S-Fone sa thải toàn bộ nhân viên
S-Fone sa thải toàn bộ nhân viên
Theo phản ánh của số nhân viên này họ là những nhân viên đã từng công tác tại Chi nhánh Trung tâm S-Fone Đà Nẵng, ngày 1/3/2012, số nhân viên này nhận được thông báo thuộc diện bị thôi việc do tái cơ cấu công ty. Theo đó, Công ty thông báo là đến ngày 15/4/2012 sẽ hoàn tất thanh lý hợp đồng lao động. Nhưng sau đó, Công ty lại 2 lần ra thông báo trì hoãn việc thanh lý hợp đồng, lần thứ nhất là đến 31/5/2012 và lần thứ hai lại tiếp tục trì hoãn đến 11/6/2012 với lý do là để Công ty có thời gian sắp xếp thanh toán Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản công nợ với người lao động theo đúng Luật Lao động và Luật BHXH.
Cựu nhân viên S-Fone Đà Nẵng tập trung tại Chi nhánh SPT Đà Nẵng sáng 13/7 để yêu cầu được trả nợ. Ảnh: Đắc Mạnh |
Tuy nhiên, cho đến nay, sau thời điểm Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hứa thanh toán chế độ chính sách cho người lao động, họ vẫn chưa nhận được gì. Ngày 11/06/2012, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đồng loạt với số nhân viên này.
Theo Điều 3 của Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mà Giám đốc điều hành Trung tâm điện thoại di động CDMA (S-Telecom thuộc SPT) Phạm Tiên Thịnh ký có quy định: “Phòng Nhân sự/phòng Hỗ trợ và phòng Kế toán có trách nhiệm giải quyết các chế độ thôi việc cho Ông/Bà có tên nêu tại Điều 1 theo đúng pháp luật lao động và các quy định hiện hành của Trung tâm”. Tuy nhiên, đến thời điểm này SPT vẫn “biệt vô âm tín” chưa thanh toán cho số nhân viên bị thôi việc bất cứ khoản nào.
Trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty mới chỉ trả lương cho số nhân viên này đến ngày 15/4/2012. Tính đến thời điểm công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, hàng tháng Công ty vẫn khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ lương của họ nhưng trên thực tế Công ty mới chỉ đóng BHXH đến tháng 1/2010. Do đó, quyền lợi của người lao động tại S-Fone Đà Nẵng bị thiệt hại. Họ không nhận được trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, không được khám chữa bệnh bằng thẻ y tế và không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản.
Chị Bích Thảo, trú tại Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết: chị là nhân viên giao dịch của S-Fone Đà Nẵng với thời gian làm việc là 4 năm, bị Công ty cho thôi việc từ tháng 6/2011, tuy nhiên cho đến thời điểm này, chị cũng chưa nhận được bất kỳ chế độ thanh toán nào từ S-Fone Đà Nẵng.
Chị Đ.T.H.P trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết: từ 15/11/2011, chị P đang nghỉ chế độ thai sản thì nhận được thông báo thôi việc của S-Fone Đà Nẵng, cùng với gần 10 chị em khác. Mặc dù, biết điều đó là không đúng theo qui định của pháp luật, nhưng Chị P đã “thiện chí” chia sẻ khó khăn với Công ty nên sẵn sàng chấp thuận với yêu cầu thanh toán đầy đủ các chế độ thai sản và các chế độ bảo hiểm khác theo qui định của Luật Lao động, nhưng đến thời điểm này sau nhiều lần hứa suông của Công ty, chị P vẫn chưa nhận được chế độ nào.
Trước những bức xúc của số nhân viên này, PV ICTnews đã gọi điện vào các số máy có trách nhiệm để nhân viên S-Fone liên hệ là bà Phùng Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Kế toán, phụ trách công tác nhân sự Khu vực 3 và bà Lê Hà Thị Mai Thảo, Giám đốc khối nhân sự, hành chính….nhưng đều không liên lạc được. ICTnews cũng đến Văn phòng Chi nhánh SPT Đà Nẵng thì cũng bị từ chối vì “không có người chịu trách nhiệm giải quyết”.
Đ.H