Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Hội nhập TPP, thách thức đã hiện hữu
Tại hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán xuyên suốt và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
“Các FTA mở ra một con đường, thậm chí một đại lộ rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là cỗ xe kinh tế của chúng ta được chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này, đảm bảo an toàn và tới đích mới là quan trọng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu, đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị với một tâm thế vững chắc thì mới có thể hội nhập thành công với thế giới.
Phó Thủ tướng cho biết, vào tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận và quyết định việc sớm trình hiệp định TPP ra Quốc hội phê chuẩn.
Việt Nam đã và đang làm nhiều việc chuẩn bị cho thực thi TPP như rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam và thông qua kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những bộ luật, tạo thể chế chính sách nhằm đáp ứng các cam kết hội nhập làm tiền đề để Việt Nam hội nhập thành công.
Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 35 về doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp.
“Chính phủ quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ không phân biệt doanh nghiệp to, nhỏ, thành phần kinh tế nào”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, cũng cho rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm.
Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy, TPP có thể góp phần gia tăng thu nhập của Việt Nam thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA đóng góp thêm 4%. Tuy nhiên, các hiệp định này cũng đi kèm một số thách thức đáng kể và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, về chính sách thương mại, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều ở sau đường biên để có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà các hiệp định đặt ra.
Nhiều ý kiến lo ngại, liệu doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc thực hiện TPP và EVFTA? Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI, hiện DN Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận hội nhập TPP.
Cụ thể có 88,16% doanh nghiệp được hỏi đã biết về TPP; 83% DN biết về EVFTA. Hơn 96% doanh nghiệp cho rằng các FTA là cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 80% doanh nghiệp cho rằng mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức cho doanh nghiệp và 88,5% doanh nghiệp thấy sẽ tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp khi hội nhập. Các cam kết phức tạp, ngôn ngữ hàn lâm, nhiều thỏa hiệp. Trong khi đó, hướng dẫn đã có nhưng còn ít, và chưa cụ thể như với hiệp định TPP.
Theo bà, hai yếu tố cản trở nhất đối với việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ TPP- EVFTA là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước.
Đồng thời, năng lực của doanh nghiệp về đàm phán, tiếp cận thị trường, công nghệ …cũng là một rào cản.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất như: chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tay nghề lao động, chính sách lương.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, khó khăn lớn nhất khi Việt Nam ký kết các FTA là sẽ mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền của để tìm hiểu các quy định quốc tế. Vướng mắc hiện nay là về trình độ tiếng Anh, khả năng của cán bộ Việt trong việc hiểu đúng bản chất pháp lý, nội hàm các quy định quốc tế liên quan FTA.