dân nơi đây”.
Nhiều quan chức phương tây cho rằng thủ tướng Nepal, Sushil Koirala cần có nhiều biện pháp để phân phối hàng cứu trợ.
Nhiều ý kiến lo ngại tham nhũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực cứu trợ của các tổ chức. Hiện nay, mặc dù nhiều hàng cứu trợ đã đến thủ đô nhưng vẫn ứ đọng, chưa được phân phát đến nhiều vùng thiệt hại sau thảm họa.
Bên cạnh đó cũng tồn tại những vấn đề ở địa phương, những chính sách đang cản trở sự giúp đỡ của các tổ chức cứu trợ. Tất cả mọi việc đều phải được quan chức địa phương thông qua, rất nhiều tổ chức phi chính phủ đến ứng cứu cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, hôm Chủ nhật vừa qua, sân bay quốc tế duy nhất của Nepal đã ban hành lệnh cấm hạ cánh đối với máy bay chở hàng cứu trợ cỡ lớn vì lo ngại về đường băng.
Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Nepal, ông Mahendra Singh Rawal cho hay “Sân bay đã bị thiệt hại sau trận động đất. Để bảo đảm an toàn cho sự hoạt động của sân bay, lệnh cấm áp dụng với những máy bay kích thước lớn. Những chiếc có trọng tải dưới 196 tấn vẫn được hạ cánh”.
Hơn 4.000 người nước ngoài từ 34 quốc gia đã tham gia vào công tác ứng cứu sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal. Ở phía Bắc tỉnh Rasuwa, một đội cảnh sát đã tìm được thi thể của 50 người, trong đó có những người nước ngoài. Họ bị vùi dâu dưới đất.
Ngôi làng nổi tiếng Langtang bị xóa sổ hoàn toàn sau trận lở tuyết. Tất cả những gì còn lại chỉ là rác, đồ đạc, quần áo. Làng Langtang nằm trên một tuyến đường quan trọng và có 55 nhà khách phục vụ khách du lịch. Hiện, vẫn chưa xác định được bao nhiêu người ở đây khi xảy ra lở tuyết và họ là người nước ngoài hay người địa phương.
Theo Liên hợp quốc, 600 nghìn ngôi nhà tại Nepal đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng. Trận động đất vừa qua làm ảnh hưởng tám triệu người trong tổng cộng 28 triệu người Nepal, với ít nhất hai triệu người đang cần nước, thực phẩm, thuốc và lều trú tạm trong ba tháng tới.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.