Phó Thủ tướng: Đã xử lý 48 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi báo cáo Quốc hội sáng 17/11 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Tham nhũng: 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã ban hành và triển khai thực hiện quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng trong ngành thanh tra và công khai kết luận thanh tra. Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Cụ thể đã có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 03 người bị xử lý hình sự, 05 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Đã chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 27,4 nghìn cán bộ, công chức, viên chức.
Đã tổng kết kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 với tỷ lệ kê khai đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012. Đã công khai 914.250 bản kê khai, bằng 96,8% số bản đã kê khai, tăng 37,4% so với năm 2012.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng |
Tuyển dụng mới không quá 50% công chức rời biên chế
Liên quan đến việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; cải cách chế độ công vụ, công chức và xử lý tiêu cực Phó Thủ tướng cho biết, đã ban hành 18 Nghị định, 13 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai, đã thành lập Ban Chỉ đạo ở các Bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.
Từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá. Gần đây nhất, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Phó Thủ tướng cho biết, đã đơn giản hóa gần 4.100/4.700 thủ tục hành chính; cập nhập trên 112 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính và gần 11 nghìn hồ sơ văn bản liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Quản lý chặt chẽ nợ công
Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.
Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Tăng cường công khai minh bạch tình hình tài chính và kết quả hoạt động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.
Theo Phó Thủ tướng, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động... Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.