Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng 133 lần sau 25 năm
Thương mại, đầu tư góp phần vào tăng trưởng
25 năm trước, kim ngạch thương mại song phương của hai bên chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng hiện nay đã ở mức 60 tỷ USD - tăng 133 lần. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3, trong số hơn 100 đối tác thương mại của Việt Nam trên toàn cầu.
“Đó là kết quả lao động chăm chỉ và tầm nhìn của nhiều người ở cả hai phía, những người tin tưởng vào triển vọng hòa bình” - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ David Stiwell nhận định và đánh giá quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển “chóng mặt” trong thời gian qua.
Cũng theo ông David Stiwell, Hoa Kỳ ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư là trọng tâm, động lực tăng cường quan hệ đối tác toàn diện hai quốc gia. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư ngày càng nhiều vốn vào Việt Nam, đồng thời các nhà sản xuất Việt Nam đang đem nhiều hàng hóa hơn cho những người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways tháng 2/2019 |
Ở cấp cao nhất của Chính phủ, trong hơn 1 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đoàn của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ Keith Williams với đông đảo các doanh nghiệp Hoa Kỳ sang thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết: “Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ rất quan tâm thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, thu nhập của người dân liên tục tăng”.
Phân tích kỹ hơn vào số liệu năm 2018, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ tăng 14,2%, trong khi xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng tới 36,4% và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng lớn nhất của Hoa Kỳ.
Thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại
Cũng trùng hợp trước lễ khởi động chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sắp tới, Bamboo Airways sẽ tiếp nhận và ra mắt tàu bay thân rộng Boeing 787- 9 Dreamliner tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Đây là chiếc máy bay thân rộng đầu tiên trong thỏa thuận giữa Bamboo Airways và Boeing về với hãng hàng không trẻ tuổi của Việt Nam, sau đúng 10 tháng ký kết hợp đồng mua 10 máy bay 787 Dreamliner vào tháng 2 của hai bên trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donal Trump ở Phủ Chủ tịch nước.
Sự kiện này đưa Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam, đồng thời mở màn cho loạt Boeing 787-9 Dreamliner sẽ gia nhập đội bay của Bamboo Airways từ nay đến đầu năm sau với giá trị niêm yết hàng chục tỷ USD.
Trước Bamboo, Vietnam Airlines đã đưa vào sử dụng 8 siêu tàu bay loại này từ tháng 8 và Vietjet cũng ký hợp đồng mua bán máy bay B737 MAX có giá trị niêm yết 12,7 tỷ USD với Boeing.
Với thâm hụt thương mại tới gần 35 tỷ USD như hiện nay thì một hợp đồng mua máy bay có thể kéo giảm khoảng cách này giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tới 24%.
"Họ (Việt Nam) có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩa sẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam", Tổng thống Trump nhận định.
Còn theo ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN thì những hợp đồng mua bán lớn như mua bán máy bay rất có tác dụng: “Chúng cho thấy Việt Nam và Mỹ đều cần nhau. Mỗi bên đều có những lợi thế riêng. Khi Việt Nam mua máy bay, thì chúng tôi có thể mua thêm hàng của Việt Nam, như các sản phẩm hải sản chẳng hạn”.
Không chỉ trong lĩnh vực hàng không sôi động, năng lượng cũng là mảnh đất giàu tiềm năng để doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư sang Việt Nam khi thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành của hai bên thường xuyên tiếp xúc, trao đổi về lĩnh vực này. Ngoài ra, có nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ rất lớn với lợi thế nổi trội và có thể tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.
Ở nhóm nông sản thực phẩm như bắp, đậu nành, thịt, sữa các loại, trái cây… Hoa Kỳ đang xuất siêu sang Việt Nam 400 triệu USD/năm.
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy nhiều mặt hàng Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam như: gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 24,1%; thức ăn cho gia súc và nguyên liệu tăng 14,1%; thủy sản tăng 85,9%; rau quả tăng 73,9%; bông các loại tăng 16%. Ở riêng ngành thức ăn chăn nuôi, hiện Hoa Kỳ là thị trường thứ 2, sau Argentina, cung cấp cho Việt Nam các nguyên liệu như lúa mì, bắp, đậu tương, dầu mỡ thực vật… với hơn 290 triệu USD/năm.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng quan hệ thương mại - kinh tế - đầu tư của hai bên đang phát triển tốt đẹp, trở thành động lực cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cần được xây dựng trên tinh thần thẳng thắn, cân bằng và cùng có lợi.
PV