Quyết liệt chặn gia cầm nhiễm cúm của Trung Quốc
Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm này đã ghi nhận 330 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 73 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành phố của Trung quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Tại Malaysia cũng đã ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định nguy cơ cúm gia cầm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Ảnh D.T |
Hiện nay, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam đã xét nghiệm thấy cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và cả người. Mặc dù ở Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên người và gia cầm nhưng hoạt động buôn bán vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa chấm dứt. Do đó, theo đánh giá virut gia cầm từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất cao.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp khẩn lấy ý kiến xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng vi rut gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Với sự tham gia của các Bộ ngành cùng các tổ chức Nông lương thế giới FAO, tổ chức Y tế thế giới (WHO)…
Các tổ chức trên cũng nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao xuất hiện cúm A/H7N9 và cần phải có ứng phó khẩn cấp với virut nguy hiểm này.
Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm là nguy cơ lớn khiến H7N9 xâm nhập vào nước ta. Đặc biệt tập trung chính ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Cục thú y đã nêu ra kế hoạch hành động và biện pháp cụ thể dựa trên bốn tình huống nhằm phát hiện và ứng phó với virut cúm A/H7N9 trên gia cầm tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh cần phải nghiêm cấm hoạt động buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 vào nước ta là hằng ngày, hằng giờ. Nếu như H5N1 khiến gia cầm nhiễm bệnh, chết nhưng trong trường hợp này gia cầm nhiễm không có triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện.
Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là phải thực hiện mọi biện pháp ngăn ngừa sự xâm nhập của virut nguy hiểm này vào Việt Nam. Gia tăng nỗ lực để thực hiện kịch bản số 1. Theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh của các nước khu vực có biên giới với Việt Nam.
Thực hiện quyết liệt ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm có thể mang theo virut vào Việt Nam đặc biệt là từ Trung Quốc. Giám sát chặt chẽ lưu hành virut thông qua việc xét nghiệm lấy mẫu ở gia cầm và khu vực có nguy cơ cao.
Đồng thời yêu cầu các Bộ phải có phương án ứng phó sẵn sàng, phối hợp thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh chủ động ứng phó.