Quốc hội nâng tầm tiếp công dân
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, UBTVQH đã xây dựng dự thảo và thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Xác định đây là một nội dung quan trọng nên phiên họp thứ 19 này TVQH đã dành nửa ngày 12/7 để bàn bạc, cho ý kiến xung quanh dự thảo nghị quyết trên.
Mặc dù nếu thông qua thì đời sống của nghị quyết chỉ kéo dài hơn một năm, nhưng Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng cần thiết phải có nghị quyết về tiếp công dân.
ĐBQH tiếp xúc cử tri cũng được coi là loại hình tiếp công dân và đang được thực hiện rất hiệu quả. (Ảnh: IT) |
Theo ông Hiển, trong thời gian qua công dân gửi đơn thư đến các cơ quan của QH ngày một nhiều hơn. Nhưng việc ban hành nghị quyết phải đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như Luật tổ chức QH, Luật giám sát và tiếp công dân, Hiến pháp…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thì cho rằng chế độ của chúng ta là XHCN, là của dân, do dân, và vì dân nên việc tiếp công dân của chúng ta sẽ rất khác so với các nước.
Ông Dũng cho rằng ĐBQH phải đi đến cùng với những bức xúc của dân. Và sự ưu việt của ta càng được thể hiện rõ khi việc tiếp công dân được quy định cho tất cả các cơ quan, Viện nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện, các đoàn ĐBQH… Tuy nhiên việc tiếp nhận đơn thư của người dân từ trước tới giờ chỉ được các cơ quan của Quốc hội chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm. Vì thế theo ông Dũng với quy định mới thế này thì nên có sự đánh giá cụ thể.
Đồng tình với chủ trương đưa ra, Trưởng Ban Công tác ĐBQH Nguyễn Thị Nương cho rằng, nghị quyết về việc tiếp công dân ra đời "sớm bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu" để giải quyết bức xúc của người dân, vì các đơn thư hiện đang có chuyện chạy lòng vòng, và không có đơn vị đốc thúc.
Theo Bà Nương, trong khi tất cả các địa phương đều có địa điểm tiếp công dân, thì riêng QH lại không có địa điểm, nhiều khi còn phải tiếp công dân trong phòng làm việc. Bà đề nghị nên bố trí một phòng, gọi là phòng tiếp công dân của QH.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết, nghị quyết này xác định rõ hơn vai trò của các cơ quan và đoàn ĐBQH trong việc giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân. Đồng thời khắc phục được những tồn tại, bất cập còn vướng mắc lâu nay. Nghị quyết không những quy định rõ trách nhiệm xử lý đơn thư của các đơn vị mà còn quy định rõ việc tiếp công dân thế nào, ở đâu, giám sát thế nào… đều được quy định rõ hơn.
Mặc dù thực tiễn cuộc sống không thể đáp ứng hết được mong muốn của người dân nhưng Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng "chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn".
“Người dân mong muốn đơn thư gửi tới QH được xử lý kịp thời hơn, nhanh chóng hơn và phải trả lời lại cho người dân xem việc đó xử lý thế nào, có xử lý không? Nếu không thì tại sao?” – bà Mai nói.
Trước nhu cầu thực tiễn đặt ra, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng cho rằng Quốc hội cần thiết phải có một đầu mối tiếp nhận đơn thư của công dân, và nên giao cho Ban Dân nguyện thực hiện nhiệm vụ này.
Ban Dân nguyện sẽ giúp QH giám sát các đầu mối tiếp nhận và đôn đốc xem xét, đồng thời giám sát việc thực hiện quyết định sau giải quyết. Việc này rất quan trọng vì nếu người có trách nhiệm không thực hiện thì sẽ bị vô hiệu hóa toàn bộ.
Về thời điểm, trước nhiều vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay, ông Khánh đề nghị nên hoàn thiện và ban hành nghị quyết trước thời điểm ban hành Hiến pháp sửa đổi năm 1992.