Rừng có thể trồng ngay tại khu đô thị, khu dân cư?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Giáo lý của đạo phật là chặt cây cũng bị coi sát sinh như giết người |
"Rừng là lá phối rất lớn cho chúng ta, bất cứ thời đại nào cũng phải giữ rừng. Do vậy ông cha ta có câu rừng vàng biển bạc, thế nhưng hàng ngày vẫn thấy hình ảnh lâm tặc phá hoại rừng thấy cảm thấy xót xa. Trách nhiệm bảo vệ rừng ở điều 52, chúng tôi đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm là của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã. TP chúng ta dư luận đang quan tâm với hàng triệu cây đang phát triển xanh tốt. Chúng tôi thấy rằng không phải chỉ là là rừng đặc dụng mà mỗi nhà dân, làng xóm, phố phường phải trồng thêm cây" - ĐBQH Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) nói.
"Mấy hôm nay chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời khác nhau giữa bóng cây thế nào. Như thế cho thấy tác dụng lớn của cây xanh".
ĐBQH Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh: "Chúng tôi rất mong tất cả chúng ta đều phải bảo vệ môi trường, bảo vệ cho cuộc sống chúng ta, bảo vệ cho bầu khí quyển, cho trái đất vì vậy nên phát động trồng cây. Mỗi người trồng một cây, thì các khu đô thị, cao ốc đều phủ màu xanh của cây cối. Rừng không phải rừng đặc dụng, rừng sản xuất mà rừng còn có thể trồng ngay trong các khu đô thị, khu dân cư".
Cũng góp ý về dự án luật này, thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (ĐB Hà Giang) cho biết: Ở Hà Giang, 4 huyện vùng cao là núi đá, nước không có, khí hậu thì khắc nghiệt. Ngày xưa có những loại cây rừng như cây nghiến, cây đinh, cây trai, thông đá… toàn là gỗ quý. Nhưng dân mình không giữ được, phá hết. Đưa các loại cây khác đến trồng cũng không lên được.
Các khu vực rừng đặc dụng, theo quy định của pháp luật là không được bố trí dân cư ở gần. Nhưng ở Hà Giang, người đông, đất ít. Trên núi nhiều đá cũng không ở được. Rừng đặc dụng có một chút đất. Không ai bỏ cuộc sống được, ai cũng phải kiếm kế sinh nhai. “ Người ta ở gần đặc dụng từ xa xưa rồi. Chúng tôi vào bảo sao lại không giao cho dân, lại để thế này. Thế là cha chung không ai khóc. Ai phá thì cứ phá, giữ thì chả có cơ sở. Kiểm lâm vào giao một số cây nhưng không có văn bản và chế độ kèm theo nên không giữ được. Có những thời kỳ ở Hà Giang “người ta” thu mua gỗ để phá hoại mình. Dân mình chỉ đi vác một cục gỗ 3-40 cân bán là mua được cái điện thoại 1-2 triệu rồi. Nhưng dân đi làm cả năm không mua được. Chính cái đó khuyến khích lâm tặc đi phá rừng. Phá kinh khủng”- ĐB Sùng Thìn Cò nêu.
ĐB Sùng Thìn Cò cho biết, để giữ rừng không dựa vào dân thì không giữ được. Theo đó, “nếu chúng ta có biện pháp, giải pháp cụ thể tuyên truyền cho nhân dân thì mới được. Tôi đã nghĩ những cây nghiến to và rừng giờ ở nước ta không nhiều, không mênh mông như ở Lào, phải đánh số thứ tự, giao cho dân, kiểm tra định kỳ và để dân quản lý. Hàng triệu năm mới có những cây như thế. Đất nước mình nhỏ bé, mật độ dân số thì thuộc lại đông trên thế giới. Phải có các giải pháp cụ thể nếu không chỉ là hô khẩu hiệu thôi”- ĐB Sùng Thìn Cò nhấn mạnh.