Samsung không muốn là “nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”
Đó là chia sẻ của ông Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam tại Hội thảo “Tự hào hàng Việt Nam” kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá từ sản xuất tới siêu thị” diễn ra vào sáng 31/7 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Samsung phối hợp tổ chức.
Vừa qua, Samsung đã lựa chọn được hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung. |
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nêu ý kiến: “Hàng Việt không chỉ sản xuất bởi công ty 100% vốn Việt Nam mà còn là hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam của những doanh nghiệp nước ngoài. Đây là quan điểm cần nhất quán để không chỉ ở chủ trương, chính sách mà hành động cụ thể không có sự phân biệt giữa hàng hoá 100% vốn Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài”.
Ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng cho biết trong năm 2014 vừa qua 1/3 tổng sản lượng điện thoại toàn cầu của Samsung Điện tử được sản xuất tại Việt Nam và những sản phẩm này được bán ra đến 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nhờ đó kinh ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong năm 2014 đạt con só 26,3 tỷ USD, chiếm 17,5% kim ngạch xuất khẩu của các nước.
“Việt Nam và Samsung giờ đây đã trở thành người một nhà”, ông Han Myoung Sup nói.
Cũng theo Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Samsung không muốn chỉ được gắn liền với danh xưng bên ngoài là “nhà đầu tư lớn nhất”, “doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất” tại Việt Nam mà họ muốn được gọi với cái tên là “doanh nghiệp quốc dân Việt Nam”.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện nhiều hành động như tìm kiếm đối tác Việt Nam để nuôi dưỡng ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến sản phẩm của Samsung, đào tạo nhân lực nghiên cứu vì những mục tiêu trên”, ông Han Myoung Sup khẳng định.
Cũng theo ông Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ngày 15/7 vừa qua trong cuộc triển lãm về ngành công nghiệp phụ trợ của Samsung, có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đã đến cùng tư vấn và tham gia để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Thông qua buổi triển lãm rất nhiều công ty muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung và họ đã lựa chọn khoảng 46 DN có thể đáp ứng yêu cầu. Hiện tại vendor cấp 1 và cấp 2 của Samsung có 42 doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Mới đây thêm 46 doanh nghiệp nữa, như vậy tổng cộng có 88 doanh nghiệp VN sẽ tham gia vào công nghiệp hỗ trợ của Samsung.
Tuy nhiên, ông Han Myoung Sup cho biết, tất cả điện thoại của Samsung yêu cầu rất cao. Những phần sản xuất chính, cốt lõi của điện thoại thì doanh nghiệp VN chưa thể tham gia. Song ông cũng hi vọng trong thời gian tới có thể sử dụng được linh kiện do chính các công ty Việt Nam sản xuất.
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng không nên phân biệt hàng của DN trong nước và FDI vì những sản phẩm đầu tư nước ngoài với điều kiện như cơ sở hạ tầng, điện, chi phí giao thông của Việt Nam; sản phẩm góp phần GDP, xuất khẩu của Việt Nam thì không có lý gì coi đó là hàng ngoại.
“Sản phẩm của FDI cũng là sản phẩm của Việt Nam, giống như Tổng giám đốc Samsung đã nói Samsung không phải là doanh nghiệp nước ngoài nữa mà trở thành doanh nghiệp của VN, sản xuất tại VN”, GS.TS Nguyễn Mại nói.
“Lãnh đạo Samsung có nói với tôi, tất nhiên họ đến vì lợi nhuận nhưng về lâu dài họ không coi đấy là mục tiêu duy nhất mà họ coi đóng góp cho nền kinh tế VN mới là quan trọng. Chính vì vậy nếu sau này họ không ở lại đây thì họ cũng để lại cho chúng ta những cái mà VN cần”, TS. Mại cho biết thêm.
Hơn nữa theo GS.TS Nguyễn Mại, sắp tới VN sẽ ký 13 FDI, 2015 là năm VN ra “biển khơi”, vì vậy chúng ta phải có nhãn quan tầm thế giới, không nên phân biệt DN trong nước và nước ngoài. Quan trọng phải kết nối hai DN này lại để tạo sức mạnh tổng hợp với nền kinh tế hội nhập.
Hiện nay bộ Công thương đã gần như hoàn chỉnh chính sách về công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có nhiều ưu đãi và quỹ hỗ trợ cung ứng khoảng 3.500 tỷ đồng cho các DN Việt làm công nghiệp hỗ trợ với lãi suất bằng 80% lãi suất thị trường.
“Hôm nay giám đốc Samsung nói với tôi sang năm 2016 sẽ có ít nhất là 30- 40 doanh nghiệp Việt làm cho Samsung. Nếu khởi đầu này thuận lợi thì chỉ trong vài 3 năm chúng ta sẽ có hàng trăm doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp dám tự tin đầu tư cùng với những chính sách của nhà nước thì chắc chúng ta có thể làm công nghiệp hỗ trợ được”, GS.TS Nguyễn Mại nói.
Song ông Mại cũng cho rằng để làm vendor cấp 1 cho Samsung phải có vốn hàng hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD. Câu chuyện VN có làm được vendor 1 hay không, ông cho rằng chỉ một số đại gia có thể làm được còn doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm được vệ tinh cho các vendor số 1, số 2.
Nói về doanh nghiệp FDI và công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết thêm, hiện nay đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 20- 25% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, bổ sung nguồn lực quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nó chiếm khoảng 70 % tỷ lệ xuất khẩu, 18-20% GDP của Việt Nam và trên 20% doanh thu ngân sách.
Trong thời gian tới Chính phủ VN sẽ chuyển hướng đầu tư nước ngoài mang tính dàn trải nặng về số lượng sẽ tập trung vào dự án có chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng từ VN, tăng thêm giá trị tại VN. Một trong những lĩnh vực ưu tiên là phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục đầu tư nước ngoài trong tổng số 260 triệu USD được đầu tư vào VN chỉ có trên dưới 10 tỷ USD vào công nghiệp phụ trợ.
“Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất hải ngoại lớn nhất của tập đoàn Samsung. Hơn 5 dự án của họ tại nước ta đã chiếm hơn 13 tỷ đô. Ngoài Samsung có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư vào Việt Nam. Hi vọng công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển tốt đẹp hơn, với sự ủng hộ của cộng đồng”, ông Quang nhấn mạnh.