Sao thằng bé ấy lại giống hệt chồng mình?
Lẽ ra, khi quyết định nhận con nuôi, em phải cùng chồng tìm hiểu, gặp gỡ người cho con, hiểu biết hoàn cảnh của họ.
Chị Hạnh Dung kính mến,
Em là người mẹ không may mắn về đường con cái. Em lấy chồng năm 28 tuổi, nay em 39 tuổi vẫn chưa có con, đã hai lần có thai đều bị hư. Bác sĩ bảo chồng em bình thường, còn em tử cung có vấn đề nên khó đậu thai.
Vợ chồng em đã đổ nhiều công sức vào việc này, chữa chạy ở bệnh viện, đi chùa cầu con… đủ hết. Năm ngoái, mẹ chồng em nói hay là nhận một đứa con nuôi. Mẹ bảo thường vợ chồng khó có con, sau khi nuôi con nuôi, gia đình thêm sinh khí, có thể sinh được con ruột của mình.
Ảnh minh họa |
Em nghe vậy, suy nghĩ rất nhiều. Em thấy mẹ nói cũng có lý, nhất là em đã gần hết thời kỳ sinh nở, nếu mãi vẫn không có con, thì việc có một đứa con nuôi cũng an ủi phần nào. Mẹ nói để mẹ lo mọi chuyện, em cứ tập trung chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Em cũng yên tâm có mẹ và chồng lo việc này nên không hỏi nữa. Một thời gian sau, mẹ em nói đã liên hệ được, xin một bé trai, đã có người đồng ý cho con, người ta chỉ yêu cầu giữ kín danh tính.
Bé về nhà với em được ba tháng nay. Em rất thương bé, chồng em cũng vui, vợ chồng em coi bé như con ruột. Em không nghĩ ngợi gì nhiều, cho tới khi cô Tư lên thăm cháu. Cô Tư là em út của ba em, người ở quê thật thà có sao nói vậy, cô nói ủa sao xin con nuôi mà thấy thằng nhỏ giống chồng em quá vậy? Em giật mình, và thấy cô nói đúng thật. Nhìn thằng bé mới mấy tháng tuổi có nét gì đó hao hao chồng em, từ mắt mũi…
Em hỏi má chồng, má nói đừng lo ra, nghĩ gì đâu, con nít đứa nào cũng giống đứa nào, mà vợ chồng con nuôi nó từ lúc lọt lòng, quen hơi, giông giống vậy thôi. Em hoang mang quá chị ơi, lỡ đâu chồng em ra ngoài quen ai đó, đứa bé này là con anh thì sao…
Thu Muôn (TP. HCM)
Có nên ly hôn khi chồng đưa 'tiểu tam' và con riêng về nhà?
Một khi người đàn ông không thiết tha với những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn cũng trở nên vô ích. Do đó, không cần phải duy trì mối quan hệ cứng nhắc mà trên thực tế chỉ còn là hình thức.
Em Muôn thân mến,
Em đang nuôi dưỡng một đứa bé sơ sinh, quyết định này dù không phải do em khởi xướng, nhưng em đã đồng thuận. Vì vậy, dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, đứa bé cũng không có lỗi. Em phải suy nghĩ kỹ về điều này, để tình cảm của em dành cho bé được trong trẻo, không bị vẩn đục bởi những nghi ngờ, chắc lép của người lớn. Đứa bé có quyền được yêu thương, được có một gia đình ấm áp, gắn bó. Những người lớn, như mình, phải đảm bảo điều này cho bé, em ạ.
Mình cũng có phần nào lỗi ở đây. Lẽ ra, khi quyết định nhận con nuôi, em phải cùng chồng tìm hiểu, gặp gỡ người cho con, hiểu biết hoàn cảnh của họ, thậm chí ngay cả khi họ muốn giữ kín danh tính với người ngoài, mình cũng phải biết, phải có cách liên lạc, phòng khi sau này đứa bé muốn tìm cha mẹ ruột cũng không đến nỗi đứt đoạn, thất lạc nhau.
Mình đã ỷ y, phó thác tất cả mọi chuyện cho mẹ, đến bây giờ nghe lời nhận xét bất kỳ cũng lại sinh lòng nghi ngờ, vậy là mình chưa tin mẹ hết lòng. Thử đặt mình vào hoàn cảnh mẹ chồng em, em sẽ thấy là dù có chuyện gì cũng rất khó nói.
Hãy thử đặt giả thuyết xấu nhất: đứa bé là con của chồng em và người tình, thì việc em đang nuôi nó cũng chứng tỏ người phụ nữ kia đã phải từ bỏ quyền làm mẹ, để đứa con được thu xếp về với người vợ danh chính ngôn thuận. Đây vẫn là một giải pháp không tệ. Với điều kiện hiện nay, em hoàn toàn có thể lấy mẫu, kiểm tra so sánh ADN của chồng em và đứa bé mà không để cả hai người biết.
Trên kết quả ấy, em sẽ quyết định một cách xử sự cụ thể. Dù gì đi nữa, việc đã thu xếp ra vầy, người phụ nữ kia đã chấp nhận, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, người vị tha sẽ để cho chuyện lui vào quá khứ. Nuôi dạy một đứa con không phải chuyện đơn giản, nếu đã quyết, hãy hết lòng. Chúc em vượt qua những hoang mang này và thực sự có niềm hạnh phúc được làm mẹ.
Hạnh Dung
Theo PNO