Sách Việt thêm cơ hội “xuất ngoại”
Hội chợ sách FrankFurt 2015 tại Đức vừa qua là một bước ngoặt đối với ngành xuất bản ASEAN và Việt Nam bởi lần đầu tiên có 1 nước ASEAN (Indonesia) là khách mời danh dự, và có 1 diễn giả từ Việt Nam được mời nói chuyện tại Hội nghị Giám đốc Bản quyền Thế giới (TS Văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books).
Xuất ngoại sách, mới dừng ở mức “chào mời”
Việc xuất ngoại sách Việt Nam có thể chia làm 2 dạng: bán bản quyền sách của tác giả Việt Nam ra nước ngoài (thường là bản dịch tiếng Anh, Nhật...), và xuất khẩu sách tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Nhìn nhận khách quan về hoạt động xuất ngoại sách Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Alpha Books chia sẻ: “Vừa qua, lác đác một vài cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần... đã bán được bản quyền ra nước ngoài. Một công ty sách ở Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với nhiều nhà văn trẻ để làm đại diện cho họ trong việc bán bản quyền sách. Công ty này cũng tham dự một số Hội chợ sách quốc tế để chào bán bản quyền Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn còn là những hoạt động chào mời, thăm dò nên chưa có kết quả cụ thể”.
“Việc xuất khẩu sách tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng rất khó khăn. Gần đây, bộ sách minh họa lịch sử và truyện cổ tích Việt Nam bằng tranh phiên bản điện tử liên kết giữa Viettel Telecom và Nhà xuất bản Kim Đồng đã chính thức được phân phối tại các kênh bán sách có uy tín trên thế giới như iBooks, Barnes and Noble, Google… và hệ thống thư viện tại Mỹ. Đây là một trường hợp khá điển hình. Còn nhìn chung, hoạt động xuất ngoại sách Việt trong thời gian vừa qua khá yếu và lẻ tẻ”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định.
Hội chợ sách FrankFurt 2015 tại Đức vừa qua là một bước ngoặt đối với ngành xuất bản ASEAN và Việt Nam |
Phân tích rõ hơn những điểm hạn chế trong hoạt động xuất ngoại sách Việt Nam, Tổng Giám đốc Alpha Books cho rằng, lý do đầu tiên và lớn nhất là cản trở về ngôn ngữ. Điều đó khiến các tác phẩm gây tiếng vang tại Việt Nam ít được giới thiệu rộng rãi ra thế giới và rất khó bán bản quyền sách ra thị trường nước ngoài. Đồng quan điểm, bà Trần Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thái Hà Books cũng cho rằng: Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Malaysia có thể xuất bản bằng tiếng Anh dễ dàng, trong khi tại Việt Nam, sách tiếng Anh vẫn khó tìm được thị trường để tồn tại.
Tăng cơ hội xuất ngoại sách
Những ngày gần đây, dồn dập thông tin Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định và gia nhập các tổ chức quốc tế được đăng tải trên các kênh truyền thông, đáng chú ý nhất là TPP và AEC.
“Tất cả những hiệp định và bước đi hội nhập này tạo ra nhiều ràng buộc, và biên giới về xuất bản được dỡ bỏ. Khi đó, chúng ta có thêm cơ hội, thúc đẩy sự hội nhập của ngành xuất bản Việt Nam với khu vực và thế giới. Chính sự hội nhập này tạo cơ hội cho các tác giả Việt trong việc tiếp cận với các đơn vị xuất bản nước ngoài tại Việt Nam và thế giới. Từ đó, cơ hội xuất khẩu sách sẽ nhiều hơn”, bà Trần Phương Thảo khẳng định.
Cơ hội xuất ngoại sách Việt nhiều hơn đã hiện ra khá rõ trước mắt. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được cơ hội đó, theo bà Trần Phương Thảo, ngành xuất bản Việt Nam phải thực sự chủ động hội nhập. Cần tìm kiếm và khai thác các mảng sách mới để xuất bản. Muốn tìm ra sản phẩm mới thì phải có tư duy cởi mở, tư duy mới, phải đi nước ngoài. Việc này đòi hỏi phải có kinh phí, ngoại ngữ giỏi và cả sự nhạy cảm của người làm sách.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, cần có sự định hướng rõ ràng của nhà nước về vấn đề xuất ngoại sách Việt. “Vừa qua, Chính phủ Indonesia đã bỏ ra 1 triệu đô la Mỹ để dịch những tác phẩm xuất sắc của nước mình ra tiếng Anh. Indonesia cũng đã bỏ tiền để trở thành khách mời tại Hội chợ sách lớn nhất thế giới - Frankfurt 2015 nhằm mục đích giới thiệu về ngành xuất bản và đẩy mạnh xuất khẩu các tác phẩm của Indonesia”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh gợi ý một mô hình mà Việt Nam có thể học tập.
Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra nhiều ngôn ngữ |
“Trước mắt, hiệu quả kinh tế của việc xuất ngoại sách Việt sẽ không cao. Nhưng điều quan trọng hơn, chính là giới thiệu được văn hoá, đất nước Việt Nam đến với thế giới, điều mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... đã làm rất thành công. Nếu làm tốt được việc này, chúng ta có thể góp phần thúc đẩy một số ngành kinh tế như: du lịch, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định về tác dụng của việc đẩy mạnh xuất ngoại sách Việt Nam ra thế giới.
“Chúng ta cần thông qua sách và các xuất bản phẩm để mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Sách là tri thức, là trí tuệ, bao trùm lên mọi lĩnh vực của cuộc sống, là thước đo văn hóa của cả một dân tộc. Nếu chúng ta ý thức được vai trò của Sách và Tri thức, chắc chắn khoảng cách văn minh giữa Việt Nam và thế giới sẽ mau chóng được thu hẹp”, bà Trần Phương Thảo cũng cùng chung quan điểm.