Quản lý thị trường phát hiện hơn 90.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 670 tỷ
Báo cáo tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trên tuyến biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… thời gian qua nổi lên hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng như: pháo nổ, gia súc, gia cầm, hàng bách hóa tiêu dùng…
Quản lý thị trường bắt giữ 2 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội ngày 30/12/2019. |
Các lực lượng chức năng tại đây đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn lối mở trọng điểm. Phía Trung Quốc cũng đã xây hàng rào biên giới kiên cố nên tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi và có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu lậu trên biên giới và trong nội địa.
Tuyến biên giới miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, lực lượng QLTT đã phát hiện rất nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, rượu, thuốc lá điếu, đường, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, địa bàn trọng điểm là các tỉnh: Bình Dương, An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang... Mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép nổi lên vẫn là: đường cát, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.
Tại thị trường nội địa, thời gian gần đây nổi lên tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, buôn lậu quy mô lớn xảy ra.
Một số cơ sở, đối tượng kinh doanh, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác Việt Nam, made in Vietnam đưa về trong nước tiêu thụ; một số nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài, đóng nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản... để lừa dối, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm việc làm giả xuất xứ, thay đổi hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn công bố vẫn còn tồn tại.
Đặc biệt, loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm chức năng.
Năm 2019, với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Đặc biệt, sau hơn 1 năm hoạt động, đường dây nóng 1900 888655 đã tiếp nhận trên 400 cuộc gọi/email từ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đa số các cuộc gọi là phản ánh, tố giác về tình hình buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, chất lượng sản phẩm, 9 cuộc gọi phản ánh về đạo đức công vụ của công chức.
Nhiều vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng đã thu được kết quả như tịch thu 5.316 lon sữa bột kém chất lượng tại Đắk Nông; tịch thu 7 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Thành phố Hồ Chí Minh; vụ việc mũ bảo hiểm kém chất lượng tại huyện Bình Chánh, Hồ Chí Minh và vụ việc gian lận trong buôn bán xăng dầu tại tỉnh Quảng Bình...
Tổng cục QLTT dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác triển khai hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.