Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm KHCN, phải trao đổi cởi mở để đi đến cùng
Cơ chế ở đây chính là tháo gỡ những khó khăn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo. Để đất nước phát triển và tranh thủ những vận hội mới, không thể không tăng cường tiềm lực KHCN. Cũng chỉ KHCN mới là con đường duy nhất để chúng ta có thể phát triển.
Nhưng để có trình độ khoa học phát triển, phải dần tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà khoa học. Chúng ta đang bước vào quy trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng sắp tới, trong đó có chiến lược KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030, có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm...
Cũng từ những kiến nghị của cộng đồng khoa học, hiện nay Chính phủ đang bàn để đưa một trong các giải pháp đột phá trong 10 năm tới là phát triển KT-XH gắn với các giải pháp khoa học đột phá.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tới đây sẽ có ít nhất một buổi Chính phủ mời các nhà khoa học trao đổi, hiến kế. Cần thiết phải đưa KHCN trở thành một trong các giải pháp đột phá trong 10 năm tới. “Chúng tôi nhận thấy cần phải bàn sâu về việc này. Tôi mong muốn các nhà khoa học hãy suy nghĩ để tới đây chúng ta sẽ bàn, làm sao để thực sự đột phá”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Không chỉ nói đến khía cạnh khoa học, Phó Thủ tướng cũng liên hệ với các khía cạnh kinh tế. Theo Phó Thủ tướng, đổi mới sáng tạo quốc gia phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, xoay quanh đó là các viện nghiên cứu, các trường đại học… Nhưng muốn để doanh nghiệp làm trung tâm thì phải có cơ chế kinh tế.
Cơ chế kinh tế ở đây là từ chính sách thuế, chính sách phân bổ nguồn lực, phân bổ vốn ngân sách, chính sách mua sắm, đấu thầu cho khoa học… để doanh nghiệp không cần phải đi kêu gọi sự nhiệt tình của các nhà khoa học. Doanh nghiệp thấy có lợi về kinh tế sẽ có động cơ tăng đầu tư cho KHCN, các nhà khoa học thấy nghiên cứu của mình được đền đáp sẽ hăng say nghiên cứu.
Phó Thủ tướng nói tiếp: “Tôi từng có dịp hỏi riêng các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học,… họ nói vẫn còn vô cùng vất vả (về thủ tục hành chính trong thanh toán các khoản chi-PV). Mặc dù về mặt hình thức thì tất cả mọi thứ đều tốt hết. Nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều vướng mắc. Một trong những căn nguyên đó là chúng ta chưa bao giờ bàn đến nguyên tắc khoa học, mà đã là khoa học thì bao giờ cũng có những rủi ro”.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, muốn có đột phá trong khoa học thì phải có chính sách đột phá. Chúng ta vẫn nói con số 0,44% GDP đầu tư cho KHCN, tỷ lệ này chưa tính hết được đầu tư của khu vực tư nhân. Nhưng chắc chắn, dù nếu tính đủ cũng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước xung quanh. Phó Thủ tướng cho rằng, không thể để tình trạng "coi KHCN là quốc sách hàng đầu" nhưng đầu tư từ ngân sách vào KHCN lại thấp như hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng giới thiệu Công trình "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long" của GS-TS. Nguyễn Thị Lang, một trong bốn công trình được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. |
Bên cạnh đó, không thể để những người làm khoa học phải phân tâm vào việc hợp thức hóa các con số.
“Không thể nói KHCN là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, vật lộn để “sáng tác” số liệu (hợp thức hóa các khoản chi – PV). Phải trao đổi cởi mở để đi đến cùng. Nếu không (có thời gian chuyên tâm) làm khoa học, thì làm sao chúng ta có thể bứt lên được".
Thực tế, trong 5 năm trở lại đây số công trình khoa học của Việt Nam tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa hài lòng nhưng nếu so các chỉ số quốc tế đánh giá về mức độ sáng tạo, Việt Nam đã có sự tăng trưởng khi đứng thứ 45 trên thế giới.
Đáng chú ý, trong chỉ số đổi mới sáng tạo (được chia làm 4 nhóm chỉ số), có hai nhóm chỉ số trực tiếp liên quan đến giới khoa học, hai chỉ số còn lại có liên quan đến thể chế của nền kinh tế nói chung. Do đó, nhiều người cho rằng, đầu tư cho khoa học không chỉ là đầu tư cho máy móc, cơ chế nghiên cứu..., đó phải là đầu tư vào chính con người (nghiên cứu sáng tạo) với những cơ chế đột phá thực sự.