Quản lý an toàn thực phẩm vẫn chỉ trên giấy?
Một loại bánh có 13 giấy phép con
Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 38/2012/ND-CP” vừa tổ chức, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cho biết, quy định “công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại Nghị định 38 đang gây ra rất nhiều khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ quốc tế và chỉ mang tính hình thức, không cải thiện an toàn thực phẩm (ATTP).
Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP có quy trình và cách thức như một giấy phép con, doanh nghiệp phải mất thời gian từ 3-5 tháng để được cấp phép.
Một sản phẩm sản xuất trong nước có bao nhiêu nguyên liệu, phụ liệu, bao bì thì phải cõng từng đó giấy phép công bố, lên tới hàng chục giấy phép con.
Nói thêm về việc này, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết “Có doanh nghiệp phàn nàn với chúng tôi họ sản xuất loại bánh socola có 12 thứ nguyên liệu thì phải xin 12 giấy phép, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho thành phẩm nữa là 13 giấy phép. Nếu doanh nghiệp thay đổi một chi tiết nhỏ trong thành phần nguyên liệu thì vẫn phải làm lại thủ tục, rất tốn kém cho doanh nghiệp”.
Theo ông, quy định “công bố phù hợp ATTP” là chưa phù hợp với Luật ATTP, trái với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
“Đương nhiên ATTP là rất quan trọng nhưng quản lý như thế nào chứ không phải trút toàn bộ gánh nặng thủ tục hành chính lên các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cho rằng cơ quan quản lý đã hoàn thành trách nhiệm, ngồi một chỗ và cấp phép. Quản lý như thế dễ nhưng gây ra hệ lụy lớn. Trình độ quản lý, cái tâm quản cần phải thay đổi. Cơ quan nào soạn thảo chính sách thì cơ quan đấy không được cấp phép”, ông Tuấn kiến nghị.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho hay, điều kiện được chứng nhận phù hợp ATTP trong Nghị định 38 không rõ ràng, gây ra sự tùy tiện, cho phù hợp cũng được không cho cũng được. Mỗi lần doanh nghiệp gửi hồ sơ phải sửa đổi nhiều lần, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp, giá thành tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Quản lý trên giấy?
Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcharm) cho hay, có 98% vụ ngộ độc xảy ra từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, có khoảng 1% từ sản phẩm bao gói sẵn nhưng dường như cơ quan quản lý đang dồn để kiểm tra 1% nguy cơ ngộ độc thực phẩm chứ không phải 98, 99% nguy cơ xuất hiện hằng ngày kia.
Theo Amcharm, công bố phù hợp ATTP không phải là biện pháp phù hợp hiệu quả để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng bởi chuyên viên thẩm tra trên giấy tờ, thủ tục hành chính. Trong khi đó, doanh nghiệp có khi mất 4-6 tháng vẫn chưa xong được hồ sơ để được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp.
“Amcharm hiện xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia nhưng không quốc gia nào yêu cầu các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn mà họ đẩy mạnh hậu kiểm, đi vào kiểm tra nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất chứ không phải kiểm tra trên giấy như Việt Nam. Hay như Singapore, Malaysia, Thái Lan cũng đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm. Tại Việt Nam, tất cả mọi chi phí cuối cùng sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp, giá thành và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu”, đại diện Amcharm nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Amcharm, Nghị định 38 nêu rõ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những gì đã công bố thay vì Cục ATTP.
“Như vậy, tất cả quá trình kiểm nghiệm của Cục ATTP nhằm tác dụng gì?”, đại diện Amcharm đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch danh dự VASEP, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản đánh giá: “tư duy quản lý ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế) hay khi ban hành Nghị định là vô cùng lạc hậu”.
Chúng ta kiểm tra dựa trên lấy mẫu để nói an toàn hay không nhưng mẫu này làm sao đại diện cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa trong khi đó lực lượng quản lý có hạn, sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, chế biến phức tạp. Còn ở các nước phải đáp ứng tiêu chuẩn, hệ thống chuẩn mực… Chúng ta phải chuyển sang cách tiếp cận như các nước vẫn đang làm.
“Việc kiểm tra lấy mẫu như thế này là xưa rồi, Cục chỉ ngồi đó và kiểm giấy tờ, làm sao đáp ứng được, làm sao có thể nói là an toàn”, bà Minh nhấn mạnh.
Theo bà, ở các nước, các hội khi có thương hiệu họ tự kiểm soát rất tốt, kiểm soát đầu vào nguyên liệu như ở chợ đầu mối, cửa khẩu, cảng cá, chợ cá, có tiêu chuẩn, chuẩn mực cho những người tham gia. Thương lái ở chợ là người tác động nhiều nhất đến ATTP như bơm tạp chất, bơm nước, ngâm tẩm hóa… chất để kiếm lợi.
Chính vì thế Bộ Y tế cần giải pháp quản lý tổng thể, bao quát, hệ thống. Còn với cách làm như hiện nay sẽ không quản lý được, không hiệu quả, gây tốn kém cho doanh nghiệp.