Quảng Ninh: Đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các KCN
Quảng cảnh buổi họp. |
Chiều 13/6, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp bàn các giải pháp để hỗ trợ công tác tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, hỗ trợ nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa trong KCN, hỗ trợ mở các tuyến xe buýt đưa đón công nhân làm việc trong các KCN. Động thái trên khẳng định Quảng Ninh luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ thu hút lao động tại các dự án trong KCN tăng lên nhanh chóng. Trong khoảng thời gian ngắn, nhu cầu về lao động tại các KCN trên địa bàn tăng gấp 4,8 lần từ năm 2012 đến năm 2017. Tính đến thời điểm hiện tại, trong 82 dự án hoạt động trong 5 KCN đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 19.800 lao động. Số lao động chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, sản xuất dây dẫn và các cụm thiết bị ô tô, chiếm khoảng 73% tổng số lao động của các dự án trong KCN.
Trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục tăng lên khá lớn. Theo dự báo, từ năm 2017 đến năm 2020 nhu cầu về lao động khoảng 23.040 lao động (trong đó, năm 2017 khoảng 7.220 lao động, năm 2018 khoảng 5.850 lao động, năm 2019-2020 khoảng 9.760 lao động). Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở LĐ,TB&XH cùng với Ban Quản lý KKT đã có nhiều hình thức để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp như hỗ trợ tuyển dụng lao động; hợp tác đào tạo nghề và tuyển dụng lao động như xây dựng chương trình đào tạo nghề; phối hợp tổ chức đào tạo nghề; phối hợp kỹ năng nghề cho giảng viên của cơ sở đào tạo và cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp; phối hợp và cung ứng lao động của 08 ngành nghề/lĩnh vực trong giai đoạn 2016 – 2020…
Về hiện trạng nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa trong KCN, theo thống kê, hiện tại có khoảng 5.600 công nhân đang ở trong Khu nhà ở công nhân tập trung và thuê nhà dân. Trong đó, có 3.200 công nhân đang ở Khu nhà ở công nhân tập trung của Công ty TNHH Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên), 2.435 lao động trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp phải thuê nhà dân. Về việc đưa đón công nhân trong KCN, hiện nay, trên địa bàn các Khu công nghiệp tỉnh có 2 công ty đã bố trí xe buýt để đưa đón công nhân là Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki và Công ty Texhong Ngân Hà.
Tại cuộc họp, các sở, ngành liên quan và các địa phương cùng trao đổi, thảo luận các giải pháp để hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp đang cần lao động; chính sách hỗ trợ nhà ở và các thiết chế văn hóa trong KCN và hỗ trợ xe đưa đón công nhân nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các công nhân yên tâm làm việc, sản xuất tại các doanh nghiệp trong KCN.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Thị Thu Thủy đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh cho sự phát triển chung; đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh.
Phó Chủ tịch cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp tại buổi làm việc. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy chính quyền địa phương tích cực triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong các KCN, KKT cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Để giải quyết được nhu cầu về lao động đang tăng cao trong các KCN hiện nay trong khi nhu cầu người lao động tìm việc làm trên địa bàn tỉnh còn nhiều, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở LĐ, TB & XH phối hợp với Ban Quản lý KKT và các địa phương rà soát lại khả năng cung ứng lao động của từng địa phương cho các doanh nghiệp trong KCN. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tinh giao chỉ tiêu tuyển dụng lao động cho các địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các sàn giao dịch, các chợ việc với làm với cách làm mới, mở rộng phạm vi tìm kiếm lao động tại các thị trường lao động tiềm năng ngoài tỉnh; đề nghị MTTQ và các đoàn thể, cơ quan liên quan để nắm bắt các nhu cầu tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng, chính sách tiền lương và các điều kiện thụ hưởng của các doanh nghiệp trong KCN để kết nối nhu cầu giữa nhà tuyển dụng và người lao động.
Giao Sở LĐ, TB & XH nghiên cứu cơ chế chính sách của Trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách đặc thù liên quan đến tuyển dụng lao động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ; Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp sở, ban, ngành liên quan xem xét chính sách xây dựng nhà ở hỗ trợ công nhân trong KCN trên cơ sở phân định thẩm quyền của các bên để tham mưu cho UBND tỉnh; Giao Sở GTVT chủ trì làm việc với các doanh nghiệp, cụ thể là Công ty TNHH Texhong về việc tìm kiếm doanh nghiệp kinh doanh về vận tải để giới thiệu cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp tác vận chuyển người lao động; Giao BCH Quân sự tỉnh vận động quân nhân đã hoàn thành thành nghĩa vụ tham gia lao động tại các dự án trong các KCN trên địa bàn.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch tỉnh cũng giao các ngành liên quan chủ động phối hợp với các địa phương để giải quyết những kiến nghị liên quan đến hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các địa bàn có nhu cầu về lao động cao. Các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp cũng phải quan tâm tới việc cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm đời sống vật chất, nâng cao mức thu nhập cho người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.