"Quá dễ dãi trong việc ban hành văn bản pháp luật"
Gần đây báo chí đưa tin, có nhiều điều khoản chồng chéo, cho phép nhiều ngành, bộ có thể phạt báo chí. Văn phòng chính phủ đã có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát những quy định này để báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/1. Ngày 21/1, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, buổi họp đã không đem lại kết quả như mong muốn, cuộc họp đã phải xin lùi ngày báo cáo Thủ tướng.
Để có một cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS- Luật sư Phan Hữu Thư, Trưởng văn phòng luật sư Phan Hữu Thư, Nguyên Giám đốc Học Viện Tư pháp.
PGS. TS- Luật sư Phan Hữu Thư, Nguyên Giám đốc Học Viện tư pháp |
Thưa luật sư, mới đây, báo chí thông tin về tình trạng có nhiều điều khoản khác nhau, ở những nghị định khác nhau quy định việc phạt báo chí. Trong những nghị định đó có nhiều cơ quan có quyền phạt báo chí, có mức phạt khác nhau về một hành vi thông tin sai sự thật. Xin ông cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?
Tôi nghĩ, tình trạng trên cho thấy sự dễ dãi trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Ở đây, việc các văn bản được ban hành không những thiếu tính kết nối, mà còn thể hiện tính “cục bộ” rất rõ, thiếu tính “đại cục”, vì vậy, khi văn bản có hiệu lực thì tính khả thi thấp.
Theo ông, việc trao cho quá nhiều cơ quan có quyền phạt báo chí như vậy có gây chồng chéo trong quản lý nhà nước không?
Rõ ràng là gây chồng chéo rồi. Nên giao cho một cơ quan có quyền phạt thôi. Theo tôi, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thống nhất quản lý báo chí, thì nên giao chỉ có cơ quan này có quyền phạt báo chí thôi.
Ông có thể nhìn thấy hệ lụy phía sau khi báo chí là cơ quan phản ánh nhưng lại sẽ là đối tượng bị “xử lý” bởi chính cơ quan, ngành mình phản ánh?
Nói chung, thông tin sai sự thật thì có thể bị phạt theo quy định là đúng. Tuy nhiên giao cho nhiều ngành phạt thì sẽ xảy ra tình trạng như anh nói. Việc đó, nhìn qua nhiều người có cảm giác báo chí bị phạt có thể như không được khách quan. Hành vi “phạt” ở đây có thể bị hiểu nhầm là anh đụng đến ta thì ta phạt anh, còn nếu anh không đụng đến ta thì ta không đụng đến anh. Cần phải có một cơ chế thưởng phạt phân minh và nên quy về một mối, có thể chỉ một cơ quan có quyền phạt nhưng nhiều cơ quan cung cấp thông tin để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định là có nên phạt hay không, phạt như thế nào và phải nhanh chóng, kịp thời để có tính răn đe, đồng thời cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã có kiến nghị và công khai minh bạch việc phạt đó cho mọi người biết.
Cao hơn, việc chồng chéo thẩm quyền xử phạt vi phạm nguyên tắc nào của pháp luật hiện đại, thưa ông?
Đây là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Pháp luật thì cũng do con người xây dựng nên, rồi lại do con người thực hiện nó hoặc vi phạm nó. Vì vậy, cái chính là quy định như thế nào để dễ dàng quản lý, quản lý có hiệu quả, bảo đảm công bằng, nghiêm minh, dân chủ, khách quan và minh bạch.
Có thể chúng ta chưa lường hết được sự phức tạp khi giao cho nhiều cơ quan có thẩm quyền phạt báo chí. Mục đích cuối cùng của chúng ta là có vi phạm là có việc xử lý vi phạm. Ngoài ra, không những chỉ trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi thông tin sai sự thật của báo chí mà trong nhiều lĩnh vực khác thì xu hướng là tập trung hóa, thu gọn đầu mối và chuyên môn hóa.
Tôi nghĩ đó cũng là một biện pháp góp phần cải cách hành chính mà chúng ta đang làm. Hơn nữa, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta là “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.(Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Nếu thẩm quyền mà chồng chéo thì nói đã vi phạm chính điều 2 Hiến pháp 2013 như tôi vừa nêu cũng không sai.
Về mức phạt khác nhau trong cùng hành vi đưa tin sai sự thật, Nghị định do Bộ TT&TT trình ký quy định chung hành vi này bằng một mức xử phạt xác định nhưng các Bộ, Ngành khác lại đưa ra chế tài cho riêng ngành mình. Vậy các mức chế tài khác nhau cho một hành vi có vi phạm nguyên tắc “một hành vi chỉ được áp dụng một chế tài” không, thưa luật sư?
Thì như tôi đã nói ở trên, khi xây dựng văn bản thiếu tính kết nối, các bộ, ngành không tham khảo hết ý kiến của nhau mới dẫn đến tình trạng mỗi bộ, ngành quy định một khác. Nếu quy về một mối, có sự bàn bạc, tham khảo ý kiến của các bộ ngành thì vấn đề này không phải là không giải quyết được. Tình trạng cùng một hành vi nhưng mức xử phạt khác nhau tôi chưa gặp ở đâu cả, có thể có nhưng tôi không biết.
Mức phạt khác nhau có dẫn đến tiêu cực, bất công bằng trong xử phạt hành chính không , thưa luật sư?
Thì rõ rồi, có dẫn đến tiêu cực hay không thì tôi không dám nói, nhưng rõ ràng là không công bằng rồi.
Đại diện Bộ Tư pháp nhiều lần lập luận rằng, do một số hành vi đưa sai sự thật có tính đặc thù nên đưa vào ngành cụ thể. Theo luật sư, lập luận này có thuyết phục không?
Tôi nghĩ, Bộ Tư pháp cũng chỉ là một ý kiến thôi, cần xem xét thêm ý kiến của các bộ, ngành khác nữa. Đặc biệt là nên lắng nghe ý kiến của cơ quan quản lý báo chí. Nếu chỉ vì đặc thù nên phải đưa vào ngành cụ thể như ý kiến của Bộ Tư pháp thì cũng chưa hoàn toàn thuyết phục.
Xin cảm ơn luật sư!