Quản lý chung cư: Chất vấn nóng, trả lời "lạnh băng"
Quản lý chung cư: Chất vấn nóng, trả lời "lạnh băng"
Phản ánh về những nội dung xoay quanh việc quản lý nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội, ĐB Bùi Hiền Mai chất vấn: Từ năm 2008 Bộ Xây dựng đã ban hành quy chế quản lý nhà chung cư. Nhưng qua bốn năm ngày càng nhiều vụ tranh chấp xảy ra, như ở tòa nhà Kinh Đô (Lò Đúc), The Manor (Mỹ Đình), tòa nhà Keangnam (Phạm Hùng)... Trách nhiệm của thành phố khi xảy ra tranh chấp đến đâu?
"Bên cạnh đó ngành xây dựng đã ban hành quy định mức trần phí dịch vụ. Nhưng khi xảy ra tranh chấp sẽ phải xử lý như thế nào? Chung cư tái định cư, UBND đã có quy chế quản lý tạm thời, vậy việc thực hiện quản lý theo quy định nào, có khó khăn bất cập gì?", ĐB Bùi Hiền Mai tiếp tục.
Hà Nội còn nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân các tòa nhà |
Trả lời chất vấn bằng văn bản, UBND nói nhiều dự án có số dân đến ở chưa đạt 50%. Trong khi đó Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) lại thống kê chưa đến 1% số căn hộ chưa đi vào sử dụng. Đề nghị UBND làm rõ hơn vấn đề này.
ĐB Nguyễn Hoài Nam phản ánh, Hà Nội làm nhiều khu ĐTM nhưng chúng ta chỉ quan tâm đến diện tích, công tác quản lý còn nhiều vấn đề. Ông Nam kiến nghị thành phố quan tâm hơn nữa vấn đề này.
“Không thể nói tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân trong tòa nhà không có trách nhiệm của nhà nước. Luật nhà ở năm 2005 quy định rõ trong vòng một năm chủ đầu tư phải thành lập Ban quản trị. Nhưng thực tế nhiều tòa nhà lại chưa có Ban quản trị, dẫn đến nhiều tranh chấp. Luật nhà ở quy định rõ nhưng chưa ban hành được quy chế quản lý chung. Trách nhiệm của thành phố thế nào, bao giờ thì thực hiện được?”.
Ngoài ra ĐB Nam cũng chất vấn: hiện còn bao nhiêu hộ dân trong các tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội chưa được cấp giấy chứng nhận? Trách nhiệm thuộc về ai? Trong tòa nhà dân đã đến ở nhưng chưa bàn giao, vấn đề an ninh, phòng chống cháy nổ như thế nào, ai chịu trách nhiệm khi những vụ việc đáng tiếc xảy ra?
Phản ánh loại hình tòa nhà tái định cư, ĐB Nguyễn Văn Tài cho biết, hiện nay có tình trạng người dân đến nhận nhà rất lâu nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, như các tòa nhà ở Nam Trung Yên, khu Đền Lừ, Cống Vọng. Việc chậm ký hợp đồng bán nhà với công dân, chậm cấp giấy chưng nhận ảnh hưởng lớn đến giao dịch dân sự của người dân. “Nguyên nhân và biện pháp giải quyết vấn đề này thế nào?” – ông Tài nêu.
Liên quan đến sinh hoạt cộng đồng, ĐB Nguyễn Thị Thùy phản ánh, ĐB đã kiến nghị từ khá lâu nhưng, đã qua 7 – 8 tháng vẫn chỉ dừng lại ở mức rà soát. Vậy bao giờ người dân ở các tổ dân phố có được một nơi sinh hoạt cộng đồng?
Trả lời chất vấn các ĐB, Giám đốc sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng giải đáp ngắn gọn đến bất ngờ. Ông Hùng cho rằng vấn đề Ban quản trị tại các tòa nhà vẫn đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên số lượng Ban quản trị chưa nhiều. Trong các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân, thành phố cũng đứng ra giải quyết.
"Việc quản lý nhà chung cư, được quy định rõ và Sở Xây dựng đã có văn bản gửi đến các tòa nhà. Về nơi sinh hoạt cộng đồng, khu nhà tái định cư do nhà nước quản lý đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đối với mảng nhà ở thương mại, nếu chưa có Sở đều yêu cầu phải thực hiện…", ông Hùng nói.
Nguyễn Dũng