Sản xuất, đánh bắt thủy sản “gánh” rủi ro lớn nhất
Con số trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 diễn ra sáng 27/6.
Bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2011, chương trình bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Phần lớn số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp trong 3 năm qua chi cho thủy sản |
Với những hộ nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm khi tham gia chương trình thí điểm. Các đối tượng khác, mức độ hỗ trợ dao động từ 20 đến 80%.
Qua 3 năm triển khai thí điểm tại 20 tỉnh thành, tới nay đã có 304.017 hộ nông dân/tổ chức tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó có tới 76,8% hộ nghèo tham gia, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 15,1% và chỉ 8,1% hộ thường tham gia. Nghệ An là tỉnh có số lượng hộ tham gia bảo hiểm nhiều nhất chiếm 50,3%, tiếp đó là Thái Bình, Nam Định...
Tổng giá trị được bảo hiểm nông nghiệp trong 3 năm qua khoảng là 7.747,9 tỷ đồng, trong đó cây lúa là 2.151 tỷ đồng, vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394.000 triệu đồng, trong đó, thủy sản là 218.175 triệu đồng (chiếm 55,37%); cây lúa là 91.919 triệu đồng (chiếm 23,33%); vật nuôi là 83.906 triệu đồng (chiếm 21,3%). Tính tới thời điểm 20/6, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 178,1%), trong đó bồi thường dành cho lĩnh vực thủy sản là 669,5 tỷ đồng chiếm 95,4%, cây lúa là 2,7% và vật nuôi chiếm 1,9%.
Tuy vậy, do bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, nên trong 3 năm triển khai thí điểm vẫn còn vướng một số khó khăn, như phạm vi địa bàn khá rộng, đặc điểm canh tác, nuôi trồng ở các địa phương cũng có sự khác nhau, bệnh dịch, thiên tai xảy ra nhiều. Đối tượng hộ thường tham gia bảo hiểm chưa nhiều, chủ yếu vẫn là hộ nghèo và cận nghèo. Điều này phần nào đã gây khó khăn trong việc lấy số đông bù rủi ro theo quy tắc bảo hiểm.