Phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tổng kết Phong trào Thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2010- 2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 do Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày khẳng định: Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”… Đây là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng đề các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cũng trong giai đoạn 2010-2015, cơ quan chức năng đã tập trung nghiên cứu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Theo đánh giá, cũng trong những năm qua, Phong trào thi đua yêu nước được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mang lại hiệu quả toàn diện, thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy, động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy sức sáng tạo, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành động lực, biện pháp quản lý hữu hiệu, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
2.000 đại biểu đã tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sáng nay. (Ảnh: Vạn Xuân) |
Các Phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, chuyển biến cả về nội dung và hình thức và kết quả đạt được. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015; huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…
Theo đánh giá, Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, quan tâm đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giớ, hải đảo…
Việc phong trặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả tốt. Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng, 85 Huân chương Hồ Chí Minh, 3080 Huân chương Độc lập, 377 Huân chương Quân công; hơn 31.000 Huân chương Lao động, gần 200 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; gần 2200 Huân chương, Huy chương Hữu nghị; 86 Anh hùng lao động, 81 Anh hùng LLVT nhân dân; 194 Giải thưởng Hồ chí Minh, 215 Giải thưởng Nhà nước; gần 4.900 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú); cùng nhiều Huân, Huy chương tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu.
Sau khi điểm lại một số hạn chế, yếu kém và nêu bật 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức Phong trào thi đua yêu nước, báo cáo do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày cũng đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và 6 giải pháp cơ bản thực hiện Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy truyền thống và tinh thần Thi đua ái quốc theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại hội xác định chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời thống nhất công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới phải được tiếp tục đổi mới, hướng đến mục tiêu: “Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào thi đua yêu nước phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.