QH sẽ "điểm danh" bằng thẻ thông minh: Nên xem lại chất lượng ĐBQH
GS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng, ĐBQH TP. Hà Nội nêu quan điểm trước việc, từ kỳ họp sau mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ được phát một thẻ thông minh để cắm vào vị trí trên bàn của mình. Cắm thẻ mới khởi động được tất cả các hệ thống như điện, máy tính…
Bằng chiếc thẻ này, Quốc hội sẽ giám sát tự động việc có mặt hay không của ĐB tại mỗi phiên họp, thảo luận, biểu quyết, tránh tình trạng ĐB quá vắng như tại một số phiên họp, biểu quyết các dự án Luật vừa qua.
GS. Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH TP.Hà Nội |
Ông đánh giá như thế nào về thông tin vào kỳ họp tới mỗi ĐBQH sẽ được phát một thẻ thông minh để sử dụng vào công việc của ĐB và cũng là hình thức để kiểm soát, giám sát tự động số lượng ĐBQH?
Cũng không phải vì ĐBQH vắng mặt nhiều tại các phiên thảo luận, biểu quyết vừa qua mà mới bổ sung thêm công nghệ, thiết bị này, mà công nghệ này đã được thiết kế ngay khi chúng ta xây dựng nhà Quốc hội mới. Tuy nhiên, do kỳ họp này thiết bị chưa chuẩn bị kịp nên chưa đưa vào sử dụng thẻ thông minh này.
Khi dùng thẻ này các ĐB mới kích hoạt được hệ thống âm thanh, máy tính… coi như là một hình thức “báo có” sự có mặt của mình và vì đăng ký có mặt thì mới thực hiện được các quyền khác của ĐB, kể cả quyền biểu quyết. Tôi cho rằng, ít nhất như vậy để hạn chế tình trạng "ĐB điểm danh, biểu quyết hộ nhau" rất nguy hiểm.
Hiện tại theo quan sát của mình ông thấy có tồn tại tình trạng ĐBQH vẫn bấm nút biểu quyết hộ nhau?
Đúng là bây giờ thì có tình trạng này. Và trong trường hợp cần truy trách nhiệm thì không biết “truy” ai.
Đến kỳ họp tới nếu ĐB được trang bị thẻ thông minh thì chuyện ĐB có mặt hay không được đăng ký, giám sát tự động. Đây là chuyện tốt. ĐB có mặt hay không có mặt sẽ được ghi nhận đầy đủ, chứ giờ nhiều ĐB không có mặt nhưng nhờ người nọ người kia bấm nút hộ… ĐB không có lý do chính đáng thì không được tùy tiện vắng mặt.
Thực ra, nếu ĐB vì một lý do chính đáng, bất khả kháng mà không thể có mặt, tham dự đầy đủ các phiên họp thì có thể chấp nhận, song không nên nhờ người khác bỏ phiếu, bấm bút “ghi có” hộ. Vì chuyện bỏ phiếu là thể hiện trách nhiệm của ĐB để tham gia vào quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước, nhưng tại sao lại tùy tiện để người khác làm thay?
Liệu việc sử dụng thẻ thông minh để giám sát điểm danh tự động các ĐBQH có dẫn tới hiệu ứng ngược lại, khiến ĐB cảm thấy ngại ngùng khi hoạt động bị theo dõi, “bó hẹp”?
Tôi không cho việc sử dụng thẻ thông minh này vào các công việc thông thường của ĐB như khởi động hệ thống âm thanh, máy tính, biểu quyết… là hình thức điểm danh, mà đây là ghi nhận quyền của ĐB. Quyền này rất lớn, gắn với trách nhiệm nên chính mỗi ĐB phải tự mình thực hiện quyền đó.
Ngoài ra, việc đưa thẻ thông minh vào sử dụng cũng sẽ phòng ngừa sự lợi dụng ai đó dùng quyền của ĐB, sử dụng chỗ ngồi của ĐB để thực hiện hành vi không trung thực thì lại rất nguy hiểm.
Tại một số nước Quốc hội đưa ra khá nhiều quy định chặt chẽ để giám sát và kiểm soát số lượng ĐBQH tham gia. Như tại Đức, họ đưa ra mức phạt khá nặng lên tới 120 Euro nếu ĐB nào đi muộn 5 phút? Ông đánh giá ra sao về những quy định siết chặt hoạt động, hay đơn giản là chuyện “đi muộn, về sớm” của ĐBQH?
Tôi có cơ hội đi thăm một số nước và dự họp một số phiên của Quốc hội các nước cũng không thấy chặt chẽ quá như vậy. ĐB nào quan tâm thì đến, không quan tâm thì thôi. Nhưng khi biểu quyết và thảo luận ở hội trường đây là những quyền của ĐB, trách nhiệm của ĐB thì bắt buộc phải có mặt đầy đủ. Phải luôn nhớ rằng, biểu quyết là quyền của ĐB, quyền được có mặt, phát biểu và bỏ phiếu, chứ không phải là nghĩa vụ.
Đơn cử, các nghị sĩ họ có quyền tiếp chúng tôi ngay khi phiên họp Quốc hội đang diễn ra, nhưng khi có chuông báo tới phần bỏ phiếu thì họ phải nói lời xin lỗi luôn để thực hiện quyền của mình. Nghị sĩ các nước họ hiểu đây là quyền của họ, một quyền đặc biệt chỉ có nghị sĩ mới có, mà do cử tri bầu ra và ủy quyền. Chứ quan niệm đi họp ở đây chỉ là nghĩa vụ thì không đúng.
Tôi cũng đã chứng kiến trường hợp, trong khi hàng dòng người dân xếp hàng vào thăm quan tòa nhà Quốc hội, thì phía trên nghị trường chỉ có đúng 3 người tham gia chất vấn và trả lời chất vấn, gồm: 1 vị ĐB, 1 bộ trưởng và 1 Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Đưa ví dụ này để thấy, ở các nước trong trường hợp nội dung họp, đề tài thảo luận hay chất vấn mà nghị sĩ không quan tâm thì họ không bắt buộc phải đến, mà chỉ có mặt tại phiên biểu quyết, bỏ phiếu. Hình ảnh này khác với cuộc họp Quốc hội ở ta, khi lúc nào cũng mong cả hội trường phải kín ĐB.
Vậy theo ông cơ chế hoạt động nào dành cho ĐBQH là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay?
Để chúng ta có quan niệm “mở” được như các nước phát triển thì còn rất khó. Vì đa phần ĐBQH ở nước ta là ĐB không chuyên trách, không làm việc thường xuyên, cả ngày mà mỗi năm chỉ họp 2 lần, tập trung hơn 1 tháng, nên đòi hỏi sự hiện diện ĐB đầy đủ hơn.
Theo tôi không nên ngặt nghèo quá về chuyện hội trường phải chật ních đông đủ. Mà cái chính là chất lượng. Thời gian không có mặt tại hội trường nhưng ĐB dành thời gian đó làm việc đóng góp hiệu quả hơn cho đất nước, Quốc hội thì tốt hơn. Chứ có ĐB cả kỳ họp không vắng buổi nào, nhưng không có đóng góp ý kiến gì trên diễn đàn Quốc hội thì cũng phải xem xét lại xem anh đã hoàn thành trọng trách cử tri giao hay chưa.
Nếu quan niệm hội trường Quốc hội lúc nào cũng phải kín chỗ, đủ mặt các ĐBQH thì e lại hơi thiên cưỡng và nặng về hình thức quá. Đương nhiên các kỳ họp Quốc hội cử tri có giám sát, theo dõi thì phải tạo ra không khí, thái độ làm việc nghiêm túc để cử tri hài lòng.
Quan trọng, từ vụ dùng thẻ thông minh này cần nên xem xét lại chất lượng của ĐBQH. Phải nghiên cứu và nhận thức theo hướng làm sao hoạt động của ĐB đi vào thực chất, các ĐB phải thấy được thấy quyền và trọng trách, niềm tin mà cử tri gửi gắm cho mình. Chứ không phải đi họp để cho có, báo “điểm danh” có mặt để cử tri ở nhà yên tâm…