Phó Thống đốc: Ngân hàng không nên coi Fintech là đối thủ cạnh tranh
Tại Hội thảo quốc tế thường niên về chủ đề “Ngân hàng và Fintech: Cơ hội và thách thức” ngày 10/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Fintech (công nghệ tài chính) với trên 70 công ty Fintech hoạt động đa dạng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, những công nghệ mới với nhiều công năng, ứng dụng phong phú đã đem đến trải nghiệm mới hấp dẫn người sử dụng dịch vụ ngân hàng, tài chính với chi phí hợp lý.
"Hội thảo Ngân hàng & Fintech: Cơ hội & Thách thức" diễn ra ngày 10/11 |
Về phía ngân hàng, sự hợp tác với các công ty Fintech đã mang lại sự đổi mới, sáng tạo, cải tiến, các loại dịch vụ ngân hàng truyền thống trong đó bao gồm dịch vụ thanh toán, mở tài khoản, cho vay, huy động vốn…
Các công ty Fintech mặc dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ, mạng lưới tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế…
Trong khi đó ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, nhiều kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin và thanh toán được đầu tư lớn…chính vì thế sự kết hợp giữa hai chủ thể trên sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển kinh tế.
Theo Phó Thống đốc, đây là thời điểm để các ngân hàng nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh của mình trong bối cảnh mới, cụ thể phải đổi mới mô hình, tổ chức mạng lưới, cải tiến quy trình nghiệp vụ, gia tăng tiện ích…trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới đột phá như phân tích dữ liệu lớn, bảo mật…
“Bên cạnh đó ngân hàng cần thay đổi tư duy, quan điểm về Fintech, không nên coi Fintech là những đối thủ cạnh tranh mà cần hướng tới sự hợp tác cùng có lợi.
Trên thực tế, hợp tác tài chính ngân hàng Fintech là xu hướng chủ đạo trên thế giới, cần tận dụng để biến thành cánh tay nối dài với người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Các công ty Fintech cần chủ động khai thác thị trường vùng sâu, vùng xa, nơi hoạt động ngân hàng chưa phủ kín. Bên cạnh đó cần hết sức chú trọng đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật, tránh lợi dụng trong hoạt động lừa đảo, gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền xuyên biên giới…đây là vấn đề thời sự không chỉ riêng Việt Nam mà của toàn thế giới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, việc hợp tác với các công ty Fintech có thể giúp ngân hàng nhận được những kiến thức về công nghệ, khả năng đổi mới và đáp ứng nhanh nhạy yêu cầu của thị trường, nhưng bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều rủi ro trong hoạt động. Đặc biệt, khó khăn của Fintech hiện chủ yếu là công cụ thanh toán và người tiêu dùng vẫn còn e dè về tính bảo mật. Do vậy, chính sách, quy định quản lý đến vai trò của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ Chính phủ đều cần được lưu tâm.
Cũng tại hội thảo, ông Marco Breu, Tổng Giám đốc McKinsey &Company Vietnam (thuộc Tập đoàn Tư vấn Quản trị và Chiến lược Toàn cầu McKinsey &Company) cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi cho các công ty Fintech phát triển; khảo sát cho thấy có hơn 50% người được khảo sát ở Việt Nam sẵn sàng và cởi mở trong thanh toán kỹ thuật số.
Phó Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech để hoàn thiện hệ sinh thái, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên đây là lĩnh vực mới, đổi mới với tốc độ nhanh chóng nên hành lang pháp lý hiện hành tại Việt Nam cho các công ty Fintech chưa đầy đủ. NHNN đã xác định ưu tiên trong thời gian tới là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, bổ sung, sửa đổi quy định của ngành ngân hàng để phù hợp hơn với sự phát triển của Fintech.
Việc nắm bắt được những tác động của Fintech đối với hoạt động ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và Fintech kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai.