"Quản lý TT&TT phải phát huy sự tham gia của nhân dân"
Nhiều dấu mốc quan trọng
Ngày 25/12/2014, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 tại Hà Nội và các điểm cầu gồm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 47 Sở TT&TT.
Tham dự Hội nghị tại Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số bộ, ngành; đại diện UBND và Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực TT&TT...
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bộ TT&TT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác năm 2014, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Năm 2014 là năm có số lượng đề án do Bộ TT&TT xây dựng, tham mưu được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nhất từ trước đến nay với 21 đề án, trong đó: Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, Chính phủ ban hành 2 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 quyết định. Trong đó đáng chú ý là việc Bộ TT&TT xây dựng, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đến năm 2030... Bộ TT&TT cũng đã tiến hành Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực TT&TT để chuẩn bị và phục vụ việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng XII.
Triển khai thực hiện Nghị định 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, Bộ đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đặc biệt là các đơn vị mới được thành lập. Các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, chuyển phát ngày càng ổn định và nâng cao chất lượng. Hệ thống viễn thông, Internet đảm bảo hoạt động ổn định và tiếp tục phát triển, phục vụ tốt việc thông tin, liên lạc của Nhà nước, nhân dân và việc phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được chú trọng. Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh với việc tích cực tham gia đàm phán các Hiệp định, nhất là Hiệp định TPP; các hoạt động hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ thương mại. Công tác thanh tra được tăng cường, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhiệm vụ quản lý, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực TT&TT được tập trung thực hiện với việc xây dựng và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015; tập trung xây dựng mô hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là việc nâng cấp Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông Mobifone, thành lập 3 tổng công ty trực thuộc VNPT. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giữ vững tốc độ phát triển cao, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu, ngân sách nhà nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Các Sở TT&TT đã chủ động tham mưu cho địa phương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và những nội dung liên quan đến lĩnh vực TT&TT mang tầm chiến lược, cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị sáng 25/12/2014 ở trụ sở Bộ TT&TT. Ảnh: Thái Anh. |
Đạt tất cả các chỉ tiêu năm 2014
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "2014 là năm rất phấn khởi của Bộ TT&TT, ngành TT&TT, khi tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt. Đây cũng là năm có sự đổi mới trong cách điều hành, quản lý và sản xuất kinh doanh của cả ngành với nhiều dấu mốc rất quan trọng, từ việc tham mưu ban hành các văn bản rất quan trọng đối với ngành, Đảng, Nhà nước, cho tới việc quyết định các phương án tái cơ cấu, củng cố bộ máy, góp phần tích cực vào kết quả phát triển chung của cả nước". Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 2015 là năm bản lề không chỉ của riêng 1 số tập đoàn, 1 số ngành mà chung của cả nước. Trước hết, đây sẽ là năm có rất nhiều hoạt động kỷ niệm lớn, là năm đại hội các cấp. Bên cạnh yêu cầu là phải tuyên truyền để tạo không khí phấn khởi chung trong xã hội thì điều quan trọng nhất là chúng ta làm sao tạo sự đồng thuận và phát huy tất cả mọi sáng kiến trí tuệ của toàn dân để tập trung tạo động lực mới để đất nước quyết tâm vượt lên phải nhanh hơn, chắc hơn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới.
Đặc biệt, đánh giá về sự đi đầu trong đổi mới của ngành Bưu điện, ngành TT&TT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Nhớ lại thời kỳ đầu đổi mới, ngành Bưu điện đã là ngành đi đầu. Không chỉ đổi mới để có được ngày hôm nay mà còn từ đó rút ra bài học cho các ngành khác và công cuộc đổi mới chung. Điều đó là rất đáng tự hào. Bây giờ viễn thông, bưu chính, CNTT tiếp tục không chỉ là 1 ngành kinh tế rất đặc biệt mà còn là hạ tầng, thậm chí nhiều người nói là hạ tầng của hạ tầng cho sự phát triển. Chúng ta cần luôn luôn ý thức rằng chúng ta có trách nhiệm phải đổi mới không chỉ cho mình mà đóng góp vào sự nghiệp đổi mới chung cho cả nước.
Cần phát huy sự tham gia, đóng góp của dân
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra một số gợi ý, khuyến nghị đối với ngành TT&TT trong năm 2015. Cụ thể, nhiều dịch vụ viễn thông cơ bản vẫn chưa đến được các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ TT&TT cùng các đơn vị chủ lực cần nghiên cứu khẩn trương tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp kết hợp hài hòa với nguồn lực của Nhà nước (nguồn lực bằng tiền và bằng chính sách) nhằm phát triển đều cho các vùng.
Về CNTT, năm qua, Bộ TT&TT đã tham gia hoạch định được nhiều chính sách rất quan trọng. Hoạt động ứng dụng mạnh mẽ CNTT để đổi mới điều hành quản lý trong các cơ quan Nhà nước, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử, đã được nhiều người thường xuyên nhắc đến. Song đây là việc rất khó, chúng ta đã nói từ rất lâu nhưng mình Bộ TT&TT không làm được. Đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp. Một kinh nghiệm cốt tử là muốn phát triển ứng dụng CNTT thì người đứng đầu địa phương phải trực tiếp chỉ đạo. Vì ứng dụng CNTT đụng đến cả bộ máy, phải phụ thuộc vào môi trường pháp lý, quy trình thủ tục, phụ thuộc lề lối làm việc của cả bộ máy. Cũng chính vì quan điểm này mà Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT được thành lập mới đây do đích thân Thủ tướng trực tiếp đứng đầu.
Phó Thủ tướng cũng khuyến nghị cách nhìn mới về công tác quản lý Nhà nước: "Bộ máy quản lý Nhà nước chỉ nên cố gắng quản lý những gì mà chúng ta phải quản lý, còn chúng ta phải tìm cách tạo điều kiện để người khác làm theo định hướng quản lý của mình. Có những việc trước đây các sở, bưu điện, Bộ TT&TT phải trực tiếp làm. Giờ hãy để doanh nghiệp thậm chí các cơ quan khác làm dưới sự định hướng quản lý của mình".
"Tất cả công tác quản lý từ báo chí, xuất bản viễn thông, CNTT, bưu chính… căn bản bây giờ phải làm sao để bảo vệ được quyền lợi, quyền của người dân, sau đó phát huy được sự tham gia đóng góp của nhân dân, toàn xã hội. Đơn cử một ví dụ là hiện tượng tin nhắn rác. Đây là câu chuyện xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với cộng đồng. Bộ TT&TT phải đứng ra rà lại trên tinh thần đặt lợi ích của số đông người dân lên trên".
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết sẽ bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 để ngành TT&TT tiếp tục có vị trí xứng đáng trong sự phát triển của cả nước thời gian tới. Bộ trưởng cũng đề đạt 6 kiến nghị với Chính phủ gồm: Tạo điều kiện bổ sung biên chế cho 3 đơn vị mới thành lập của Bộ TT&TT gồm Cục An toàn thông tin, Vụ Thông tin cơ sở, Vụ Quản lý doanh nghiệp; Đề nghị có mục lục ngân sách riêng cho hoạt động TT&TT (hiện vẫn đang nằm chung trong kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hoặc kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin); Tiếp tục duy trì hoạt động đưa thông tin về cơ sở sau khi không còn Chương trình Mục tiêu quốc gia về đưa thông tin về cơ sở; Phân định rõ một số chức năng, nhiệm vụ còn chồng lấn giữa Bộ TT&TT với Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch; Sớm quyết định việc đưa bộ phận giúp việc của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT về Bộ TT&TT thay vì nằm ở Văn phòng Chính phủ; Sớm phê duyệt quy chế về thuê dịch vụ CNTT.