Phương án CPH MobiFone chính thức sáng rõ
Dù chưa được công bố công khai chính thống bằng văn bản, nhưng thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son “hé mở” trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, như cho thấy, hướng đi tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và thực hiện cổ phần hóa mạng di động này là khá rõ ràng.
MobiFone “về” Bộ?
Với Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2013-2015.
Theo đó, sẽ tách một trong hai mạng thông tin di động MobiFone hoặc VinaPhone ra khỏi VNPT, tuân thủ đúng quy định về sở hữu chéo của pháp luật về viễn thông, theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Tất nhiên, đến giờ, việc tách MobiFone hay VinaPhone ra khỏi VNPT vẫn nằm “trong vòng bí mật” vì dự thảo đề án chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông công khai.
Mới đây, báo giới đã trích dẫn “theo tờ trình số 55 ngày 27/9/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu VNPT), Bộ đã có một quyết định cương quyết hơn, là phải tách MobiFone ra khỏi VNPT”, vì theo Bộ đây là phương án tốt nhất, và cũng là phương án mà Bộ lựa chọn.
Dù vậy, kết quả cuối cùng vẫn chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, về bản chất hiện nay, thực tế MobiFone cũng do Bộ quản lý rồi. Vì trước đây, MobiFone nằm trong tập đoàn VNPT, do Chính phủ là người đại diện về sở hữu, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ quản lý nghiệp vụ. Tuy nhiên, hiện quyền đại diện sở hữu VNPT đã được chuyển về Bộ, nghĩa là cả VNPT, cả VinaPhone và MobiFone đều thuộc Bộ, với vai trò là người đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Và theo ông, việc giao quyền quản lý VNPT về Bộ là hết sức bình thường, không có gì lo ngại về vấn đề độc quyền hay vấn đề hiệu quả, định hướng phát triển không đảm bảo.
Chia sẻ với VnEconomy, lãnh đạo một mạng viễn thông cho rằng, luật chỉ cấm tổ chức, cá nhân không được cùng lúc sở hữu trên 20% vốn tại hai doanh nghiệp viễn thông, chứ không cấm "cơ quan nhà nước", và trong trường hợp này là Bộ Thông tin và Truyền thông. “Nhưng bản chất việc chuyển chủ sở hữu này cũng không khác gì khi hai doanh nghiệp viễn thông đó cùng trực thuộc VNPT như trước đây”, vị này nói.
Cổ phần hóa MobiFone là “lựa chọn tốt nhất”
Cổ phần hóa MobiFone có thể được coi là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, khi vấn đề này được đề cập cách đây đã gần 10 năm, thậm chí vào thời điểm cuối năm 2006, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã khẳng định trong năm 2007 phải hoàn tất quá trình cổ phần hoá MobiFone.
Nhưng đến giờ, câu chuyện cổ phần hóa của MobiFone dù đã cũ, nhưng vẫn còn là vấn đề... thời sự.
Trong một bài viết về tái cơ cấu VNPT, báo Sài Gòn Tiếp Thị trích dẫn một văn bản với nội dung đáng chú ý, cụ thể theo tờ trình số 14697 của bộ Tài chính ký ngày 29/10/2013, thì Bộ Tài chính cho rằng “MobiFone cần tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn của VNPT và tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo những quyết định trước đây khi còn là Bộ Bưu chính Viễn thông”.
Với quan điểm trên, Bộ Tài chính có vẻ ủng hộ MobiFone “ở lại” với VNPT nhiều hơn.
TS. Mai Liêm Trực, trong lần trao đổi với VnEconomy một ngày cuối năm 2013 về chuyện tái cơ cấu VNPT, ông cho rằng, lựa chọn tốt nhất là cổ phần hóa MobiFone, bởi trước đây Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn là cổ phần hóa MobiFone, nhưng do VNPT “chậm chạp” nên giờ vẫn chưa thực hiện được.
Vị chuyên gia kỳ cựu về viễn thông này cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam nếu chỉ có ba doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì chưa phải là một thị trường cạnh tranh lành mạnh, bởi lẽ giống như bố mẹ cho ba đứa con ra ăn riêng, tự cạnh tranh với nhau, còn chủ sở hữu thì đều của nhà nước.
“Một thị trường viễn thông tốt nhất thì chỉ cần một doanh nghiệp của Nhà nước, còn hai ba doanh nghiệp khác thì Nhà nước chỉ cần có cổ phần hoặc tư nhân là chính, kể cả người nước ngoài, lúc đấy thị trường mới cạnh tranh lành mạnh, mới đua nhau về năng suất, năng lực thực sự”, ông Trực nói.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ rằng: “Tiến trình cổ phần hoá Mobifone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thể hiện trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ”.
Như vậy, xem ra kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đang được Bộ Thông tin và Truyền thông rất chú trọng, khi vấn đề tái cơ cấu VNPT hoàn thành.
Tuy nhiên, việc “sớm được triển khai cổ phần hóa MobiFone” vẫn chưa có thời hạn cụ thể. Cũng có thể là năm nay, 2014, hoặc những năm sau đó!
Nguồn: Vneconomy