Sản lượng thịt hơi đã tăng gấp 5 lần
Sản lượng thịt hơi đã tăng gấp 5 lần
Về sản xuất, số lượng, sản lượng nhiều loại lương thực, thực phẩm năm 2010 cao gấp nhiều lần năm 1986.
Sản lượng lương thực, thực phẩm năm 2010 tăng nhiều lần so với năm 1986. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng thịt hơi xuất chuồng trong 24 năm qua, tính từ năm 1996 đến 2010 đã tăng 4,9 lần. Sản lượng thủy sản tăng hơn 7 lần, lương thực có hạt tăng 2,7 lần, ngô tăng hơn 8 lần...
Sản lượng nhiều loại cây, con đã đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà nước đã bãi bỏ việc phân phối định lượng lương thực, thực phẩm theo tem phiếu từ một phần tư thế kỷ; tỷ lệ hộ đói hầu như không còn, ngay tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh,…
Lương thực không những đủ hàng ngày mà còn được dự trữ ở trong dân và dự trữ của Nhà nước. Nhiều loại lương thực, thực phẩm không những đáp ứng được nhu cầu ở trong nước, mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới.
Từ 1989 đến hết tháng 6/2011, Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 81 triệu tấn, thu về được trên 24,2 tỷ USD.
An ninh lương thực đã góp phần ổn định ở trong nước, ứng phó với các bất ổn ở bên ngoài, góp phần để đất nước chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
An ninh lương thực không chỉ liên quan đến những mặt hàng thiết yếu nhất của con người, đến lạm phát (chiếm trên 40% tổng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của các gia đình; đối với người nghèo, người thu nhập thấp, tỷ trọng này còn cao hơn nhiều). Tác động này còn có ý nghĩa rộng hơn, cao hơn, sâu hơn đến bất ổn xã hội, đến khủng hoảng kinh tế- xã hội, như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, vẫn cần được đặc biệt quan tâm. Cảnh báo này xuất phát từ một số vấn đề sau đây.
Thứ nhất, bên cạnh một số loại lương thực, thực phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn, thì Việt Nam cũng còn nhập khẩu một số loại lương thực, thực phẩm hoặc sản phẩm có liên quan, với khối lượng không nhỏ.
Thứ hai, ngay cả khi an ninh lương thực được coi là bảo đảm, thì ở một số địa phương, ở một số thời điểm vẫn xảy ra các cơn sốt giá cục bộ, thậm chí trên diện rộng, như cơn sốt giá lương thực vì tin đồn thất thiệt vào năm 2008, đợt tăng giá tương đối dài của thực phẩm thời gian qua làm cho CPI của tháng 7 cao hơn của tháng 6, làm cho khả năng thực hiện mục tiêu điều chỉnh trong cả năm (15- 17%) của Chính phủ trở nên khó khăn hơn.
Thứ ba, hiện đang có những yếu tố tác động tiêu cực đến an ninh lương thực. Diện tích gieo trồng lúa đã bị giảm qua các năm: nếu năm 2000 còn ở mức 7,67 triệu ha thì năm 2005 còn gần 7,33 triệu ha, năm 2007 còn 7,2 triệu ha… Dân số sau một số năm tăng thấp, theo dự báo có thể tăng cao trở lại.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Đặc biệt theo cảnh báo, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng.
Một điểm cần chú ý là có nhiều nước vẫn cần nhập khẩu lương thực do diện tích trồng lương thực bị giảm, tổng sản lượng giảm, bình quân lương thực đầu người giảm xuống còn dưới 300 kg (như Trung Quốc, Indonesia 270 kg, Philippines 215 kg, CHDCND Triều Tiên trên 170 kg, Iraq 51 kg, Cuba 50kg…), trong khi nhu cầu nhập gạo của các nước này và châu Phi,… đang trong xu hướng gia tăng.
Tất cả những yếu tố trên cảnh báo nước ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực ngay từ bây giờ bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương và người dân. Giảm thiểu việc chuyển đất trồng cây lương thực, nhất là đất trồng lúa sang làm việc khác.
Trong đó cần chú trọng chăn nuôi, nhất là nuôi lợn và tăng cường dự trữ lương thực để đề phòng thiên tai dịch bệnh. Cải thiện và nâng cấp hạ tầng cơ sở ở nông thôn, nhất là hệ thống đê sông, đê biển, công trình thuỷ lợi,... Khôi phục sản xuất vụ đông.
Hàng năm cần điều tra để lập cân đối giữa sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và dự trữ lương thực. Trước mắt, cần rất thận trọng khi xuất khẩu gạo bởi nhu cầu thế giới đang rất lớn, bởi giá gạo vẫn đang có xu hướng tăng rất cao, nếu bán sớm có thể bị hớ, nếu diễn biến thời tiết, sâu bệnh phức tạp khó lường thì trở tay không kịp, vì đã nhiều năm được mùa giá cả rẻ, nông dân đã bỏ thói quen “tích cốc phòng cơ”.
Một điều quan trọng khác là Nhà nước cần hỗ trợ nông dân vốn để tránh phải “bán lúa non” nhằm giải quyết tận gốc tình trạng này.
Theo Chinhphu.vn