Phủ Thành Chương, nhà ca sĩ Mỹ Linh sẽ bị xử lý thế nào?
Đang chờ ý kiến UBND TP Hà Nội
Thanh tra kết luận nhà ca sĩ Mỹ Linh vi phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp. Ảnh IT |
Đề cập đến sai phạm trong việc sử dụng, xây dựng Phủ Thành Chương (của họa sĩ nổi tiếng Thành Chương) và ngôi nhà rộng lớn khang trang của vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân cùng ca sĩ Mỹ Linh trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chiều 7/5, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định trong kết luận thanh tra Sở đã khẳng định rõ hai công trình này đã vi phạm trong việc sử dụng đất lâm nghiệp. Không chỉ việc sử dụng sai, mà việc xây dựng cũng sai. Cả hai công trình này đều không có giấy phép xây dựng.
Liên quan đến kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ năm 2006 cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội sẽ xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Với kết luận này sẽ phải thực hiện chứ không thể nói không được. Nhưng triển khai nội dung này lại không phải do Sở TN&MT, mà thuộc lĩnh vực của Sở NN&PTNT. Đối với Sở TN&MT chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là kiểm tra, thanh tra đối với việc sử dụng đất, còn triển khai thực hiện chỉ đạo của thủ tướng thì thuộc Sở NN&PTNN.
Trong trường hợp phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh có sai phạm, việc xử lý sẽ ra sao?
"Nỗi buồn rất riêng khó có điều kiện chia sẻ với ai"
Cũng tại buổi gặp mặt này, khi chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong lĩnh vực đất đai của Hà Nội được xếp hạng thấp nhất, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội thể hiện những trăn trở và “nỗi buồn rất riêng khó có điều kiện chia sẻ với ai”.
Khi PCI bị xếp “cuối bảng”, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội coi đây là điều rất buồn nhưng vẫn giữ cho mình một tinh thần cầu thị.
“PCI bị xếp hạng thấp nhất. Trong ngành chúng tôi có những trăn trở và nỗi buồn rất riêng khó có điều kiện chia sẻ với ai. Khi đánh giá xếp hạng trong lĩnh vực đất đai, chúng tôi chưa hiểu, chưa rõ và không biết còn cái gì nữa để khắc phục. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để chúng tôi nhìn ra. Tự đánh giá về mình, từ đó chúng tôi có cách nhìn khách quan để kiểm điểm nghiêm túc” – Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên ông Nghĩa cũng tỏ ra khó hiểu vì “trong nhiều năm Sở luôn được Bộ TN&MT tặng thường và ghi nhận là đơn vị thi đua suất sắc và là lá cờ đầu của ngành”, với TP Hà Nội cũng vậy.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa: "Chúng tôi có những nỗi buồn rất riêng". Ảnh LD |
Thể hiện quyết tâm, ông Nghĩa một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình, làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Còn để hết được điều tiếng thì cực kỳ khó, chỉ có thể hạn chế thôi”.
Phó Giám đốc Sở này cũng nói thêm, Hà Nội có đặc thù hoàn toàn khác với các địa phương khác. Do vậy nếu so sánh Hà Nội với các tỉnh thành như Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái… thì rất bất hợp lý. Nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi: tại sao TP HCM không xếp hạng cuối cùng mà lại là Hà Nội?
“Xin thưa TP HCM làm gì có những công trình hợp nhất. Bao nhiêu năm nay địa giới của người ta ổn định. Ngay sau khi giải phóng miền nam, TP HCM đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tập trung vào đó xây dựng, hồ sơ địa chính đã ổn định, đồng bộ. Trong khi đó Hà Nội vẫn đang loay hoay xây dựng hồ sơ”. Theo ông Nghĩa thực tế này không phải do sự thiếu quyết tâm của ngành, mà xuất phát từ nhiều yếu tố.
Trước đây khi chưa hợp nhất thì Hà Nội đã triển khai xây dựng bộ hồ sơ địa chính. Nhưng khi đang triển khai thì Hà Nội hợp nhất, do vậy cần phải hợp nhất hồ sơ địa chính từ các đơn vị cơ sở.
Mặt khác chưa nói đến văn hóa, xã hội và chính trị, Hà Nội còn là trung tâm kinh tế của cả nước. “Tất cả các doanh nghiệp tập trung ở Hà Nôi, các tỉnh khác có đâu?”. Nhưng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận vẫn đạt 80%. Số còn lại sử dụng từ thời bao cấp đến bây giờ “mời các bác đến mà có đến đâu”.
Ông Nghĩa dẫn dụ cuối 2012, đầu năm 2013 Sở đã có nhiều thông báo mời đến để công khai cấp giấy chứng nhận nhưng họ không đến. “Họ không đến vì sử dụng đất từ thời xưa đến bây giờ đã quá nhiều thay đổi. Một là chia đất làm nhà ở. Hai là lấn chiếm đất, xẻ thịt làm việc khác. Trừ khi đang bí tiền quá, cần công khai với tổ chức tín dụng họ mới đến kê khai và xin cấp sổ đỏ để giao dịch”.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nghĩa cho biết đã báo cáo với thành phố và tới đây sẽ phải áp dụng biện pháp mạnh. Cơ quan tổ chức, cá nhân nào không được cấp giấy chứng nhận sẽ phải có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm.
Ngoài ra lãnh đạo Sở với thứ hạng PCI thấp nhất còn đề cập đến kết quả thanh tra, kiểm tra – yếu tố vốn dĩ rất nhạy cảm, khó nhận được sự chia sẻ của nhà đầu tư và của doanh nghiệp. Tính đến giờ, số liệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội thuộc loại lớn nhất cả nước. Tổng kết công tác thanh tra của Bộ gần đây cho thấy cả nước vi phạm hành chính đất đai chỉ khoảng 20 tỷ, trong khi đó riêng Hà Nội đã xử lý 6 – 7 tỷ đồng.
“Chúng tôi không hoàn toàn bao biện, hay biện minh cho cái xếp hạng. Nhưng chúng tôi cũng rất muốn có sự chia sẻ và sẽ nhìn nhận lại mình hết sức nghiêm túc để chấn chỉnh lại” – ông Nghĩa cho hay.