Sau cháy Carina Plaza, kiến nghị Thủ tướng về quy hoạch để xe chung cư
Như tin đã đưa, tại hội thảo “Phát triển và quản lý Condotel – Cơ sở pháp lý và thực tiễn” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7/4, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến việc “Chủ các dự án condotel đẩy rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp!”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phát biểu tại hội thảo về Condotel do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7/4 (Ảnh: HC) |
Bên cạnh đó, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Lê Hoàng Châu còn cho biết, HoREA vừa có Công văn số 48/CV-HoREA ngày 5/4/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Công an, Công thương, Tư pháp về việc quy hoạch khu vực để xe nhà chung cư sau khi xảy ra vụ cháy tại chung cư Carina Plaza ngày 23/03/2018.
Theo đó, HoREA nhận thấy vụ cháy tại Carina Plaza ngày 23/03/2018 bắt nguồn từ sự cố phát cháy xe gắn máy Attila trong hầm để xe của chung cư này, sau 09 phút thì cháy lan rộng. Nếu phát hiện kịp thời và xử lý dập lửa ngay trong 09 phút đầu tiên, có thể chỉ bằng 01 bình chữa cháy thông thường, thì đã không gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua.
Do đó HoREA đã tiến hành khảo sát thực trạng khu vực để xe máy, xe ô tô nhà chung cư hiện nay. Kết quả cho thấy, ngoại trừ một số chung cư cũ không có khu vực để xe tập trung, còn phần lớn các tòa nhà chung cư đang bố trí chỗ để xe theo các phương thức: Đặt tại tầng hầm chung cư (chiếm đa số); đặt tại tầng trệt chung cư; đặt tại tầng trệt và vài tầng thấp chung cư; đặt tại một số tầng lầu chung cư (xếp đặt xe tự động).
Trong đó, tỉ lệ xe máy chiếm phần lớn và nhiều trường hợp vượt quá công suất thiết kế khu vực để xe. Có nhiều xe máy đã được sử dụng quá lâu (hết niên hạn sử dụng), xuống cấp, cũ nát, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa dễ bị rò rỉ xăng dầu là nguy cơ tiềm ẩn cháy rất cao trong khu vực để xe.
Đối với khu vực để xe tại tầng hầm chung cư còn có thêm một số hạn chế, tồn tại dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn cháy, nổ như: không khí ngột ngạt, nhiệt độ cao, thậm chí tích tụ nhiều khí gas có thể gây cháy, nổ; xe để lộn xộn, không trật tự, thậm chí nhận giữ thêm nhiều xe quá công suất thiết kế.
Có nơi, cầu thang bộ từ tầng hầm lại được nối liền với thang bộ thoát hiểm căn hộ, không đúng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2010/BXD). Nội quy khu vực để xe không đầy đủ, không cụ thể; không trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ báo cháy, chữa cháy; không bố trí đầy đủ người trực bảo vệ, trực PCCC.
Theo ông Lê Hoàng Châu, qua tham khảo kinh nghiệm quy hoạch đô thị, nhà cao tầng của Singapore, HoREA nhận thấy có 02 phương thức bố trí khu vực để xe có thể áp dụng vào nước ta. Thứ nhất là khu vực để xe của dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, và nếu có xảy ra cháy thì dễ chữa cháy và giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản.
Thứ hai là đối với dự án nhà chung cư, nhà liền kề, không xây dựng tầng hầm thì dành 100% diện tích tầng trệt (tầng 1) của dự án làm khu vực để xe. Mặt bằng lầu 1 (tầng 2) của dự án được bố trí chức năng công viên và lối đi bộ vào nhà.
Bên cạnh đó, tại Công văn 48/CV-HoREA ngày 5/4, HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật liên quan đến đảm bảo an toàn PCCC khu vực để xe của chung cư cao tầng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo trật tự, an toàn khu vực để xe không được vượt quá công suất thiết kế, và phải đảm bảo có người trực bảo vệ, trực phòng cháy chữa cháy 24/7.
HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng" (mới) và sửa đổi, bổ sung "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)" đối với khu vực để xe của nhà chung cư theo hướng nghiêm ngặt hơn, có tính đến thực tế ngày càng có nhiều chung cư trên 30 tầng hiện nay.
Theo đó, HoREA kiến nghị đối với dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới, cần quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, với hệ số sử dụng đất phù hợp, được miễn tiền sử dụng đất diện tích khu vực để xe, để nhà đầu tư có thể thực hiện, thu hồi vốn, không làm tăng giá thành để không ảnh hưởng đến người mua nhà. Tầng hầm chung cư chỉ nên sử dụng để bố trí hệ thống kỹ thuật, hoặc làm các dịch vụ ít có nguy cơ xảy ra cháy nhằm phục vụ cư dân chung cư.
Đối với dự án nhà chung cư, nhà liền kề, không xây dựng tầng hầm thì HoREA kiến nghị bổ sung quy chuẩn xây dựng để khuyến khích chủ đầu tư dành 100% diện tích tầng trệt (tầng 1) của dự án làm khu vực để xe. Mặt bằng lầu 1 (tầng 2) của dự án được bố trí chức năng công viên và lối đi bộ vào nhà.
Đối với khu vực trung tâm đô thị, khu vực chỉnh trang đô thị vẫn tiếp tục cho phép xây dựng chỗ để xe tại các tầng hầm chung cư. Tuy nhiên HoREA kiến nghị cần bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn PCCC khu vực hầm để xe của chung cư (là khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây cháy lớn nhất tại các chung cư) để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng chung cư mới, hoặc nâng cấp, chỉnh trang khu vực hầm để xe tại các chung cư cũ hiện nay.
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định về niên hạn sử dụng xe máy, xe ô tô và có biện pháp xử lý đối với xe máy đã hết niên hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn an toàn, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng.