Rốt ráo xử lý nợ xấu ngân hàng
Rốt ráo xử lý nợ xấu ngân hàng
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 27/5.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Tiền trong hệ thống dồi dào nhưng giải ngân lúc nào, đối tượng DN nào phải theo đúng tinh thần tái cơ cấu nền kinh tế, DN Ảnh: Hoài Thu |
Lạm phát 2012 sẽ ở mức 7-8%, GDP 6%
Thay mặt Chính phủ, đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, tháng 5/2012 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối năm 2011. Hàng tồn kho có xu hướng giảm dần. Thị trường trong bước bắt đầu có chuyển biến với tốc độ tăng cao hơn so với 2 tháng đầu năm.
“Kỳ họp lần này Chính phủ đã phân tích rất kỹ cho thấy chúng ta đã đi đúng, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kiềm chế lạm phát ở Việt Nam, kinh tế Việt Nam đã đi vào ổn định”- Bộ trưởng Vũ Đức Đam đánh giá.
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cũng thừa nhận, kinh tế trong nước nổi lên một số khó khăn cần giải quyết, như: tăng trưởng kinh tế thấp; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua). Mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, DN khó tiếp cận vốn.
Hiện nay lạm phát giảm quá sâu, ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng. Nhiều tổ chức nước ngoài dự báo mức lạm phát của Việt Nam rất thấp, chỉ 4-5% nhưng mục tiêu của Chính phủ cố gắng ở mức 9% để tránh nền kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ.
Căn cứ vào tình hình nền kinh tế hiện tại, có ba kịch bản cho tăng trưởng: nếu điều kiện cho phép thì phấn đấu đạt GDP trên 6%, điều kiện bình thường thì đạt 6%, còn nếu điều kiện như hiện nay thì dưới 6%.
“Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn nội tại, đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan và khẳng định quyết tâm kiên trì giữ vững các mục tiêu đã đề ra cho năm 2012. Nếu GDP khoảng 6%, lạm phát ở mức 7-8% cũng hoàn toàn phù hợp và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội theo kế hoạch đề ra từ đầu năm” – người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Xử lý tận gốc nợ xấu
Một loạt những giải pháp căn cơ nhằm “cứu” DN đã được Chính phủ đề ra và rốt ráo thực hiện. Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Quốc hội về gói hỗ trợ DN: giảm thuế TNDN năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa, không bao gồm các DN kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng…; miễn thuế khoán, thuế TNCN, thuế TNDN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên…Đồng thời, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… nhằm tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của DN.
Bộ trưởng Đam nhìn nhận, trong khi DN đang khó khăn thiếu vốn thì trong ngân hàng (NH) không hề thiếu. Tăng trưởng tín dụng trong hệ thống NH vẫn âm, so với mục tiêu 15-17% trong năm 2012 dư địa tín dụng mỗi tháng còn hơn 2%.
Nợ xấu trong hệ thống NH phải được giải quyết triệt để |
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến bổ sung, tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,42% so với cùng kỳ 2011.
“Lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao, chắc chắn thời gian tới phải giảm thêm nữa. Tiền có, nhưng không phải chúng ta bơm tiền một cách tràn lan. Mà bơm tiền vào DN nào, ngành nghề nào đều phải đúng, trúng địa chỉ, đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế, DN” – Bộ trưởng Đam lên tiếng.
Về điều hành tiền tệ thời gian tới, Phó thống đốc cho biết thêm, NHNN đang chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các NH và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… cho các DN, nhất là các DN có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời, nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Lãi suất sẽ hạ dần phù hợp với mức giảm của lạm phát đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7-8%).
Kiên quyết đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Điều hành mức cung ứng tiền và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay tới cuối năm, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại. Ổn định tỷ giá ngoại tệ và tăng dần dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Thu Hoài