Phó Thủ tướng phê bình Bộ TN-MT trong toàn quốc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ghi vào biên bản phê bình Bộ TN-MT trong phạm vi toàn quốc. (Ảnh: HC) |
Hội nghị Triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) được Bộ GTVT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành TƯ và hàng chục địa phương có tuyến đường đi qua.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, công tác GPMB tuyến QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ có tổng kinh phí khoảng 8.600 tỉ đồng, có 25.000 hộ bị thu hồi đất với tổng diện tích khoảng 1.500ha, nhu cầu bố trí tái định cư khoảng 7.500 hộ.
Đối với dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên (QL14) nối từ Đắk Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 663km, giai đoạn 1 đã hoàn thành đoạn Đắk Giôn - Tân Cảnh (Kon Tum) dài 110km, giai đoạn 2 đã và đang triển khai đầu tư, thực hiện 553km.
Đây là các dự án trọng điểm quốc gia được TƯ Đảng, Quốc hội và Chính phủ ấn định hoàn thành trong năm 2016. Các dự án này vừa khai thác vừa thi công mở rộng, quy mô lớn trải dài trên 1.000km với lưu lượng xe lưu thông rất lớn, QL1 và QL14 lại hình thành từ lâu nên mật độ dân cư sống hai bên đường khá dày đặc, đặc biệt là các đoạn qua đô thị, dẫn đến khối lượng GPMB và di dời các công trình ngầm lớn và hết sức phức tạp… Vì vậy quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, từ bảo đảm giao thông đến GPMB.
Tại hội nghị, các địa phương đã phản ảnh nhiều vướng mắc lớn trong việc GPMB cho các dự án này, trong đó nổi lên vấn đề thu hồi đất trồng lúa. Đơn cử như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, nhu cầu đất xây dựng các khu tái định cư cho các dự án mở rộng QL1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tuy nhiên phần lớn đất xây dựng khu tái định cư hiện nay là đất trồng lúa nước.
Tại một hội nghị lớn bàn về công tác giải phóng mặt bằng cho hai dự án giao thông trọng điểm quốc gia có "điểm nóng" là thu hồi đất lúa... |
"Diện tích đất trồng lúa nước được chuyển đổi sử dụng cho mục đích khác đã được Chính phủ phân bổ cho Quảng Nam giai đoạn đến năm 2015 là 9.000ha, giai đoạn từ 2016 - 2020 là 1.660ha. Diện tích này là quá ít so với nhu cầu của các địa phương và hiện tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa nước hàng năm cho các huyện, thành phố và không còn chỉ tiêu cho xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án mở rộng QL1 và dự án đường cao tốc. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung hạn mức sử dụng đất trồng lúa nước để xây dựng các khu tái định cư phục vụ các dự án này theo nhu cầu đề nghị thực tế của địa phương" - ông Đinh Văn Thu nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trình tự thu hồi đất trồng lúa theo văn bản số 4556/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 27/11/2012 của Bộ TN-MT sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh tự thực hiện việc thu hồi đất lúa đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh cho hay, Nghị định 42/CP về quản lý và sử dụng đất lúa quy định rất chặt: "Khi thu hồi đất lúa để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì UBND tỉnh phải báo cáo Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất lúa". Vậy thì đối với hai dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) như thế nào?
"Theo quan điểm của Bộ Tài chính, hai dự án này là hai dự án trọng điểm quốc gia, rất quan trọng, cho nên chúng tôi đồng tình phương thức thu hồi đất lúa mà Bộ GTVT kiến nghị tại hội nghị này. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT và ý kiến tổng hợp của các Bộ, đề nghị Bộ TN-MT có phương án trình Thủ tướng xử lý sớm việc giao UBND tỉnh thu hồi đất lúa theo đúng tình hình thực tiễn của địa phương, đúng quy định của Chính phủ và Bộ TN-MT phải hướng dẫn việc này" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sĩ Danh nói.
...nhưng lãnh đạo Bộ TN-MT lại vắng mặt (bên cạnh đó, hai chiếc ghế dành cho đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Xây dựng cũng không thấy có người ngồi)! |
Tuy nhiên ông Phạm Sĩ Danh tỏ ý "rất tiếc" vì tại "một điểm nóng như thế này" nhưng chiếc ghế dành cho đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT lại hoàn toàn để trống (bên cạnh đó, hai chiếc ghế dành cho đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Xây dựng cũng không thấy có người ngồi).
Khi phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ: "Hôm nay rất tiếc bàn một việc rất lớn mà Bộ TN-MT không có mặt ở đây". Tiếp đó ông yêu cầu: "Ghi vào biên bản phê bình Bộ TN-MT trong phạm vi toàn quốc. Phải nghiêm như vậy. Bất cứ là anh nào, phải phê bình!".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bộ TN-MT hướng dẫn cho các địa phương có nhu cầu trong hành lang tuyến và tái định cư, giao cho UBND tỉnh thu hồi đất lúa. Nghị định của Chính phủ đã quy định, nhưng đây đã có chủ trương, có quy hoạch thì phải thực hiện, không cần phải báo cáo lên quá xa xôi. Cải cách hành chính là ở chỗ đó. Tôi đề nghị Bộ TN-MT phải vào cuộc, không phải là nói vô trách nhiệm với chuyện này. Tôi sẽ về làm việc trực tiếp với Bộ TN-MT để xử lý vấn đề theo hướng đó, để nhanh hơn. Tôi rất buồn khi một vài hecta mà phải chạy lên chờ đợi quá lâu. Phải cải cách cái gì trong này chứ!".
Ông cũng cho biết sẽ báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ việc giải quyết đất lúa nêu trên theo hướng thuận lợi, nhanh chóng cho các địa phương không phải chạy lên chạy xuống đi xin cái việc không cần thiết vì đã có quy hoạch rồi. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT phải báo cáo rõ nhu cầu cần thu hồi bao nhiêu đất lúa để phục vụ cho hai dự án nêu trên.
"Chưa cắm mốc lộ tuyến thì tôi biết đất lúa bao nhiêu mà báo cáo Thủ tướng? Lại chờ đợi cái "anh giao thông". Hai ông Thứ trưởng ngồi đây (ông Trương Tấn Viên và ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT), rất hoành tráng. Hai ông toàn ở địa phương lên hết, rất nhiều kinh nghiệm địa phương nên phải cố gắng làm cho nhanh, đừng để địa phương phải chờ đợi!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.