Phó Thống đốc NHNN: Không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 2/2019 tổ chức sáng nay (1/10), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường, thanh khoản được đảm bảo.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: “Trong phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, các thành viên đều đi đến thống nhất cao là chính sách điều hành tỷ giá vừa qua hết sức hợp lý. Các nước có phá giá, tăng giá, còn chúng ta, việc phá giá hay tăng giá tiền đồng phải được tính toán dựa trên tổng thể của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, cán cân thanh toán… điều hành chính sách tỷ giá sao cho hợp lý và có lợi ích tốt nhất với quốc gia, tạo tâm lý ổn định cho thị trường”, ông Tú cho hay.
Cũng theo Phó Thống đốc, có một vài quan điểm nói rằng tỷ giá phải chăng phá giá hơn nữa đi để tạo điều kiện cho xuất khẩu, bởi vì xuất khẩu vừa qua có phần chững lại so với năm ngoái.
Song Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Chúng ta không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu. Nhập khẩu của chúng ta cũng rất lớn, nhập nguyên liệu về để gia công sau xuất khẩu. Vì vậy không chỉ nghĩ đơn giản một chiều là tại sao không phá giá, giảm bớt giá trị tiền đồng để tạo điều kiện cho xuất khẩu”.
Về lãi suất, từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là những tháng cuối năm. Với việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ, phải làm sao để có thể hài hòa giữa lợi ích của người vay và người gửi tiền, hài hòa được lạm phát và đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Cũng theo NHNN, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.