PTT Nguyễn Thiện Nhân: “Học xong người dân có hết nghèo?”
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề trên tại Hội nghị báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn diễn ra ngày 17/7.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban chỉ đạo đề án đào tạo nghề cho nông thôn |
Ông Ly đề nghị cho đối tượng hộ cận nghèo được hưởng chế độ loại 1 – là đối tượng nghèo. Hà Giang đi lại rất khó khăn, nên cần được nâng cao mức hỗ trợ, bổ sung biên chế cán bộ tại phòng LĐTBXH của các huyện.
Đề cập đến một số hạn chế, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết việc triển khai chương trình còn chậm, quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu, lao động được đào tạo lại không có khả năng về vốn, đất đai để thực hiện sản xuất.
Sau 3 năm thực hiện, bài học rút ra từ tỉnh Nghệ An là đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương. Đồng thời gắn kỹ thuật với thực hành và có sự giám sát các hoạt động dạy nghề.
Với thế mạnh về phát triển chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết đến thời điểm này đã có hơn 2.000 hộ dân chăn nuôi gà đồi Yên Thế, với tốc độ phát triển 25% mỗi năm. Gà đồi Yên thế đang được nhân rộng ra nhiều huyện, phấn đấu đạt mục tiêu 15 triệu con và đứng thứ 3 toàn quốc.
Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn, theo ông Linh thì lĩnh vực xúc tiến thương mại, quảng cáo thương hiệu vẫn còn hạn chế và cần được quan tâm hơn nữa.
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn xã hội. (Ảnh IT) |
Phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho đây là đề án giúp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn mới. Nhiều làng quê hiện chỉ còn lại người già và trẻ em, người lao động thì bỏ làng đi làm xa, nếu phát huy hiệu quả chương trình này sẽ tạo được việc làm, có thu nhập cao để người dân không bỏ đồng ruộng đi làm ăn xa.
Để tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quỹ để các hộ dân có thể vay vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là hàng nông sản. Bởi hiện nay việc tiêu thụ sản phẩn của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo chương trình đào tạo nghề cho nông thôn cho biết, đến thời điểm này toàn bộ 63 tỉnh thành đã có Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn 10 huyện, 687 xã trên cả nước chưa có Ban chỉ đạo, 281 huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách. Hiện 534 huyện có hệ thống dạy nghề cấp quận, huyện, tuy nhiên vẫn còn 129 huyện chưa có. “Giật mình khi đọc báo cáo”, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh không có cơ sở đào tạo cấp huyện phải xem lại.
Thống kê cho thấy trong 3 năm qua đã có nửa triệu nông dân được đào tạo nghề, tăng thu nhập, hơn 50 nghìn nông dân thuộc hộ nghèo đã hết nghèo sau đào tạo… Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng đặt ra là: “Học xong người dân có đỡ và hết nghèo không? Trong số các chỉ tiêu thì chỉ tiêu thu nhập là khó khăn nhất. Nếu không sản xuất hiệu quả sẽ không đạt được chỉ tiêu đó. Vì thế nói đến nông thôn mới phải nói đến đào tạo lao động có hiệu quả”.
Phó thủ tướng yêu cầu: “Yên Bái phải rà soát kỹ lại. Có lẽ công tác quản lý có vấn đề. Phải chăng là đào tạo theo phong trào? Địa phương phải xem nội bộ của mình. Đào tạo làm sao phải gắn được với nhu cầu thực tế của địa phương”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương lưu ý trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Bởi hiện nay một số tỉnh sau khi mua thiết bị vẫn chưa dùng, gây lãng phí tiền tỷ.