Rủi ro lạm phát từ giá thịt lợn có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2020 giảm nhẹ
GDP 2020 tăng khoảng tăng khoảng 6,8-7%
Trong cơ cấu GDP của Việt Nam hiện nay, nếu nhìn từ phía cung, khu vực công nghiệp- xây dựng và khu vực dịch vụ đang là hai cấu thành chiếm tỷ trọng lớn nhất (lần lượt đạt 35% và 41%).
Trong các năm qua, hai khu vực trên cũng có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với mức tăng của GDP chung, trong đó nổi bật nhất là các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Nếu nhìn từ phía cầu, trong cấu thành GDP của Việt Nam, chi tiêu hộ gia đình và đầu tư tài sản cố định hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (lần lượt đạt 67% và 24%).
Tuy chi tiêu hộ gia đình đã ở mức khá cao so với các nền kinh tế khác, tuy nhiên nhờ sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong các năm tới.
Trong các năm qua, đầu tư tài sản cố định và chi tiêu hộ gia đình cũng là những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng GDP chung.
Nhìn về phía cung, khu vực kinh tế FDI đóng góp khoảng 20% trong tổng quy mô GDP của Việt Nam, đồng thời tăng trưởng của khu vực kinh tế này cũng luôn cao hơn rất nhiều tăng trưởng GDP chung.
Dự báo các chỉ tiêu kinh tế của BVSC. |
Theo BVSC, do tăng trưởng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2018 và 2019 có xu hướng giảm nên tăng trưởng của khu vực kinh tế FDI trong một vài năm tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, qua đó đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP chung cũng sẽ ở mức thấp hơn.
Nhìn từ phía cầu, có hai khó khăn chính đối với tăng trưởng GDP năm 2020. Thứ nhất là kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, khiến xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Trung Quốc, Nhật Bản gặp khó khăn.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ khó tăng mạnh như năm 2019 (30%) do các biện pháp thắt chặt xuất xứ hàng hóa và rủi ro Việt Nam bị chính quyền Tổng thống Trump “để mắt” tới khi có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước, thể hiện qua doanh số bán lẻ có thể sẽ tăng thấp hơn năm 2019 (9-10%) do lạm phát bật tăng.
Yếu tố hỗ trợ đối với GDP là vốn đầu tư toàn xã hội dự báo sẽ tăng (đạt khoảng 13%), với sự cải thiện của giải ngân vốn đầu tư công trong khi vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI dự báo vẫn duy trì ở mức như năm 2019.
Từ những nhận định trên, BVSC đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ giảm tốc nhẹ so với 2019 với mức tăng khoảng 6,8-7%.
Rủi ro lạm phát đến từ giá thịt lợn
Theo BVSC, giá nhóm hàng thịt lợn tăng cao do dịch bệnh là một rủi ro lớn đối với lạm phát 2020. |
Từ năm 2014 tới nay, CPI tăng ổn định dưới 5% nhờ tăng trưởng tín dụng và M2 ổn định từ 15-20%. Năm 2019-2020, tăng trưởng tín dụng và M2 tiếp tục dao động trong khoảng trên nên rủi ro lạm phát tiền tệ là không lớn. Trong khi đó, mức tăng lương 2020 ở mức thấp (7,3%) nên rủi ro lạm phát do cầu kéo cũng không cao.
Tuy vậy, giá nhóm hàng thịt lợn tăng cao do dịch bệnh là một rủi ro lớn đối với lạm phát 2020. BVSC dự báo mức tăng CPI sẽ ở mức đặc biệt cao (5-5,5%) trong nửa đầu năm 2020 trước khi hạ nhiệt dần về cuối năm.
Trong năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý. Năm 2019, giá nhóm hàng giáo dục tăng 6%, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 8%.
Theo lộ trình, giá khám chữa bệnh 2018-2020 sẽ bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý; đến năm 2020-2021 sẽ tính thêm cả chi phí khấu hao.
Theo tính toán, việc điều chỉnh giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý sẽ khiến CPI tổng thể tăng khoảng 1% trong năm 2020. Cùng với yếu tố giá thịt lợn, BVSC dự báo CPI vào cuối năm 2020 sẽ ở mức 2-6% trong khi CPI trung bình cả năm 2020 sẽ dao động quanh 4%.