Quận ủy Hoàn Kiếm: “Lát đá 11 tuyến phố cổ chưa khả thi”
Xung quanh việc UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất ý tưởng lát đá 11 tuyến phố cổ, Quận ủy Hoàn Kiếm vừa có thông báo kết luận của thường trực quận về việc này.
Theo Quận ủy Hoàn Kiếm, việc lát đá trong giai đoạn này chưa khả thi, bởi hiện nay UBND thành phố Hà Nội chưa phân cấp việc quản lý lòng đường cho quận Hoàn Kiếm.
Hơn nữa, việc lát đá mặt đường phải thực hiện đồng bộ với cải tạo hạ tầng liên quan, trong khi nguồn lực kinh tế của quận Hoàn Kiếm không đủ đáp ứng yêu cầu đầu tư.
Tại thông báo vừa ban hành, Quận ủy Hoàn Kiếm cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội phân cấp cho quận quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư đồng bộ khu vực phố cổ hiện nay. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, nhà khoa học xây dựng phương án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị tại phố cổ Hà Nội.
Phố Tạ Hiện được lát đá lòng đường. (Ảnh: Hải Ngọc) |
Trước đó trao đổi với phóng viên Infonet, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc lát đá 11 tuyến phố cổ mới chỉ là ý tưởng.
Theo ông Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc này đang được báo cáo lãnh đạo thành phố để xin ý kiến các đơn vị liên quan vì trong thời gian tới, một số tuyến phố cổ sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ.
Theo ông Hoa, nếu chỉ dành cho việc đi bộ thì việc lát đá lòng đường là hợp lý và được người dân đồng tình. Hơn nữa, việc lát đá này cũng đã được nhiều nước làm.
Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, ở một số tuyến phố cổ hiện nay không chỉ có đi bộ mà còn có các phương tiện giao thông khác cho nên đây mới là đề xuất về mặt ý tưởng để nghiên cứu và lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận.
“Thành phố chưa phê duyệt và đề xuất đưa ra mới dừng lại ở việc ý tưởng cho nên từ giai đoạn ý tưởng đến giai đoạn thực hiện còn rất dài”, ông Hoa nói.
PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, trước đây ở một số tuyến phố cổ của Châu Âu người ta cũng lát gạch đá hoa cương cho nền đường. Tuy nhiên, sau một thời gian đi lại, gạch lát nền bị bào mòn gây xóc cho các phương tiện qua lại và tạo ra những tiếng ồn lớn nên họ đã phải bới hết gạch, cát lên để trải thảm nhựa.
“Với Hà Nội, đường nhựa đang đẹp có nên làm việc tốn kém như vậy không? Việc trước tiên Hà Nội cần làm lúc này không phải là mang đá ra lát đường mà cần làm cho lòng đường, vỉa hè và cảnh quan hai bên khu phố cho tốt, giữ được nét cổ chứ không phải đưa đá vào lát thì sẽ thành cổ kính", ông Hùng nói.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 mét phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng (thời điểm năm 2010). Đá lát lòng đường Tạ Hiện là loại tự nhiên, kích thước 10x10x10 cm. Việc chọn kích thước đá như trên để phù hợp với việc thoát nước cũng như sửa chữa nếu có hư hỏng xảy ra.
Theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, 11 tuyến phố dự kiến lát đá mặt đường gồm: Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Nền đường 11 tuyến phố này sẽ được đổ bê tông, sau đó lát một lượt đá lên bề mặt.
Nguồn vốn để thực hiện dự án trên được lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Nếu được UBND TP Hà Nội chấp thuận, thời gian quận Hoàn Kiếm hoàn thành dự án trong năm 2016.