Ra "tối hậu thư" thúc EVN thoái vốn khỏi ngân hàng, chứng khoán
Chỉ đạo này được “tư lệnh” ngành công thương đưa ra tại Hội nghị tổng kết kế hoạch thực hiện năm 2014 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của EVN ngày 13/1.
Cho rằng quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán đang diễn ra chậm, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng “thúc” EVN phải đẩy nhanh quá trình này trong 2015.
Tính tới hiện tại, tỷ lệ sở hữu của EVN tại NHTMCP An Bình (ABBank) là 16%; số vốn góp của EVN vào Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) hơn 100 tỷ đồng. Riêng với cổ phần của EVN nắm giữ tại Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), tập đoàn này đã thoái vốn bán 2,5% cho một đối tác ngoại từ năm 2013, tỷ lệ cổ phần sở hữu còn lại dù đã có kế hoạch trình lên Bộ Công thương từ đầu năm 2014 nhưng tới hiện tại vẫn chưa thể thực hiện được.
Trước sự chậm trễ trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán … của EVN, Bộ trưởng Hoàng yêu cầu, tập đoàn này nhất thiết phải hoàn thành nhanh việc thoái vốn tại các đơn vị trên trong năm 2015. Đồng thời, giảm vốn của EVN tại 4 công ty cổ phần cơ khí điện lực xuống mức dưới 50% vốn điều lệ; trình Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Genco 3.
Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu EVN thoái nhanh vốn ngoài ngành và tăng nhanh năng suất lao động |
Ngoài chuyện thoái vốn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng tỏ ra không mấy hài lòng khi năng suất lao động tại EVN đạt thấp. Ông “thúc” lãnh đạo tập đoàn này cần khẩn trương sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tăng cường sử dụng công nghệ vào sản xuất như nhanh chóng hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử tại các hộ dùng điện… nhằm giảm nhanh số lượng người lao động “ghi số, thu tiền” trong ngành.
“Năm 2015, EVN phải nâng cao năng suất lao động ngành điện lên 8%”- Bộ trưởng Hoàng chỉ thị.
Cũng tại hội nghị tổng kết của EVN, dù báo cáo con số doanh thu bán điện khả quan, lên tới 196.370 tỷ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013, nhưng lãnh đạo EVN “kêu” một loạt những khó khăn.
Theo Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành, năm 2015 có những yếu tố gây tác động bất lợi tới sản xuất, kinh doanh của EVN. Đó là các chi phí đầu vào tăng rất lớn từ đầu năm 2014 và chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành, như 2 đợt điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện, tăng giá khí trên bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước từ 2% lên 4%, tăng chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện độc lập dưới 30MW… Ngoài ra, từ năm 2015 theo Luật Đất đai mới, các hồ thủy điện phải đóng tiền thuế sử dụng đất. Cộng dồn với việc EVN đang phải “ôm” khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ các năm trước và các khoản lỗ từ các chi phí đầu vào tăng… khoảng 16.800 tỷ đồng.
“Năm 2014, công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất rất thấp. Lãi sau thuế của công ty mẹ ước chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu bằng 0,2%” - ông Thành cho biết.
Vì lẽ đó, lãnh đạo EVN kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Công thương cho phép tập đoàn này được bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015.