Phí ATM bị tận thu đến... bất ngờ
Phí ATM bị tận thu đến... bất ngờ
Người dung thẻ hoa mắt vì các loại phí ATM |
"Hoa mắt" vì phí
Từ sau khi NHNN ra lệnh "cấm" các NH không được thu phí rút tiền nội mạng và tăng phí ngoại mạng, nhiều nhà băng trước đây âm thầm lén thu phí đã điều chỉnh lại biểu phí như trước. Phí rút tiền ngoại mạng đã lùi về mức 3.300 đồng/giao dịch, phí in sao kê là 1.650 đồng/giao dịch...
Còn phí giao dịch nội mạng như chuyển khoản nội mạng, in sao kê... mỗi nhà băng lại áp dụng một chính sách khác nhau. Nếu là chủ thẻ VCB, MaritimeBank... khách hàng sẽ không bị áp phí in sao kê nội mạng, nhưng nếu là chủ thẻ ATM của Dongabank sẽ bị áp mức phí 1.100 đồng/lần giao dịch.
Đối với giao dịch ngoại mạng, chủ thẻ DongaBank rút trên hệ thống VNBC phí rẻ hơn, chỉ 2.750 đồng/giao dịch; vấn tin, in sao kê, chuyển khoản nội bộ 1.100 đồng/giao dịch. Còn nếu rút tại máy ATM thuộc hệ thống Smartlink thì phí là 3.300 đồng/lần.
Đáng nói nhiều nhà băng còn "đẻ" ra đủ loại phí khác nhau để tận thu của khách hàng.
Chiều 13/7, chị Tuyết (Cống Vị - Ba Đình – Hà Nội) phản ánh, chị sử dụng thẻ VCB nhưng rút tiền tại cây ATM của NH Techcombank, rút 1 triệu đồng nhưng NH trừ phí tổng cộng 16.500 đồng. "Rút có 1 triệu đồng mà tài khoản bị trừ tổng cộng tới hơn 16.000 đồng thì nhiều quá" – chị Tuyết nói.
Thấy tài khoản bị trừ quá nhiều tiền, kiểm tra lại các giao dịch chị mới té ngửa khi có những khoản thu rất vô lý. Giao dịch xem số dư tài khoản và xem chi tiết giao dịch hiển thị trên màn hình máy... cũng bị tính phí 1.650 đồng/lần, mức phí này bằng với mức phí in sao kê ngoại mạng. "Rút tiền xong thì đương nhiên là sẽ phải xem lại tài khoản của mình còn bao nhiêu tiền, chỉ kiểm tra thông tin mà không in hóa đơn NH cũng tính phí của khách thì quả là vô lý"- chị Tuyết bức xúc.
Không bị mất tiền oan như chị Tuyết nhưng trường hợp của anh N.T.A – một chủ thẻ khác của VCB, cũng bức xúc không kém khi thấy tài khoản bỗng dưng bị "hụt" sau khi hoàn tất giao dịch xin cấp lại mã PIN.
Anh N.T.A thông tin, ngày 12/7 anh tới chi nhánh của VCB để xin cấp lại mã PIN bị mất, nhưng khi kiểm tra tài khoản sau đó anh mới biết bị trừ 10.000 đồng phí cấp lại PIN. Số tiền theo anh T.A tuy không nhiều, nhưng "nếu lúc thực hiện giao dịch nhân viên nói cho khách hàng biết là sẽ thu phí và hỏi khách hàng muốn trừ vào tài khoản hay nộp tiền trực tiếp thì sẽ đàng hoàng hơn" – anh T.A thắc mắc.
Luôn "nắm đằng chuôi"
Lý giải việc nâng phí ATM, các nhà băng cho rằng mình luôn chịu lỗ, bù đắp chi phí, nhưng lý do trên hoàn toàn không thuyết phục vì chưa có số liệu thống kê nào. Nhưng lãi hữu hình mà nhà băng nhận được thì không nhỏ: tiết kiệm chi phí giao dịch trực tiếp với khách hàng, tận dụng được số dư tài khoản lãi suất cực thấp... Nếu tính tổng cộng những khoản lãi này, ngân hàng thu về khoản tiền không hề nhỏ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc NH thu phí với lý do bù đắp chi phí ở khía cạnh nào đó có thể hợp lý, vì đã là sử dụng dịch vụ người sử dụng phải đóng phí. Nhưng trong lúc kinh tế đang khó khăn cũng chưa nên thu phí hay tăng phí. Hơn nữa, nếu thu nhiều quá sẽ đi ngược lại với chủ trương thanh khoán không dùng tiền mặt, người dân sẽ không mặn mà để tiền trong tài khoản mà tăng giữ tiền mặt...
Đành rằng sau chỉ đạo của NHNN các NH đã rút phí thu ngoại mạng về mức cũ, không tăng phí thu nội mạng, nhưng câu chuyện "lùng bùng" về thu phí ATM thời gian qua lại khiến dư luận đặt câu hỏi: Dường như khách hàng vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất khi sử dụng dịch vụ ATM? Số tiền mà NH đã lỡ thu của khách hàng trước đó có trả lại?
Tiếng là được hưởng dịch vụ nhưng NH luôn nắm đằng chuôi, còn khách hàng luôn phải chạy theo những quy định của NH.
Xoay quanh chuyện thu phí ATM ngoại mạng, đại diện Smarlink cho biết, bản dự thảo phí ATM đã được Vụ Thanh toán (NHNN) hoàn tất và lấy ý kiến các tổ chức chuyển mạch và các NH. Theo đó, mức phí rút tiền ngoại mạng theo đề xuất của NH Nhà nước sẽ không tăng đáng kể, còn mức phí rút tiền nội mạng sẽ chỉ khoảng 1.000 đồng/giao dịch. Dự kiến thu từ tháng 1 hoặc tháng 6/2013.
Trường Giang